Ngành nào đang thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng?

Thanh Nam
Thanh Nam
22/08/2022 16:31 GMT+7

Đại dịch Covid-19 ập đến đã để lại cho ngành khách sạn sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, cả về chất lượng lẫn số lượng.

Tại tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực khách sạn trong bối cảnh hội nhập" do Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM vừa tổ chức (ngày 20.8).

Vì sao có nhu cầu tuyển dụng rất lớn?

Theo ông Trần Quang Thức, Giám đốc nhân sự của MGallery Hôtel Des Arts Saigon, trong hai năm 2020 và 2021, với sự ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa giảm đi rất nhiều.

Theo ông Thức, sắp tới đây để bù đắp lại lượng thiếu hụt nguồn lao động trong ngành du lịch khách sạn các doanh nghiệp sẽ tuyển rất nhiều.

"Chưa kể việc có thể sẽ có nhiều khách sạn sắp sửa xuất hiện trên bản đồ khách sạn Việt Nam nên nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực của ngành là rất lớn", ông Thức nói thêm.

Các chuyên gia nhận định ngành khách sạn đang thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng

XUÂN PHƯƠNG

Cùng nhìn nhận, Nguyễn Mạnh Tưởng, quản lý lễ tân của New World Hotel Saigon, chia sẻ: "Việc hồi sinh mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú trong thời gian qua dẫn tới nhu cầu tăng mạnh về nhân sự".

Theo ông Tưởng, hiện nay các khách sạn trung tâm tại TP.HCM thiếu khoảng 30-40% nhân sự cần để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và đảm bảo chất lượng dịch vụ. Hầu hết các khách sạn rơi vào tình trạng "đói" nhân sự, đặc biệt là các bộ phận operation (vận hành hoạt động). Nhiều đơn vị một nhân viên có thể phải kiêm nhiều vị trí khác nhau như lễ tân khách sạn kiêm luôn nhân viên chăm sóc khách hành. Tài xế kiêm bell/doorman (bộ phận nhân viên hành lý, phục vụ tại cửa vào sảnh khách sạn) hoặc tăng khối lượng công việc...)

Còn ông Thái Phước Vũ, Tổng giám đốc Novotel Saigon Centre, nhận định sự phát triển của du lịch đã và đang từng bước khởi sắc hơn. Nên dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực, và nhu cầu tuyển dụng là cực kỳ lớn trong hiện nay lẫn tương lai. "Như tại tập đoàn Accor, trong 5 năm tới, số lượng khách sạn sẽ tăng lên gấp đôi, trong 10 năm nữa sẽ tăng lên gấp 5. Bản thân tôi vẫn liên tục tuyển dụng nhân sự", ông Vũ cho biết.

Cũng theo vị này, những vị trí đang được "chào đón" có thể kể như: nhân viên, quản lý cấp trung, giám sát...

Còn theo bà Đoàn Trần Phương Thảo, Giám đốc nhân sự khu vực của tập đoàn IHG tại miền Nam của Việt Nam và Lào, trước đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực du lịch đã chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu của ngành. Thì với tác động của đại dịch, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực càng trở nên trầm trọng hơn. Trong khi rất nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục rót vốn để sửa chữa, nâng cấp, hoặc thậm chí là xây mới các dự án du lịch nội địa.

Bà Thảo lấy ví dụ như tập đoàn IHG tại Việt Nam có mục tiêu sẽ nâng số lượng khách sạn từ 12 ở thời điểm 2021 lên con số 30 vào năm 2025, và 70 vào năm 2032... "Do đó, nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch hiện nay và trong thời gian tới là rất lớn", bà Thảo chia sẻ.

Bà Thảo cho rằng: "Với sự phát triển của ngành du lịch cũng như tiềm năng phát triển vượt bậc trong tương lai, quản trị khách sạn là ngành nghề được nhiều bạn trẻ yêu thích và lựa chọn làm nghề nghiệp cho bản thân".

Để "tiến xa" trong nghề

Tại tọa đàm, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia lẫn người làm nghề về ngành khách sạn có cùng nhận định làm nghề này có nhiều cơ hội phát triển. Dù rằng mức lương tại Việt Nam chưa cạnh tranh được với mức lương ở các nước khác như Singapore, các nước châu Âu, châu Mỹ, nhưng có mức lương và các chế độ phụ cấp tốt, giúp "sống khỏe" với nghề.

Theo các chuyên gia, sinh viên có nhiều kỹ năng thì cơ hội phát triển sự nghiệp càng cao

XUÂN PHƯƠNG

Được biết, bên cạnh thị trường khách sạn tầm trung, thì đối với các khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế càng cao, nhân viên được hưởng mức lương càng tăng và tỉ lệ thuận với sự thăng tiến trong công việc. Đặc biệt, môi trường khách sạn quốc tế còn có nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho cán bộ nhân viên.

Theo ông Thái Phước Vũ cần có định hướng nghề nghiệp thì giúp tiến xa trong công việc

XUÂN PHƯƠNG

Theo ông Thái Phước Vũ, mức lương sẽ tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm. Ngoài mức lương cơ sở, còn được nhận thêm những phần thu nhập khác.

Để có thể cùng đi lâu dài và "tiến xa" trong nghề, ông Vũ khuyên: "Với kinh nghiệm của tôi, tôi thấy rằng những người có sáng kiến, quản trị cảm xúc tốt, có thái độ niềm nở, hay tươi cười, luôn cố gắng trau dồi kinh nghiệm và tay nghề... thì dễ phát triển trong nghề này. Hãy chú trọng những kỹ năng và đặc biệt là cần có định hướng nghề nghiệp. Hãy nhắm đến vị trí quản lý từ 3 đến 5 năm sau, để rồi tìm tòi kiến thức công việc liên quan nhằm hiện thực hóa định hướng ấy. Và khi có định hướng, lộ trình cụ thể, hãy kiên trì, cố gắng, tìm người hướng dẫn hỗ trợ tiến xa hơn trong nghề".

Ông Thức thì gửi gắm đến các sinh viên dự định theo học hoặc đang học ngành du lịch khách sạn: "Để thành công cần có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp ứng xử, khả năng tổ chức và các kỹ năng mềm khác. Bên cạnh đó cũng chú trọng khả năng thích ứng với sự biến đổi, khả năng sử dụng công nghệ, công nghệ số trong dịch vụ. Cần trau dồi kinh nghiệm thực tiễn... Cần có nhiều kỹ năng thì cơ hội phát triển sự nghiệp càng cao".

Ấn phẩm ý nghĩa

Cũng dịp này, Khoa Quản trị du lịch - khách sạn của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM trình làng ấn phẩm "Quản trị khách sạn". Nhiều chuyên gia cho biết ấn tượng với nội dung của ấn phẩm ý nghĩa này, đồng thời đánh giá là bước đi tiên phong trong việc tạo cơ sở học thuật và tài liệu tham khảo chuyên ngành quản trị khách sạn.

Thạc sĩ Dương Bảo Trung, giảng viên ngành quản trị khách sạn, trưởng nhóm biên tập ấn phẩm "Quản trị khách sạn"

Thạc sĩ Dương Bảo Trung, giảng viên ngành quản trị khách sạn, trưởng nhóm biên tập, cho biết ấn phẩm này phục vụ cho việc dạy và học, thường xuyên cập nhật các xu hướng về ngành quản trị khách sạn, cũng là tài liệu đọc thêm cho các chuyên gia trong lĩnh vực và người làm nghề khách sạn... Ấn phẩm sẽ có nhiều ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia như: Tổng quản lý, giám đốc nhân sự, giám đốc sales và marketing cũng như các chuyên gia khác nằm trong chuỗi cung ứng của ngành khách sạn... chia sẻ về 5 chủ đề là: Quản trị nguồn nhân lực; PR & Marketing; Ứng dụng công nghệ số; Quản trị doanh thu và bán hàng; Chăm sóc khách hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.