Nghị quyết nói gì?
Nghị quyết là phản ứng của phần lớn thế giới đối với quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nghị quyết nhấn mạnh rằng tình trạng của Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán và bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc về những quyết định gần đây liên quan đến thực trạng của Jerusalem”. Nghị quyết cũng kêu gọi “mọi quốc gia không lập các phái bộ ngoại giao tại Jerusalem”.
Nghị quyết được thông qua với 128 phiếu ủng hộ, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21.12 tại thành phố New York (Mỹ).
Đây là nghị quyết nhằm phản đối lập trường của Mỹ chứ không phải là để thay đổi chính sách của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Jerusalem. Điều đó có nghĩa giá trị của nghị quyết phần lớn mang tính tượng trưng, mặc dù có thể để lại những hệ quả cụ thể đối với mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với nhiều nước khác, theo tờ The Independent.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp ngày 21.12 AFP
Mỹ nghĩ gì?
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley khẳng định: “Mỹ vẫn chuyển đại sứ quán của nước này đến Jerusalem, đây là điều người dân Mỹ mong muốn và đó là điều đúng đắn. Không có cuộc bỏ phiếu nào ở Liên Hiệp Quốc sẽ thay đổi được điều này”.
Bà Haley cũng cho biết Mỹ “sẽ ghi nhớ ngày này, khi nước Mỹ bị đưa ra công kích tại Đại hội đồng vì hành động thực thi quyền của một quốc gia có chủ quyền”.
“Chúng tôi sẽ nhớ đến ngày này khi được yêu cầu đóng góp phần to lớn nhất vào Liên Hiệp Quốc và nhiều nước kêu gọi chúng tôi chi nhiều hơn và dùng ảnh hưởng của chúng tôi cho lợi ích của họ”, bà Haley nói.
Sự việc này có thể đánh dấu một sự thay đổi thực sự trong cách Mỹ điều hướng các mối quan hệ quốc tế và việc giải ngân viện trợ nhân đạo. Vấn đề này sẽ sáng tỏ theo thời gian.
Nghị quyết có ý nghĩa gì đối với Israel và Palestine?
Cuộc bỏ phiếu này tái khẳng định quan điểm nhất quán lâu nay của phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Theo quan điểm này, Israel đang đòi chủ quyền bất hợp pháp trên vùng đất mà nước này đã chiếm đoạt trong cuộc xung đột năm 1967 (nổi tiếng với tên gọi
Cuộc chiến 6 ngày)
Tuy nhiên, theo tờ The Independent, ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố nước này sẽ không công nhận kết quả, và gọi LHQ là "ngôi nhà dối trá". Sau đó, ông Netanyahu cũng lên tiếng cảm ơn Tổng thống Trump và bà Haley vì “bảo vệ mạnh mẽ Israel”.
Về phía người Palestine, đây là một minh chứng cho thấy sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, ngay cả tại Liên Hiệp Quốc. Phát ngôn viên Nabil Abu Rdainah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ca ngợi cuộc bỏ phiếu là “một thắng lợi cho Palestine”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tại Liên Hiệp Quốc và ở mọi diễn đàn quốc tế để thiết lập nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô”, ông Rdainah nhấn mạnh.
Với riêng Tổng thống Trump?
Việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel theo sau nhiều lời nói và hành động gây tranh cãi trước đó của Tổng thống Trump, như phàn nàn về việc Mỹ đóng góp quá nhiều cho các bổn phận quốc tế, rút Mỹ khỏi hiệp ước khí hậu Paris, và tạo ra căng thẳng trong quan hệ với các đồng minh lâu năm.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông Trump tiếp tục tuyên bố Mỹ đang phải chi nhiều tiền cho các đồng minh và đe dọa cắt viện trợ cho các nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết.
Vẫn còn phải chờ xem liệu những đe dọa đó có trở thành sự thật hay không, nhưng có thể thấy lời nói và hành động của Tổng thống Trump khá nhất quán với phương châm ngoại giao "Ưu tiên nước Mỹ" của ông.
Bình luận (0)