Ngày tết, cộng đồng LGBT+ cảm thấy 'đau tim' khi bị hỏi chuyện... nối dõi tông đường

23/01/2023 14:00 GMT+7

Những người trẻ thuộc cộng đồng LGBT+ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới...) cảm thấy khó xử, tổn thương khi gặp phải những câu hỏi về chuyện hôn nhân, sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường trong cuộc họp mặt ngày tết.

Những câu hỏi mang tính cá nhân như: chuyện lương thưởng, hôn nhân thường gây khó xử trong ngày tết cho những bạn trẻ thì với các thành viên của cộng đồng LGBT+ lại càng khó khăn hơn. Dẫu biết xã hội đã dần công nhận cộng đồng LGBT+ như một phần của cuộc sống, tuy nhiên đâu đó vẫn còn nhiều người phải gặp khó khăn trong việc công khai bản thân vì gia đình không chấp nhận. Và trong những cuộc họp mặt ngày tết, họ thường phải đối mặt với sự kỳ vọng của gia đình, họ hàng với những câu hỏi mà khi nghe tới là “đau tim” như: “Khi nào lấy vợ”, “Ba mẹ già rồi không chờ cháu được lâu đâu”, hay “cô chú chờ ăn cưới cháu lâu rồi mà không thấy”?

Bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT+ cảm thấy đau lòng vì bị hỏi chuyện kết hôn, "nối dõi tông đường" trong buổi họp mặt ngày tết

CHỤP MÀN HÌNH

Tùy vào nếp sống, văn hóa của mỗi vùng miền mà những câu hỏi trên cũng chỉ xuất phát từ sự quan tâm và kỳ vọng của người lớn. Không xét tính đúng sai, góc nhìn của bài viết đưa ra với mong muốn tìm kiếm sự sẻ chia, thấu hiểu giữa những thành viên trong gia đình để cuộc họp mặt ngày tết không còn áp lực.

"Mình chỉ biết gật đầu và hứa hẹn tết năm sau cho qua chuyện"

Sáng mùng 1 tết cùng ba mẹ về thăm nhà nội, anh Nguyễn Thiện Khiêm (25 tuổi), làm việc tại địa chỉ 210 Trần Phú, P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ chia sẻ: “Mình là người luôn hướng về gia đình và trân trọng những giây phút gặp gỡ, sum họp vào mỗi dịp tết. Tuy nhiên, cũng chính nơi này lại khiến mình cảm thấy sợ hãi từ 2 cái tết gần nhất khi mình đã ra trường đi làm. Cứ thấy mặt là ông bà, cô chú họ hàng xúm nhau hỏi khi nào lấy vợ và đặt điều kiện năm sau phải dẫn bạn gái về nhà thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Trước những câu hỏi như vậy mình chỉ biết gật đầu và hứa hẹn tết năm sau cho qua chuyện”.

Trong buổi họp mặt ngày tết người lớn hãy cân nhắc những câu hỏi mang tính cá nhân, riêng tư để tránh tạo ra áp lực cho người trẻ

KIM nGỌC nGHIÊN

Khiêm cho biết bản thân anh là cháu đích tôn của dòng họ nên luôn mang trong mình gánh nặng “nối dõi tông đường” mặc dù anh thuộc cộng đồng LGBT+.

Khiêm chia sẻ gia đình anh không mấy cởi mở trong việc tiếp nhận vấn đề trên và cứ mặc định LGBT+ là một căn bệnh, gắn liền với những từ ngữ như: “bóng”, “bê đê”… Vì vậy mà trong suốt 25 năm qua chàng trai này luôn cố gắng "gồng mình" để che giấu bản thân. Việc lựa chọn đi làm xa cũng là một trong những cách chữa cháy tạm thời trước gánh nặng về hôn nhân, con cái.

“Mình từng có ý nghĩ sẽ viện lý do gì đó để không về nhà vào dịp tết vì với mình khoảng thời gian này có quá nhiều áp lực. Nhưng vì quá thương các thành viên trong gia đình mà đành chấp nhận việc bị “tra tấn” tinh thần. Mẹ mình cứ nhắc khéo, con A, thằng B bằng tuổi mà giờ người ta đã có con 2 tuổi. Hay than vãn, hờn trách bảo khi nào mới có cháu ẵm bồng cho bằng hàng xóm, dòng họ”, Khiêm chia sẻ.

Cũng gặp những khó khăn tương tự, anh P.T.A (34 tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng ngao ngán với những cuộc gặp gỡ ngày tết khi về quê ở tỉnh Bình Dương. A. cho biết mỗi lần gia đình họp mặt là anh lại trở thành trung tâm của sự kiện ngày hôm đó. Để giải tỏa thắc mắc của những người thân trong gia đình, A. lại diện lý do bản thân đang hoàn thành chương trình học lên tiến sĩ hay khi nào mua được nhà mới cưới vợ.

“Mình luôn lấy lý do bận học để né tránh việc gia đình hỏi về chuyện hôn nhân. Bản thân mình hiện tại đã có người yêu là nam và chúng mình đang sống cùng nhau rất hạnh phúc. Đôi khi bản thân cũng cảm thấy có lỗi vì không thể làm cho bố mẹ vui lòng. Tuy nhiên, mình tồn tại trên đời này không phải để làm nhiệm vụ sinh con, kết hôn trong khi bản thân không thể làm điều đó. Thật sự mình rất muốn một lần lấy hết can đảm để nói ra sự thật, vì mỗi dịp tết đến mà cứ như vậy thì còn gì là niềm vui của ngày sum họp”, A. chia sẻ.

Hãy sẵn sàng với tâm thế đón nhận và trả lời khéo léo

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Trọng Nhân, giảng viên Trung tâm đào tạo Ý tưởng Việt, chúng ta không thể tránh việc được “ưu ái” hỏi những câu hỏi riêng tư trong ngày tết, đặc biệt là những câu hỏi về hôn nhân. Thay vì khó chịu, các bạn trẻ hãy sẵn sàng với một tâm thế đón nhận và trả lời khéo léo. Hãy chọn cách đáp trả nhẹ nhàng, dứt khoát nhưng cũng phải chừng mực, tinh tế để duy trì hòa khí. Bởi suy cho cùng, việc chúng ta khó chịu cũng không thể giải quyết được vấn đề đang gặp phải.

“Thật khó để mong muốn hay yêu cầu người khác sẽ thay đổi góc nhìn hay ứng xử một cách tinh tế theo ý chúng ta mong muốn. Bởi lẽ, những thói quen và nếp ứng xử đã trở thành một hành vi đặc trưng của mỗi người. Thay vì mong mỏi ở người khác sẽ thay đổi hay tinh tế, ít làm tổn thương mình hơn, chúng ta hãy tự bảo vệ tinh thần của chính mình bằng việc chuẩn bị tâm thế và sẵn sàng những câu trả lời và cách ứng xử phù hợp", thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân nói.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Trọng Nhân

NVCC

"Một câu trả lời nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn sẽ giúp những chuyện tế nhị không được mọi người hỏi sâu hơn. Ngoài ra, sẽ giúp bầu không khí tết giữa chúng ta và người hỏi không rơi vào tình trạng quá căng thẳng dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Chuyện ứng xử khi gặp những câu hỏi tế nhị này cũng có thể xem như là một thử thách cho các bạn trẻ trong cộng đồng LGBT+. Khi vượt qua được bài tập đường đời này, các bạn sẽ trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều", thạc sĩ Nhân nhắn nhủ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.