Nghe tới đám cưới, tự nhiên... nhức đầu: Hãy là người tinh tế, lịch sự!

Thanh Nam
Thanh Nam
19/10/2022 15:13 GMT+7

Nếu ai ai cũng là người tinh tế, lịch sự khi dự đám cưới thì những câu chuyện "nghe tới đám cưới, tự nhiên... nhức đầu" sẽ không còn.

Xoay quanh những câu chuyện trong loạt bài "Nghe tới đám cưới, tự nhiên... nhức đầu", phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, Giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang TP.HCM.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, Giảng viên Khoa Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Văn Lang TP.HCM

X.P

Thưa bà, đâu là những điều nên và không nên khi đi dự đám cưới?

Thạc sĩ Đào Lưu: Nhìn chung, đi đám cưới hay đi đến bất cứ nơi công cộng nào chúng ta cũng cần tuân thủ những phép lịch sự tối thiểu như: đảm bảo vệ sinh nơi công cộng, không khạc nhổ, hút thuốc, ăn uống thô tục, mải mê "tám" chuyện nhăng nhít. Đặc biệt, nếu như có những vấn đề về sức khỏe thì tốt nhất không nên đến những nơi đông người. Nó vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân vừa là phép lịch sự cho người xung quanh.

Về nói năng cử chỉ, chúng ta cũng chỉ nên vui thôi, không nên vui quá mà có những phát ngôn thiếu tinh tế như chê bai đồ ăn thức uống... Có một vấn đề “tế nhị” nhưng vẫn thường diễn ra là có nhiều người đi dự đám cưới người khác nhưng lại diện những bộ trang phục “chiếm sóng” luôn cả cô dâu chú rể. Đó là điều hoàn toàn không nên và chúng ta cần tránh. Chỉ cần diện trang phục thanh lịch.

Và lưu ý, đám cưới là ngày đặc biệt của cô dâu và chú rể, là ngày trọng đại của người khác nên chúng ta càng để cho cô dâu chú rể nổi bật càng thể hiện sự tinh tế của người tham dự.

Nói tóm lại, nếu mọi người đều là người tinh tế, lịch sự, thì chuyện "nghe tới đám cưới, tự nhiên... nhức đầu" không còn xảy ra.

Hành động hút thuốc ở những nơi như tiệc cưới là không nên

X.P

Những chương trình văn nghệ tại tiệc cưới đôi khi cũng nhận được ý kiến trái chiều. Theo bà, có nên xét nét việc nhiều người hát không hay mà vẫn hát ở đám cưới không?

Thạc sĩ Đào Lưu: Ông bà ta hay có câu "hát hay không bằng hay hát", nghĩa là cổ vũ sự tự tin ở mỗi người. Điều đó đúng khi chúng ta sinh hoạt trong một nhóm thân thiết, ở đó mọi người vui vẻ với nhau là chính và nếu thực sự hát không hay vẫn được cổ vũ, không phán xét.

Tuy nhiên, ở đám cưới không chỉ có người thân mà còn có những người không thân khác đang hiện diện. Chính vì thế, nếu muốn thể hiện sự hòa động, tự tin nên chọn dịp khác. Cũng có trường hợp hát rất hay và chiếm luôn sân khấu kiểu “sân khấu này là của em”, "làm luôn... liveshow" cũng là việc nên hạn chế.

Nhiều người rất thích hát ở đám cưới, mặc kệ bản thân không có khiếu âm nhạc

X.P

Chuyện "bỏ phong bì đi đám cưới bao nhiêu" cũng làm nhiều người lo nghĩ. Theo bà, đâu là phương án tối ưu cho vấn đề này?

Thạc sĩ Đào Lưu: "Bỏ phong bì bao nhiêu" là một trong những mối bận tâm của không ít người khi nhận được lời mời đám cưới. Bỏ phong bì nhiều tiền thì áp lực kinh tế cá nhân, nhưng bỏ phong bì ít tiền thì sợ bị người khác không vui, bàn tán. Nếu đi theo phong trào thì đôi khi cũng quá sức của chính mình.

Chính vì thế, giải pháp dung hòa trong trường hợp này chính là tự mỗi người cân chỉnh giữa khả năng tài chính của bản thân, mặt bằng chung của mọi người khi đi đám cưới và tùy theo mức độ mối quan hệ. Quan trọng nhất vẫn là bản thân mình cảm thấy phù hợp với khả năng chính mình.

Có nhiều đám cưới "đẻ" ra những nội quy dành cho khách mời. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Thạc sĩ Đào Lưu: Như đã nói, đám cưới là một dịp quan trọng của cô dâu và chú rể, ai cũng mong muốn ngày vui của mình thật sự trọn vẹn, ý nghĩa và đặc biệt nên đã đề ra những nội quy trong bữa tiệc. Nếu chúng ta đã chấp nhận lời mời thì cũng nên chấp nhận nội quy. Nếu bản thân không thoải mái mình có thể đề nghị được ngoại lệ (nếu có thể) còn không thoải mái có thể lựa chọn đến và về sớm hoặc không đến để tránh ảnh hưởng đến không khí chung của mọi người.

Tuy nhiên, đám cưới là sự kiện trọng đại của cuộc đời mỗi người, nên trong vai là khách, hãy tôn trọng và thực hiện theo những mong muốn của cô dâu chú rể, để cùng giúp ngày cưới ấy được trọn vẹn.

Nhưng cũng cần nói thêm với những người là cô dâu chú rể. Dẫu biết rằng đám cưới là một dịp trọng đại, ai cũng muốn để lại những ấn tượng thật đẹp nhưng cần hướng tới đối tượng khách mời của mình. Nếu họ là những người đồng trang lứa, có thể đồng điệu và hòa mình với những nội quy đặc biệt thì hãy thiết kế những hoạt động, nội quy độc lạ. Nếu đối tượng khách mời đa dạng thì cần lưu ý hơn.

Với những khách mời, cố gắng phối hợp và thực hiện những quy định nếu đã đồng ý tham dự đám cưới. Bữa tiệc sẽ trọn vẹn hơn nếu cả khách và chủ cảm thấy thoải mái và hài lòng.

Ngày càng có nhiều đám cưới mà cô dâu chú rể đưa ra những nội quy

cHỤP MÀN HÌNH

Có những người trẻ "phát rầu" khi bị bạn bè, người thân vô tư nhắc lại những chuyện xưa cũ. Họ cho rằng chỉ nói cho vui. Còn bà nghĩ sao về việc này?

Thạc sĩ Đào Lưu: Theo tôi, đây là việc làm hoàn toàn không nên. Những lời nói "bông đùa" những tưởng chỉ "cho vui" nhưng rất dễ gây ra những hiểu lầm không cần thiết. Nếu chỉ để tìm kiếm sự vui vẻ thì còn rất nhiều cách thức khác nhau với những trò vui khác mà không nhất thiết phải lôi những chuyện trong quá khứ ra nhắc lại. Đâu đó, những câu chuyện đùa vui sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người trong cuộc, những nỗi hiềm nghi cũng từ đó mà phát sinh và đôi khi có thể dẫn đến mâu thuẫn cãi vã nhau, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Ranh giới giữa đùa vui và vô duyên rất mong manh. Vì thế, chúng ta hãy thật sự tinh tế trong giao tiếp ứng xử ở những đám cưới...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.