Nghệ thuật gây sốc với chiếc nhẫn kinh dị định giá 500.000 USD

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
08/09/2022 14:24 GMT+7

Nghệ thuật gây sốc (shock art) là nghệ thuật đương đại kết hợp hình ảnh, âm thanh hoặc mùi hương để tạo ra sự trải nghiệm gây sốc. Tuy nghệ thuật ngày càng có tính thị trường nhưng bị giới phê bình cho rằng “ô nhiễm văn hóa”.

Theo nhà triết học Stephen Hicks, nghệ thuật gây sốc là kết quả tất yếu của các trào lưu khởi xướng từ nghệ thuật hiện đại cuối thế kỷ 19. Ông tổ của nghệ thuật này là Marcel Duchamp, một họa sĩ người Mỹ gốc Pháp, nổi tiếng với tác phẩm điêu khắc Fountain (Đài phun nước) vào năm 1917.

Tác phẩm Cái giường của tôi (My Bed) và tác giả Tracey Emin

independent.co.uk

Tuy gọi là Đài phun nước song thực chất tác phẩm là một cái bồn tiểu bằng sứ, có chữ ký "R.Mutt". Tiếc là tác phẩm này không được trưng bày trong cuộc triển lãm tổ chức tại Grand Central Palace ở New York.

Sau khi Fountain bị loại bỏ, Alfred Stieglitz đã chụp lại tác phẩm này rồi công bố bức ảnh trên The Blind Man, một tạp chí theo khuynh hướng Đa đa (những tác phẩm phần lớn là hỗn độn, bí hiểm, được tạo ra bởi những ngẫu hứng bất ngờ-NV). Rất tiếc là bản gốc Đài phun nước đã bị mất. Dẫu sao thì vào năm 2004, trong một cuộc khảo sát 500 nghệ sĩ và nhà phê bình thì Fountain đã được chọn là "tác phẩm có ảnh hưởng nhất của nghệ thuật hiện đại".

Tác phẩm nghệ thuật ghi lại một cuộc phẫu thuật

Tác phẩm của trào lưu nghệ thuật gây sốc còn nhiều, ví dụ như Tiệc đêm (Dinner Party) của Judy Chicago trong cuộc triển lãm năm 1979, nói về bữa tiệc tối của 39 người nữ nổi tiếng trong thần thoại và lịch sử, song hình ảnh lại là những "con bướm" mang tính biểu tượng, đại diện cho từng cái… âm hộ. Đây là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, một nghệ thuật sử thi đầu tiên về nữ quyền.

Ảnh phẫu thuật da bụng và chiếc nhẫn Forget Me Knot của Sruli Recht (2012)

luxurylaunches.com, dailymail.co.uk

Bất chấp sự phản kháng của thế giới nghệ thuật, tác phẩm Tiệc đêm đã lưu diễn qua 16 địa điểm của 6 quốc gia, đến 3 lục địa với số lượng khán giả khoảng 15 triệu người. Kể từ năm 2007, tác phẩm sắp đặt này được triển lãm thường xuyên tại Trung tâm Nghệ thuật Nữ quyền Elizabeth A. Sackler tại Bảo tàng Brooklyn, thành phố New York, nước Mỹ.

Một tác phẩm buồn nôn khác là Cái giường của tôi (My Bed), do nữ nghệ sĩ Anh Tracey Emin giới thiệu trong Phòng trưng bày Tate vào năm 1999, cho thấy cái giường của cô với tấm ga trải bẩn thỉu, chung quanh là những vật dụng đáng chán, kể cả những đồ lót nhuốm màu… kinh nguyệt.

My Bed từng là một trong những tác phẩm lọt vào danh sách rút gọn của Giải thưởng Turner, thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông. Tuy không đoạt giải nhưng “tai tiếng” của My bed vẫn tồn tại một cách hiên ngang. Nhà Christie’s đã từng bán đấu giá tác phẩm này vào tháng 7. 2014 với giá 2.546.500 bảng Anh.

Ông tổ nghệ thuật gây sốc Marcel Duchamp và tác phẩm Fountain (Đài phun nước, 1917)

3minutosdearte.com, thetimes.co.uk, thecollector.com

Còn những tác phẩm nghệ thuật gây sốc nổi tiếng khác, kinh dị nhất là chiếc nhẫn Forget Me Knot của Sruli Recht vào năm 2012. Nghệ sĩ – nhà thiết kế Iceland này đã ghi lại một cuộc phẫu thuật/biểu diễn, trong đó một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã loại bỏ một dải da 110 mm x 10 mm khỏi bụng của anh ấy khi anh còn tỉnh. Mảnh da với những cọng lông bụng đã được “thuộc da” rồi gắn vào một chiếc nhẫn vàng 24K.

Bất chấp chất liệu gây tranh cãi của nó với nghệ thuật gây sốc, chiếc nhẫn độc nhất vô nhị này, nằm trong bộ sưu tập Thời trang nam Thu/Đông 2013 của Recht, đã được định giá 500.000 USD, kèm theo giấy chứng nhận DNA và một đĩa DVD ghi lại toàn bộ quá trình phẫu thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.