Nghề của mạ

27/11/2020 14:00 GMT+7

Những đốm lửa lập lòe trong bếp, tiếng củi khô cháy đượm, tôi ti hí mắt nhìn ra, mạ đang nhóm bếp nấu nước sôi trước khi mặt trời lên…

Vẫn nhớ như in dù trời rét căm hay những hôm trời chói chang, hừng hực của gió Lào... mạ vẫn đều đặn trở dậy trước khi chú gà trống vỗ cánh định gáy to, mạ nấu nước sôi để sáng trời ba cha con tôi pha mì, cả ba cha con tôi đều chung “phụ huynh” là mạ.
Trải dài theo bờ biển, làng tôi chẳng có gì ngoài những đồi cát trắng “đặc sản” với mùa hè gió Lào thổi, nắng gắt cùng mùi khen khét và mùa đông rét mướt, cắt da cắt thịt. Những người phụ nữ của làng quê ấy, làn da xạm đen, rám nắng, lưng còng vì những ngày ghe đầy ắp cá, chạy nhanh cho kịp phiên chợ quê.
Xa xa bóng người phụ nữ liêu xiêu, mảnh khảnh cùng đôi quang gánh đầy những con ruốc li ti... mạ chọn nghề mắm ruốc, lúc ấy nuôi cả ba tôi học bổ túc văn hóa ở tuổi 47, cả hai anh em tôi đang miệt mài trên ghế trường trung học. Ai ngờ được chỉ với thân hình chưa đầy bốn chục kilogam đấy mà mạ tôi gồng gánh cả gia đình... để khi ngồi viết những dòng này nước mắt tôi vẫn đang rơi lã chã.
Mười hai giờ trưa, giữa mùa nắng tháng sáu, tháng bảy miền Trung, ai đã từng ghé đến mảnh đất Triệu Vân (xã bãi ngang thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị) quê tôi thì chắc rằng không quên được hình ảnh nắng gió nơi đây... thế mà mạ đang mải miết đạp đều chân trở về nhà sau buổi sáng đi bán ruốc dạo. Chiếc xe đạp của mạ không có phanh bao giờ, bao nhiêu lần tôi dò hỏi, mạ cười bảo chẳng ai đi được xe đạp của mạ đâu. Cũng như việc nếu mạ nghỉ bán thì những khách hàng mua ruốc của mạ biết tìm đâu hương vị ruốc mạ làm.
Ruốc tươi, sau khi được đưa vào bờ, mạ và những cô khác sẽ gánh về nhà, bằng những bàn tay thạo nghề những con ruốc sạch sẽ cát được đem đi phơi nắng vài tiếng rồi lại được trộn với muối, tiếp tục phơi nắng, xong đâu đấy sẽ cho vào cối, giã cho tới khi nhuyễn ra cùng với muối, cuối cùng cho vào chum cẩn thận để ủ ruốc khoảng vài tháng sau là có thể đem ra ăn dần... tất cả đều làm thủ công, cẩn thận, tỉ mỉ. Nếu để kể lại cho người từ nơi khác đến tìm hiểu về nghề này tôi kể bon bon không bỏ một công đoạn nào, nhưng để bắt tay vào làm thì mãi tôi chẳng làm được món mắm ruốc ngon như của mạ. Những ngày được bận rộn đến vậy, vất vả, nắng nôi nhưng tôi vẫn luôn thấy nụ cười hài lòng trên khuôn mặt rám nắng ấy của mạ, bởi lẽ một mẻ ruốc như thế có thể mua được hàng chục gói mì cho cha con tôi ngày ấy.
Tiếng còi tàu làm tôi sực tỉnh, tôi đang ở tận trời nam, Phú Quốc nơi đảo ngọc xa xôi, sáng sáng không được nghe tiếng mạ dậy nhóm bếp, tiếng lách cách xe đạp đi bán ruốc về giữa trưa, tiếng vỗ cánh định gáy của chú gà trống mãi vẫn chẳng kịp giờ thức giấc của mạ tôi, và cả tiếng sóng biển vỗ bờ lẫn vào tiếng gọi nhau của mạ, của các cô trong làng mỗi lần ghe trúng mẻ ruốc lớn... Tôi nhớ da diết mùi chan chát, mằn mặn của bữa cơm trưa ăn vội trên bãi biển để ba tôi kịp ra khơi tìm mẻ ruốc mới, tôi nhớ da diết từng ấm nước sôi “xao xuyến” trên bếp lửa sáng sớm của mạ: - Dậy rót nước vào bình thủy cho mạ rồi đi học nghe bé! Tiếng mạ dặn khi tôi vẫn đang mơ màng, cáu gắt vì con gà trống đáng ghét phá mất giấc mơ tôi.
Mạ vẫn đang vui vẻ trên cung đường đầy nắng gió ấy, bởi đấy là niềm vui mỗi ngày, là hương vị mắm ruốc rất đỗi thân quen, ai ăn rồi hẳn nhớ mãi không quên!
Vẫn là nghề của mạ, nuôi anh em tôi lớn khôn đến tận bây giờ, dù xa quê nhưng vẫn luôn khắc khoải về mảnh đất nghèo khó từng ngày đổi mới - Quảng Trị thân thương!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.