Hồ sơ và điểm chuẩn năm sau cao hơn năm trước
Tiến sĩ Trần Nguyễn Nguyên Hân, Chủ nhiệm khoa Tiếng Hàn Quốc, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng nhân lực về ngôn ngữ Hàn, Hàn Quốc học rất cao nên để đáp ứng, hầu như trường ĐH nào cũng mở thêm 2 ngành này. Bên cạnh đó là ngôn ngữ Nhật và tiếng Nhật cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các trường ĐH lẫn CĐ. Trong tương lai gần, nhân lực các ngành này dự đoán cung vẫn chưa thể đáp ứng cầu”.
Sinh viên ngành Hàn Quốc học của một trường ĐH ở TP.HCM biểu diễn văn nghệ giao lưu |
A.T |
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng các ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học… đang được các nhà tuyển dụng rất quan tâm. “Đây là một tín hiệu rất tích cực. Có những ngành không đủ ứng viên để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chính vì thế, số lượng hồ sơ của thí sinh xét tuyển những ngành này vào trường và điểm trúng tuyển cũng tăng qua các năm”.
Đặc biệt, ngành Hàn Quốc học và ngôn ngữ Hàn Quốc năm 2021 có mức điểm chuẩn cao kỷ lục. Chẳng hạn tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học lên tới 30 ở tổ hợp môn khối C, cao nhất trong tất cả các ngành của trường. Còn tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, năm 2020 điểm chuẩn ngành này là 25,2, năm 2021 tăng lên 26 - 26,45 điểm tùy từng tổ hợp môn. Ngành ngôn ngữ Hàn Quốc của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2021 có mức điểm chuẩn 25,8, cao hơn nhiều các ngành ngôn ngữ khác.
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin thêm: “Ngành ngôn ngữ Nhật và ngôn ngữ Hàn tại trường thu hút nhiều thí sinh nộp hồ sơ và điểm chuẩn năm 2021 cũng nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất”. Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, tiến sĩ Bùi Phan Anh Thư, Trưởng khoa Hàn Quốc học, cũng cho hay trong năm 2021, lượng hồ sơ nộp vào ngành Đông phương học (Hàn Quốc học) và ngành ngôn ngữ Hàn của trường rất lớn, dẫn đến tỷ lệ chọi đều ở mức cao so với các ngành khác.
Có việc làm ngay sau khi thực tập năm cuối
Cũng theo GS-TS Nguyễn Minh Hà, sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật tại trường khi tham gia chương trình thực tập năm cuối tại Nhật Bản thường được các doanh nghiệp Nhật giữ lại làm việc với mức lương cao.
Ở trong nước, theo thông tin từ Tập đoàn cung cấp tuyển dụng nhân sự Navigos, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại các khu công nghiệp phía nam như Amata Đồng Nai, VSIP2 Bình Dương, Phú Mỹ… ngày càng nhiều, vì vậy nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Ngoài ra, các thương hiệu bán lẻ thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm… có vốn đầu tư từ Nhật gia nhập thị trường Việt Nam trong mấy năm gần đây cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các ngành ngôn ngữ Nhật và Nhật Bản học.
Trong khi đó, đối với ngành ngôn ngữ Hàn và Hàn Quốc học, tiến sĩ Trần Nguyễn Nguyên Hân cũng cho rằng do mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển, Hàn Quốc lại đang có hơn 9.000 doanh nghiệp trải khắp 3 miền ở nước ta dẫn tới ngành học liên quan đến quốc gia này ngày càng “nóng”.
“Hằng năm trường tuyển khoảng 200 chỉ tiêu cho ngành ngôn ngữ Hàn và Đông phương học (Hàn Quốc học), tốt nghiệp là các em có việc làm ngay trong rất nhiều lĩnh vực có liên quan đến Hàn Quốc như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khai thác sản phẩm du lịch; trợ lý, thư ký giám đốc, phiên dịch viên, nhân viên văn phòng, nhân viên xuất nhập khẩu trong các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc hoặc làm biên dịch viên trong các công ty dịch thuật, xuất bản, cơ quan báo chí, truyền thông và ngoại giao; làm giảng viên trong các trung tâm tiếng Hàn, làm giáo viên giảng dạy tiếng Hàn bậc phổ thông…”, tiến sĩ Bùi Phan Anh Thư thông tin.
Thạc sĩ Trần Nam chia sẻ thêm, bên cạnh khả năng ngôn ngữ, sinh viên các ngành này còn được đào tạo nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể làm việc trong nhiều môi trường khác nhau như đối ngoại, giáo dục, biên - phiên dịch, giảng dạy, kinh doanh… “Chính vì thế, các em sẽ có tư duy đa văn hóa, khả năng thích ứng và chuyển đổi cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau”, thạc sĩ Nam nhận định.
Bình luận (0)