Hôm nay, 9.3, Lễ hội Việt-Nhật lần thứ 9 khai mạc tại Công viên 23/9, Q.1, TP.HCM đón hàng ngàn khách tham quan. Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam, cho biết năm nay là lần thứ 3 JICA tổ chức gian hàng tại Lễ hội Việt-Nhật.
Tại gian hàng, JICA Việt Nam giới thiệu về các dự án trong 4 lĩnh vực: giáo dục, môi trường nước, phát triển nông thôn (cộng đồng dân tộc thiểu số); và du lịch (phái cử tình nguyện viên Nhật Bản).
Về giáo dục, đó là Dự án nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, và điều hành Trường ĐH Việt Nhật (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông Sugano Yuichi cho hay JICA đang thực hiện dự án kỹ thuật này tại Trường ĐH Việt Nhật (VJU), nơi có khoảng 700 người tham gia chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH. Năm 2024 là năm thứ 10 kể từ khi trường nhận được quyết định thành lập.
Trong buổi sáng nay, phóng viên Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với bà Inomata Mika, điều phối viên dự án Nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, và điều hành VJU về một số thông tin liên quan đến giáo dục, du học Nhật Bản, chương trình đào tạo tại VJU.
Bà Inomata Mika cho biết VJU có 6 chương trình được lựa chọn mở lần lượt dựa trên thế mạnh và sự nổi tiếng của các trường ĐH đối tác Nhật Bản.
Bên cạnh ngành Nhật Bản học; khoa học và kỹ thuật máy tính thì 2 ngành mới - công nghệ thực phẩm và sức khỏe; Cơ điện tử thông minh và sản xuất Nhật Bản - khai giảng vào năm 2023 đang được nhiều học sinh trung học quan tâm trong năm nay.
Bên cạnh đó, 2 chương trình khác là kỹ thuật xây dựng; nông nghiệp thông minh và bền vững cũng rất tiềm năng.
Ngành nào du học sinh Việt Nam học nhiều tại Nhật Bản?
Bà Inomata Mika cho biết ngày nay, việc du học Nhật Bản không còn là điều khó khăn đối với sinh viên Việt Nam, trong khi Nhật Bản luôn được biết đến là một quốc gia phát triển, một siêu cường về kinh tế.
"Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) ước tính có khoảng 37.000-40.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản. Những chuyên ngành sinh viên Việt Nam hay lựa chọn là Nhật Bản học, kỹ thuật và công nghệ thông minh", bà Inomata Mika nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh Niên "học sinh Việt Nam nên sang du học tại Nhật Bản hay học tại VJU tại Việt Nam, đâu là những khác biệt?", bà Inomata Mika đánh giá đây là một câu hỏi thú vị.
Bà đáp: "Tôi thấy có rất nhiều thuận lợi khi học tại VJU thay vì đi du học. Thứ nhất, bạn vẫn được hấp thu kiến thức của nền giáo dục của Nhật Bản ngay tại Việt Nam mà không phải sống xa gia đình. Nếu bạn du học tại Nhật, bạn sẽ phải tự tìm cách thích nghi với văn hóa và lối sống Nhật Bản, không phải ai cũng có thể nhanh chóng thích nghi được. Còn khi học tại VJU, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc, học và thích nghi với văn hóa Nhật dần dần, đồng thời vẫn phát huy các điểm đặc sắc của văn hóa Việt Nam".
Thứ hai, theo bà Inomata Mika, về chi phí học tập và sinh hoạt cũng có lợi thế cho học sinh Việt Nam. Chi phí sinh hoạt cho một sinh viên tại Nhật Bản mức tiết kiệm cũng phải hơn 20 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 100.000 yên), trong khi đó chi phí ở Việt Nam rẻ hơn nhiều.
Về học phí, học sinh phải chi trả khoảng hơn 200 triệu đồng/năm khi học tại Nhật Bản, còn tại Việt Nam chỉ bằng 1/4 mức này. Hơn nữa, VJU có kết nối với rất nhiều công ty Nhật Bản nên được các doanh nghiệp lớn tài trợ nhiều học bổng cho sinh viên.
Bà Inomata Mika cho biết thêm, sinh viên VJU học trọn vẹn 4 năm học tại Việt Nam. Sau đó, sinh viên sẽ ứng tuyển để được chọn tham gia chương trình trao đổi tại Nhật Bản. Những bạn trúng tuyển sẽ được học 1 năm trong chương trình trao đổi này; toàn bộ chi phí ăn, ở sẽ được các trường ĐH tại Nhật Bản chi trả.
"Trường chúng tôi đang có 20 sinh viên đang theo học chương trình trao đổi tại Nhật Bản. Các sinh viên ngành Nhật Bản học có cơ hội ứng tuyển cao hơn trong chương trình này. Tuy nhiên, cơ hội vẫn rộng mở với sinh viên các ngành khác, thậm chí cả chương trình mới mở năm nay như công nghệ thực phẩm và sức khỏe", bà Inomata Mika cung cấp thông tin.
Bình luận (0)