Trong mùa lễ tết, nhiều người thường chọn cách đi du lịch để nghỉ ngơi. Ngày nghỉ Tết sẽ được tuyệt vời trọn vẹn, nếu không có ai trong nhà bạn bị bệnh!
Nếu bạn lo lắng, thì đây là một số lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia về các bệnh thông thường dễ mắc phải trong mùa lễ tết, theo Health Plus.
Viêm dạ dày, đường ruột
Đối với nhiều người, đây là dịp để ăn chơi thỏa thích. Đặc biệt, người đi du lịch càng có cơ hội để thưởng thức càng nhiều món ăn đường phố địa phương.
Nhưng trước khi ăn, hãy lưu ý đến bệnh viêm dạ dày, một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến do ăn uống.
Viêm dạ dày và ruột, thường là do nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút.
Nguyên nhân thường gặp là do nguồn thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, không rửa sạch tay.
Triệu chứng: Nôn, tiêu chảy, đau bụng, co thắt ruột, sốt, buồn nôn và đau đầu.
Nên làm gì: Bác sĩ Kelvin Thia, bác sĩ tiêu hóa tại Bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) khuyên nên uống đủ nước, tránh thức ăn có dầu mỡ hoặc cay và sữa cho đến khi các triệu chứng biến mất.
Đi khám ngay lập tức nếu bị sốt cao, đau bụng dữ dội hoặc nôn mửa dữ dội, bác sĩ Thia nói. Ngoài ra, những người có khả năng chịu đựng kém với tình trạng mất nước và nhiễm trùng,nên đi khám sớm.
Cách phòng tránh: Rửa tay, sử dụng chất khử trùng, tránh thịt hoặc cá chưa nấu chín, tránh thức ăn sống, chỉ uống nước đóng chai kín.
Cảm cúm
Mùa lễ luôn là cơ hội tuyệt vời để kết nối với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, việc ở gần với người khác và chia sẻ đồ ăn thức uống, khiến bạn có nguy cơ bị lây cảm lạnh từ người khác.
Nếu bạn nghĩ rằng cảm lạnh thông thường chỉ là vô hại, thì bạn đã lầm! Cảm lạnh thông thường nếu không được điều trị có thể biến chứng thành viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Cảm lạnh và cúm thông thường là nhiễm trùng hệ hô hấp trên, gồm mũi, miệng, họng, phổi, do vi rút gây ra.
Thật khó để phân biệt giữa 2 loại này, nhưng cảm lạnh thông thường có xu hướng gây ho nhiều hơn, đau họng, chảy nước mũi và sốt nhẹ hơn. Còn cúm ít ho, đau họng và chảy nước mũi, nhưng sốt nhiều hơn, đau đầu và đau cơ.
Nguyên nhân thường gặp là do tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc hít phải chất dịch có chứa vi rút cúm, người bệnh ho, hắt xì.
Triệu chứng: Chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đau họng, nhức đầu, nghẹt mũi, sốt, đau cơ.
Nên làm gì: Bác sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Sngapore), khuyên nên uống đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi nhanh. Thuốc trị ho và sổ mũi có thể giúp giảm triệu chứng.
Cúm nguy hiểm hơn và có thể dẫn đến viêm phổi và nhập viện. Do đó, hãy đi khám nếu bị sốt kéo dài, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đau nhức.
Cách phòng tránh: Luôn dùng muỗng đũa sạch để lấy món ăn vào đĩa của mình, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, theo Health Plus.
Bệnh tay chân miệng
Đối với cha mẹ, có điều gì đáng lo hơn con bị bệnh? Bệnh tay chân miệng từ lâu đã lan tràn ở trẻ em và cũng có thể lây nhiễm cho người lớn.
Bệnh do vi rút entero gây ra và thường kéo dài dưới một tuần. Nếu nghiêm trọng, có thể dẫn đến viêm não, phổi hoặc tim.
Nguyên nhân thường gặp là do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, nước mũi, phân, dịch phát ban của người nhiễm bệnh.
Triệu chứng: Đau họng, sốt, nổi mẩn da ở miệng, tay, chân hoặc mông, loét họng, lưỡi và miệng, lờ đờ, kém ăn.
Nên làm gì: Bác sĩ Leong Hoe Nam đưa ra lời khuyên là nên uống đủ nước. Uống nước ngọt cũng có thể làm giảm đau và cung cấp nước cho cơ thể.
Thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen, etoricoxib hoặc celecoxib cũng an toàn khi sử dụng. Để tăng tốc độ phục hồi, hãy nghỉ ngơi đầy đủ và uống đủ nước.
Cách tránh: Rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tránh dùng chung đồ ăn, thức uống, đồ dùng, khăn với người khác. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa. Khử trùng đồ chơi của bé và các bề mặt thường chạm vào, nếu có thể hãy cách ly người bệnh với mọi người, theo Health Plus.
Bình luận (0)