Nghẹt thở ca dùng ECMO sau phẫu thuật cứu sống bé gái dị tật tim bẩm sinh

14/10/2020 16:37 GMT+7

Em bé bị đến 4 khiếm khuyết tim bẩm sinh làm thay đổi cấu trúc tim, khiến lượng máu và ô xy không đủ nuôi tim và cơ thể. Đây là trường hợp bệnh nhi đầu tiên được dùng ECMO sau phẫu thuật cứu sống thành công.

Hôm nay (14.10), bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết về trường hợp bệnh nhi 31 tháng tuổi (nặng 11 kg, ngụ Đồng Nai), mắc tứ chứng Fallot.
Đây là loại dị tật tim bẩm sinh phức tạp ở trẻ dưới một tuổi. Bé bị đến 4 khiếm khuyết (thông liên thất, hẹp đường ra thất phải, phì đại tâm thất phải, dị tật động mạch chủ) làm thay đổi cấu trúc tim, khiến lượng máu và ô xy không đủ nuôi tim cũng như toàn bộ cơ thể.
Nguy hiểm hơn là bé được phát hiện bệnh muộn, khi các dị tật ở tim đã biến chứng, cơ thể suy kiệt, toàn thân tím tái nặng.
Bé đã được phẫu thuật sửa chữa triệt để các dị tật tim bẩm sinh. Sau phẫu thuật bé được theo dõi hồi sức tích cực. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng phù phổi cấp nặng dần, dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận.
Các bác sĩ đã quyết định mổ mở xương ức để hồi sức tích cực cho bệnh nhi. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, bé suy hô hấp nặng dần và ngưng tim. Bé được cấp cứu ngưng thở, ngưng tim.
“Tất cả các thuốc, máy trợ thở lúc này đều thất bại với sức khỏe của bé, hi vọng sống chỉ còn dưới 10%. Chúng tôi đã thông báo cho người nhà quyết định dùng kỹ thuật ECMO để cứu sống bé. Tuy nhiên, trước đây kỹ thuật này chỉ triển khai nội khoa, chưa hề áp dụng tại ngoại khoa (sau phẫu thuật) gây ra nhiều khó khăn cho các bác sĩ", bác sĩ Châu cho biết.
Để có hi vọng cứu bé, các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (kỹ thuật trao đổi ô xy tuần hoàn ngoài cơ thể hay còn gọi là kỹ thuật tim phổi nhân tạo).
“Cuộc phẫu thuật khá khó khăn với thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể lên đến 193 phút (các ca thông thường là 90-100 phút), kẹp động mạch chủ 134 phút nhưng đã thành công trong việc sửa chữa các tật tim của bé”, bác sĩ Châu đánh giá.
Sau khi đặt ECMO hơn 10 phút, tình trạng tím tái trên da bé đã dần biến mất, da hồng hào trở lại.
Hiện tại, sức khỏe của bé tạm ổn định, được thở ô xy và tiếp tục theo dõi tại khoa tim mạch.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, kỹ thuật ECMO được bệnh viện triển khai từ tháng 2. 2019 đến nay đã cứu sống được 7 bệnh nhi viêm cơ tim cấp. Đây là trường hợp bệnh nhi đầu tiên được dùng kỹ thuật ECMO sau phẫu thuật, mở ra hi vọng cứu sống nhiều em nhỏ khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.