Tập cuối chương trình Vang bóng một thời lên sóng với sự tham gia của những gương mặt quen thuộc của gia đình cố nghệ sĩ Thanh Tòng, Minh Tơ là nghệ sĩ Tú Sương, Lê Thanh Thảo, Ngọc Nga... Đây là thế hệ thứ 5 trong một gia tộc giàu truyền thống. NSƯT Tú Sương từng được một soạn giả gọi là viên ngọc bích của sân khấu vì tài năng và những cống hiến không biết mệt mỏi cho nghệ thuật. Nghệ sĩ Lê Thanh Thảo cũng đã từng đoạt giải thưởng Trần Hữu Trang với vở diễn Duyên kiếp. Nghệ sĩ Ngọc Nga cũng từng có thời gian đứng trên sân khấu nhưng sau này lui về hậu trường để chăm chút tạo hình, phục trang cho các nghệ sĩ và dồn hết tâm tư vào ‘bé Nắng’ Kim Thư cũng đang là một ngôi sao nhí tài năng trên màn ảnh Việt.
Khi xem lại những thước phim về hành trình nghệ thuật của mình, các nghệ sĩ không giấu được sự xúc động. Bé Kim Thư dù khá nhỏ tuổi song vẫn có cơ hội tham gia nghệ thuật từ bé. Em tiết lộ gặp áp lực khi đứng kế ông ngoại là nghệ sĩ Trường Sơn: “Con hát câu vọng cổ mà đứng kế, ông ngoại trừng mắt lên làm con sợ lắm”. Tiếp lời, nghệ sĩ Tú Sương giải thích gia đình cô rất nghiêm khắc đối với nghề. Vì vậy, việc nghệ sĩ Trường Sơn trừng mắt nhìn cháu mình cũng là cách xem coi diễn viên nhí có “làm nên chuyện” hay không. “Nếu có gì là chết với ông ngoại, cho nên bé Kim Thư sợ", cô chia sẻ.
|
Nghệ sĩ Ngọc Nga cũng nhớ lại những khó khăn trong hành trình theo đuổi nghệ thuật của mình. Cô kể lúc trước, mấy chị em đi diễn cùng ba mẹ nhưng mỗi lần tập tuồng, chỉ cần phân tâm là bị la. Kể lại những tai nạn trên sân khấu, cô nhớ lại lúc đóng vai tì nữ nhưng vì phân tâm nên không nghe lời gọi, khiến nghệ sĩ Thanh Tòng la mắng. Ngọc Nga kể thêm có nhiều tuồng diễn cô quên ống cuốn trên tóc khiến bản thân nhiều lần bị nhắc nhở. Về phía Lê Thanh Thảo, cô thừa nhận bản thân cô gặp không ít áp lực: "Đối với mọi người không biết như thế nào nhưng con cháu trong gia tộc phải hoàn thiện”.
“Từ thời ông cố, ông sơ và ông bà ngoại, ai cũng rất nghiêm khắc. Nếu như mình coi sân khấu là thánh đường thì dù mình hát vai quân sĩ hay tì nữ thì mình cũng phải hết mình với nó ngay khi đứng trong cánh gà. Nếu bạn diễn không ra, bạn khi dễ vai diễn của mình thì sao bạn được mọi người tôn trọng”, NSƯT Tú Sương chia sẻ. Điều đó cũng là tôn chỉ làm nghề của tất cả thành viên trong gia đình và họ trân trọng từng giây phút đứng trên sân khấu như thể đó là lần cuối cùng. “Thế hệ chúng tôi càng phải cố gắng hơn nữa. Chưa bao giờ tôi được ba mẹ khen một tiếng là diễn hay quá. Chúng tôi hát suất đó, những lỡ vuốt lông công bị gãy thì đã lo lắng, cảm thấy có lỗi với bản thân và gia đình", cô tâm sự.
NSƯT Tú Sương cũng nói thêm về những khó khăn, vất vả của diễn viên cải lương thậm chí không tiếc thân của mình, hi sinh vì vai diễn. “Có những lúc bệnh hoạn hay những lúc bên ngoài cuộc sống rất khó khăn nhưng khi lên sân khấu dù vai lớn hay vai nhỏ cũng sống chết với nó, diễn bằng tâm huyết của mình. Chúng tôi hát trên sân khấu luôn biết ơn tất cả khán giả và cả những người ở hậu đài đã âm thầm hỗ trợ cho nghệ sĩ”, nữ nghệ sĩ xúc động. Chính nghệ sĩ Hồng Vân cũng phải thừa nhận sự lao động không ngừng nghỉ và tài năng, sự khiêm nhường của các nghệ sĩ thuộc gia tộc cải lương Minh Tơ. Cuối chương trình, các nghệ sĩ cũng gửi đến cho khán giả một trích đoạn ngắn trong vở Câu thơ yên ngựa. Dù không mũ áo, không hóa trang đầy đủ nhưng từng điệu bộ, ánh mắt của các nghệ sĩ vẫn đủ sức khiến khán giả xúc động trước sự cống hiến hết mình cho sân khấu cải lương của họ.
Bình luận (0)