'Nghỉ tết lâu như nghỉ hè' và ngổn ngang những nỗi lo

Thanh Nam
Thanh Nam
02/01/2024 13:27 GMT+7

Nhiều người trẻ rơi vào tình cảnh ngổn ngang những nỗi lo trong thời điểm chỉ còn hơn một tháng nữa là tới tết Nguyên đán. Lý do vì nghỉ tết quá lâu cùng muôn vàn câu chuyện khác.

Nghỉ tết… 45 ngày

Anh Trương Hoàng Khoa (32 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH Y.C (Đồng Nai) cho biết cảm thấy bất ngờ khi sắp tới được nghỉ tết 45 ngày. Cụ thể là từ ngày 21.11 âm lịch đến mùng 6 tết. Anh Khoa ví von: "Nghỉ tết lâu như nghỉ hè".

Anh Khoa cho biết lý do được nghỉ tết nhiều như vậy vì hiện tại công ty không có đơn hàng. Những người lao động như anh rơi vào tình cảnh… thất nghiệp dù có công việc làm.

Chính từ việc phải nghỉ tết quá nhiều ngày như vậy, nam thanh niên này lo ngại sẽ phải tìm kiếm công việc mới.

Có nhiều người rơi vào tình cảnh giống như Khoa, khi cũng cảm thấy ngao ngán vì lịch nghỉ tết quá lâu. Chẳng hạn, anh Phan Thanh Vương (35 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam (Đồng Nai) cho biết sẽ nghỉ tết 23 ngày, từ ngày 24 âm lịch đến 16 tháng giêng.

Chị Hồ Thị Thu Nhi (30 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (Đồng Nai), cũng được nghỉ tết 24 tháng chạp đến ngày 14 tháng giêng. Còn công nhân của Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (Đồng Nai) cũng được nghỉ từ 24 tháng chạp đến 16 tháng giêng…

Nhưng việc được nghỉ tết có thời hạn như vậy là còn may mắn, vì nhiều người lao động trẻ cho biết đang rất hoang mang khi được nghỉ tết từ 21.11 âm lịch và chưa biết khi nào mới trở lại làm việc.

Anh Nguyễn Chính (34 tuổi), lãnh đạo một doanh nghiệp về bất động sản ở TP.HCM, cho hay đã để nhân viên nghỉ tết từ 20.11 âm lịch. "Và tạm thời, chưa có thông báo về ngày đi làm lại. Bởi các dự án của công ty đang "không nhúc nhích". Tình hình kinh doanh quá khó khăn. Rất mong là nhân viên thấu hiểu, san sẻ khó khăn ấy", anh Chính nói và cho biết thêm: "Quả thật, đã có những nhân viên nghỉ việc từ tháng 8. Lượng nhân viên rời bỏ công ty ngày càng đông hơn. Lúc trước, nhân sự công ty có khoảng gần 600 người. Giờ chỉ còn hơn 1/3".

'Nghỉ tết lâu như nghỉ hè' và ngổn ngang những nỗi lo- Ảnh 1.

Người lao động mong được nghỉ tết vừa đủ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, có việc làm thường xuyên, không rơi vào cảnh thất nghiệp

THANH NAM

Những nỗi lo

Cũng theo chia sẻ của những người lao động trẻ, song song với việc nghỉ tết sớm và lâu là chế độ phúc lợi về lương, thưởng tết sụt giảm. Thậm chí có những trường hợp không có tiền lương tháng 13 và thưởng tết. Điều này dẫn đến trăm ngàn nỗi lo khi tết đã sắp đến.

"Năm trước, mỗi tháng tằn tiện tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng. Nhưng năm nay, thu nhập giảm đi rất nhiều, không để dư được đồng nào. Các khoản tiền trọ, nước, điện, xăng… đồng loạt tăng, trong khi thu nhập giảm, đã khiến làm được đồng nào là hết đồng đó, có tháng còn thâm hụt, phải mượn đồng nghiệp, người thân", anh Nguyễn Văn Dũng (32 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH N.T, Q.Tân Phú (TP.HCM) cho hay.

Anh Dũng ta thán: "Chưa biết lấy tiền đâu để tiêu tết" và kể thêm hiện chưa có tiền mua vé xe về quê ở Quảng Trị.

Chị Đỗ Thị Ngọc Lý (35 tuổi), làm việc tại một doanh nghiệp may ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), kể rằng cách đây một tuần, hai vợ chồng đã liệt kê những khoản phải chi vào dịp tết. Trong đó có: tiền mua vé xe về quê ở Đắk Lắk, lì xì cho cháu, biếu hai bên gia đình, phụ sắm tết…

"Nhìn con số mà cảm thấy chóng mặt khi gần 30 triệu đồng. Trong khi thu nhập 6 tháng cuối năm thấp hơn 30% so với nửa năm đầu. Không quá lời nếu nói rất buồn và lo khi tết đã cận kề", chị Lý tâm sự.

Chị Hồ Thị Thu Nhi (30 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (Đồng Nai), kể: "Có khi tết này phải ở lại chứ không về quê Kiên Giang cho đỡ tốn kém". Chị Nhi cũng mường tượng ra viễn cảnh qua năm phải tìm một nơi làm việc mới.

'Nghỉ tết lâu như nghỉ hè' và ngổn ngang những nỗi lo- Ảnh 2.

Có những nỗi lo xuất hiện với người lao động khi tết Nguyên đán đã sắp đến

THANH NAM

Anh Nguyễn Chính (34 tuổi), lãnh đạo một doanh nghiệp về bất động sản ở TP.HCM, thừa nhận rất lo lắng với tình hình kinh doanh hiện nay của công ty. Những khoản tiền chi trả hóa đơn điện, nước… mỗi tháng hơn cả trăm triệu đồng hay lương cho nhân viên… khiến anh và những lãnh đạo của công ty không khỏi nhức đầu. Giờ đây, anh Chính cố gắng giữ sự lạc quan, mong tình hình kinh doanh có sự tiến triển tốt trong năm 2024.

Anh Đỗ Đăng Nhật, giám đốc một doanh nghiệp về may mặc ở H.Bình Chánh (TP.HCM) thừa nhận khoảng 3 tháng qua, công ty không nhận được đơn hàng nào. Số lượng người lao động của công ty ngày càng ít đi. Nếu tình hình này kéo dài, anh lo lắng chẳng đặng đừng phải quyết định để công ty rời khỏi thị trường.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Thu (31 tuổi), chủ quán cà phê Thu's trên đường Phú Thọ Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM, cũng hy vọng thời gian đến việc buôn bán khởi sắc hơn. Chứ hiện nay, doanh thu mỗi ngày không đủ trả tiền lương cho nhân viên. "Tôi đang cố gắng gồng lỗ. Và rất có thể qua tết sẽ nghĩ đến việc thay đổi mô hình kinh doanh. Nhưng cũng đang phân vân, không biết nên kinh doanh gì mới thu hút khách? Và hơn hết, lo lặp lại tình cảnh buôn bán ế ẩm", chị Thu chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.