Đến ngày Thất tịch, người trẻ rủ nhau ăn chè đậu đỏ để thoát ế |
HOA NỮ |
Bạn có tin ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch (mùng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm) thì sẽ thoát ế và tìm được nửa kia của mình? Bạn đã bao năm ăn chè đậu đỏ vào ngày này rồi?...
Sáng ăn, trưa ăn, tối ăn vẫn chưa thoát ế?
Vào ngày này năm trước, Trần Thị Bích Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đã từng hài hước chia sẻ là sẽ ăn hết nồi chè đậu đỏ ở quán chè của cô chủ gần khu nhà trọ, với hi vọng sẽ thoát ế. Nay hỏi Ngọc có ăn chè đậu đỏ nữa không, Ngọc bảo: “Dù chưa thoát ế nhưng ăn thì vẫn ăn. Ăn đến khi nào thoát ế thì thôi, nhiều khi có niềm tin thì vẫn hơn mà”.
Rồi Ngọc cười tươi nói: “Dẫu không biết có thật là ăn chè đậu đỏ thoát ế hay không nhưng mình thấy có sự tích này và mọi người cứ truyền tai nhau thành ra đến ngày này nhiều người ế lâu năm sẽ chủ động đi tìm cơ hội cho mình. Hay thậm chí mình thấy cũng vui khi đến ngày Thất tịch là ai cũng hỏi nhau đã ăn chè đậu đỏ chưa”.
Ngày này, nhiều người trẻ chọn những loại thức uống phải có thành phần đậu đỏ |
HOA NỮ |
Còn Nguyễn Thị Hoài Thương, trọ tại hẻm 88 Lê Lợi, P.4, Q. Gò Vấp (TP.HCM), thì hài hước kể: “Mình giờ chắc vô cảm luôn với chè đậu đỏ rồi. Ăn 10 năm nay mà vẫn không thoát được ế. Chắc phải đi giải hạn tình duyên rồi về ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch nữa thì mới mong thoát được chế độ ế bền vững này”.
Thương cho biết vì thấy vừa vui, vừa cũng muốn thử xem biết đâu có cơ hội để thoát FA nên năm nào cũng rủ bạn bè đi ăn chè đậu đỏ, thậm chí là uống sữa đậu đỏ, trà sữa đậu đỏ… Nói chung là bất cứ món gì có thành phần đậu đỏ trong đó là Thương cùng hội bạn đều chọn để ăn trong ngày Thất tịch mỗi năm. Thậm chí có năm, sáng cô nàng ngủ dậy thật sớm để đi chợ mua đậu. Dự định sẽ nấu cháo đậu đỏ ăn sáng, trưa nấu cơm đậu đỏ, tối nấu chè đậu đỏ.
Những chia sẻ khá hài hước của người trẻ vào ngày Thất tịch về quan niệm ăn đậu đỏ thoát ế |
CHỤP MÀN HÌNH |
“Nhưng từ năm trước là mình không còn tin và muốn ăn thứ gì có đậu đỏ vào ngày này nữa. Kiểu hờn, kiểu lẫy luôn rồi. Ăn mãi mà có cho mình thoát ế được đâu, vẫn đi về một mình đây. Nên năm này cũng thế, không ăn chè đậu đỏ nữa, hôm nào thích thì ăn, nhưng ngày Thất tịch sẽ không ăn để cầu thoát ế nữa”, Thương bày tỏ.
Cô nàng Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Nội vụ Hà Nội (Phân hiệu TP.HCM), thì dí dỏm nói: “Em không có may mắn ăn chè đậu đỏ mà có người yêu. 2,3 năm nay em cũng cùng bạn bè ăn chè nhưng vẫn đi không về không. Riêng năm nay thì tụi em đón Thất tịch ở khu quân sự, do tụi em đang trong kỳ quân sự nên cũng đang rộn ràng với nhau về ngày Thất tịch này lắm. Tụi em định sẽ đặt chè và bánh đậu đỏ về ăn để có kỷ niệm với nhau”.
Không tin nhưng vẫn ăn
Sáng nay, trên mạng xã hội người trẻ đã rộn ràng rủ nhau ăn chè đậu đỏ. Còn anh Nguyễn Tấn Đạt, ngụ tại hẻm 268 Lý Thái Tổ, P.1, Q.3 (TP.HCM), thì hài hước đăng những dòng trạng thái: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này là hết ế. Bà bán chè đậu đỏ said”.
Hỏi anh Đạt: có tin vào câu chuyện ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch sẽ thoát ế?, anh Đạt cho biết trước hết cần tìm hiểu rõ về nguồn gốc của loại đậu đỏ và loại chè xuất phát từ Trung Quốc này. Loại đậu đỏ này biểu trưng cho ngày lễ Thất Tịch ở Trung Quốc có tên gọi là “đậu tương tư” hay “hồng đậu”, “khổng tước”. Đây mới chính là loại đậu đỏ theo phong tục của Trung Quốc.
Theo anh Đạt đậu tương tư xuất hiện rất nhiều trong văn hóa Trung Quốc. Truyện xưa kể rằng vào thời Hán, có một chàng trai bị ép đi lính, người vợ của anh ngày ngày ngóng trông dưới gốc cây ở cổng làng, khóc đến nỗi ra máu mà qua đời. Sau khi người vợ mất, trên cây bỗng dưng kết thành những trái có màu đỏ rực, người ta cho rằng đây chính là những giọt huyết lệ của người vợ và gọi nó là hồng đậu hay tương tư tử. Loại cây này cũng có ở Việt Nam với tên gọi là cây trạch quạch, muồng cườm hay cườm rắn. Du nhập về Việt Nam qua những bộ phim cổ Trung Quốc, tạo thành "trend" trong giới trẻ. Cũng là một trò đùa vui chứ chẳng mang ý nghĩa nguyên bản hay tập tục tâm linh gì cụ thể.
“Xã hội ngày càng phát triển, lôi theo con người ngày càng bận rộn. Có lẽ những trò vui như ra quán mua chè đậu đỏ cũng là cái cớ, cái duyên để giao lưu thêm nhiều mối quan hệ khi những FA có dịp gặp nhau. Cũng là cái dịp để lọt vào mắt xanh, tiếng sét ái tình từ quán chè đậu đỏ”, anh Đạt hài hước bày tỏ.
Những chia sẻ hài hước của người trẻ trên mạng xã hội |
CHỤP MÀN HÌNH |
Với nhiều bạn trẻ, dù họ không mấy tin vào câu chuyện ăn chè đậu đỏ vào ngày Ngưu lang Chức nữ gặp nhau này thì sẽ có được người yêu, nhưng các bạn vẫn chọn ăn chè đậu đỏ vào ngày này như là một sự kiện đặc biệt, hoặc nhiều bạn còn mặc định cứ vào ngày này là ăn chè đậu đỏ mà không cần bận tâm ăn để thoát ế hay như thế nào.
Phan Thị Huệ, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết với cô việc ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch như là mùng 5 tháng 5 mà ăn bánh ú tro. “Hình như nó là thói quen với mình luôn rồi. Tại mình đã có người yêu nên cũng không quan tâm gì mấy đến việc ăn chè đậu đỏ để thoát ế, nhưng mấy năm sinh viên đi ở trọ toàn được mấy đứa cùng phòng nấu chè đậu đỏ ăn vào ngày này, ăn riết rồi thành quen, nên năm nào đến ngày này là lại rủ nhau đi ăn chè đậu đỏ. Năm nào ngán quá thì rủ uống trà sữa có đậu đỏ (cười)”.
Với nhiều bạn trẻ FA, ngày Thất tịch luôn là ngày để các bạn tìm kiếm cơ hội đổi vận trong tình duyên của mình |
HOA NỮ |
Nguyễn Thị Kim Ánh, ngụ tại hẻm 96/58 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM, thì cho rằng dẫu cô nàng không tin vào việc ăn chè đậu đỏ ngày Thất tịch sẽ thoát ế, nhưng năm nào cũng ra quán chè ăn 1 ly, có năm còn rủ nhau nấu tại nhà để cả hội bạn cùng ăn.
“Mình không tin mấy, do mình nghĩ chuyện tình duyên là của duyên số, nếu ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch mà có người yêu thật thì chắc thế gian này đâu có ai phải sống độc thân. Nhưng với mình đây là một sự tích dân gian và thời nay thì người trẻ càng thấy vui khi có một dịp cũng được xem như là đặc biệt để có cái gì đó khác lạ ngày thường một chút. Nên tụi mình vẫn thường đi ăn hoặc nấu chè đậu đỏ để ăn vào ngày này”, Kim Ánh chia sẻ.
Ngày Thất tịch (mùng 7.7 âm lịch) được xem là Lễ tình nhân của châu Á, gắn liền với câu chuyện về Ngưu Lang - Chức Nữ. Trong ngày này, nhiều bạn trẻ rất tin vào những điều được tương truyền nên các cặp đôi nam nữ yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên ngày càng bền chặt, và sẽ mãi mãi bên nhau. Và ăn đậu đỏ vào ngày này đồng nghĩa với việc cầu nhân duyên. Theo quan niệm dân gian, nếu là người độc thân thì sẽ tìm được ý trung nhân, còn đã có đôi có cặp thì sẽ hạnh phúc, bên nhau lâu dài…
Bình luận (0)