Đương nhiên, trước một hiện tượng xã hội mang tính phổ biến, ý kiến sẽ rất đa chiều. Có người đồng tình với việc tặng quà cho thầy cô giáo, coi đó là dịp biểu lộ tình cảm biết ơn đến thầy cô đã dạy dỗ con mình. Có nhiều người lên án gay gắt, coi đó là biểu hiện tha hoá của những người làm công tác giáo dục. Nhiều câu chuyện trái ngược được kể ra để minh chứng cho quan điểm của người đưa ra, kèm theo đó là muôn vàn bình luận khác nhau, từ nhẹ đến nặng, từ ôn tồn đến phỉ báng…
Là một người giáo viên, hầu như năm nào cũng phải chứng kiến cảnh tượng đó, tôi không khỏi ngậm ngùi. Không phải không có hiện tượng thương mại hoá trong quan hệ thầy trò, không phải không có hiện tượng vòi vĩnh quà cáp, hoặc thiên vị trong quan hệ thầy trò khi có đồng tiền chen vào, thậm chí, hiện tượng này càng lúc càng trở nên phổ biến. Nhưng, cũng còn có rất nhiều những thầy cô coi trọng nhân cách, coi trọng vẻ đẹp thanh khiết của tâm hồn mà khước từ quà cáp.
Tôi dạy một trường huyện, ở Tây nguyên, học sinh đa số con em đồng bào. Các em quý thầy cô, ngày 20.11 năm nào cũng mua hoa để tặng giáo viên. Những năm trước đây, các em chỉ tặng hoa thôi, có khi là hoa hái trên rẫy, đẹp, đơn sơ mà tình cảm. Vài năm trở lại đây, mọi chuyện đã khác, những học sinh da nâu mắt sáng, bắt chước ai, cũng kẹp cái phong bì vào giữa bó hoa. Tôi đã nhận một bó hoa như thế, ngượng ngịu, xấu hổ vô cùng, nhưng biết làm sao?
Một vài chuyện không hay nữa, trong dịp 20.11 hằng năm, đó là học sinh mượn cớ đi thăm thầy cô giáo để xin cha mẹ lấy xe máy chở nhau đi chơi, xin thêm tiền. Đã có những trường hợp tai nạn xảy ra, hậu quả đau lòng. Cuối cùng, giáo viên là người chịu điều tiếng xấu.
Mấy năm lại đây, tôi có chủ nhiệm lớp, đến ngày 20.11, phân công cán bộ lớp mua mấy bó hoa để tặng các giáo viên có tiết dạy trước ngày lễ, tuyệt đối không kèm theo quà cáp. Tôi nói với học sinh của mình: “Thầy không nhận quà, món quà lớn nhất của thầy chính là sự trưởng thành của các em!”. Và lãnh đạo nhà trường cũng đã linh hoạt, ngày 20.11, nhà trường cho học sinh nghỉ lễ, còn giáo viên tổ chức đi cắm trại, như vậy, đỡ khó xử cho cả thầy và trò trong ngày lễ đầy tai tiếng này.
Ngày 20.11 lại đến, chúng tôi, những giáo viên đứng lớp, lại phải khéo léo, bằng cách này cách khác, tránh phải đưa tay ra nhận những món quà không hề mong muốn. Tôi hy vọng, nếu những dòng tâm sự này đến với bạn đọc, trong đó có cả thầy cô giáo, học sinh và cả phụ huynh nữa, thì mọi người hãy thấu hiểu và chia sẻ, để tránh cho chúng tôi phải lâm vào tình trạng khó xử, thậm chí, trở nên thảm hại trên các diễn đàn vào cái ngày mà đáng lẽ, chúng tôi được tôn vinh!
Bình luận (0)