Nghĩa tình miền Tây: Cần Thơ không cô đơn

31/07/2022 09:00 GMT+7

“Thời gian cứ nhấp nháy Còn ta thì vẫn vậy Chưa thấy được ánh sáng Bình minh hoặc hoàng hôn Giữa chốn phố ôn tồn Cần Thơ chẳng cô đơn...”

Người ta nói Cần Thơ dễ sống lắm, nó cứ tịch mịch, từ tốn như nước dòng sông Hậu vậy.

Nhưng phải thấm hết cái phong cảnh, vị vật ở đây thì ta mới hiểu hết cái sự hoạt động không ngừng nghỉ của thành phố này. Nó được ví như con nước ở dòng sông Hậu, hằng ngày đều có nước lớn nước ròng và thời khắc con nước trở mình. Còn nếu bạn hỏi tôi về điều đó thì tôi sẽ sớm cho bạn đáp án thôi.

Bến Ninh Kiều - Chợ nổi Cái Răng. Hai địa danh dường như đã trở thành từ khóa chính trong cuốn từ điển du lịch Cần Thơ rồi, và đó cũng là hai địa điểm lưu lại nhiều kỷ niệm cho những người con đất Tây đô. Bến là nơi thuyền, bè neo đậu - theo nghĩa đó bến Ninh Kiều cũng có thể xem như là nơi níu giữ chân con người ta. Hàng cây rợp bóng, gió thổi rì rào cạnh khúc sông mang tên thành phố, một chút không khí ban mai làm con người ta háo hức, rạo rực.

Chợ nổi Cái Răng là lý do để ta có thể dậy sớm hơn những ngày bình thường. Chọn một chiếc tàu nhỏ, mặc chiếc áo phao đỏ và không thể thiếu một chiếc điện thoại có thể chụp ảnh. Thế là ta có thể vi vu trên sông nước mà cảm nhận khung cảnh hữu tình rồi.

Cầu Cần Thơ

Đình Tuyển

Phải đúng cái không khí lúc 2 - 3 giờ sáng, chiếc tàu nhỏ có gắn cái máy chân vịt, chông chênh mới đúng cảm giác. Cùng với đó là những âm thanh của xuồng máy, của sự nhộn nhịp ở những ngôi chợ ven bờ xung quanh, âm thanh sóng nước vỗ mạn thuyền, giọng nói của một bạn hướng dẫn viên miền Tây nào đó cất lên phía xa, hòa vào không gian sinh hoạt, mua bán của người dân thương hồ nơi chợ nổi...

Chúng ta cập vào một chiếc xuồng nhỏ, có khói nghi ngút bốc lên, chiếc xuồng đó thấy vậy mà phi thường, nó mang đến những món quà từ ẩm thực miền Tây, kết nối giao lưu giữa các vùng văn hóa với nhau. Có thể kể đến là món bún riêu cua: một chút bún, rau tươi, huyết heo, cua xay thành riêu, chút gia vị trong nồi nước lèo ngọt thịt chan vào, cái màu hạt điều đỏ ươm đã tạo nên nét riêng cho món bún riêu cua miền Tây. Tất cả mọi thứ đó kết hợp lại mới ra được cái chất gọi là Không gian văn hóa chợ nổi Cái Răng, mới gọi là thú vị.

Thế mới nói Cần Thơ không cô đơn đâu.

Con nước lớn nước ròng, hay trở mình đều là những từ chỉ các hiện tượng tự nhiên mà thôi. Sự tăng hay giảm của cường độ nước, người miền Tây có cách gọi nước ròng khi mực nước sông xuống thấp; nước lớn khi mực nước sông lên cao; con nước trở mình là khoảnh khắc kỳ diệu nhất khi dòng chảy của sông đổ từ biển vào và ngược lại từ sông ra cửa biển. Sẽ là một dịp may mắn cho ai có thể ngắm nhìn được hết cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú đó.

Rời xa khu vực bến chợ một đôi lát. Ta cho thuyền bơi men theo con sông Hậu nước trong. Màu nước trong là cách nói ước lệ:

“Uống ngụm nước trong nhớ dòng sông Hậu

Bưng bát cơm đầy nhớ đất Cần Thơ...”

Thoạt nhìn ta sẽ thấy nước có màu nâu đỏ hơi ngả đục, nhưng khi múc lên soi kỹ trong lòng bàn tay thì màu nước rất trong. Trong bàn tay ta lúc đó không chỉ có nước, mà đó là tất cả những duyên sinh từ gió, lửa, cát mà nên.

Hằng ngày, con nước cứ thế trở mình, đổ ra và đổ vào như thế mang theo hàng triệu tấn lưu lượng phù sa vào đất liền, đất cù lao, giúp cho cây trái thêm lượng chất, thêm tươi tốt, sum suê. Kéo theo đó là vô số loài cá nước ngọt quy tụ về đây sinh sản tạo nên không gian sinh thái đa dạng.

Thành phố Cần Thơ

Đình Tuyển

Từ đầu nhánh sông Cần Thơ chảy ra dòng sông cái, nhìn phía tay phải ta sẽ thấy cuộc đất cồn Ấu nằm dưới chiếc cầu mang tên thành phố. Đó là niềm tự hào của mọi người con của vùng đất Tây đô. Không thể quên được sự hy sinh và đóng góp về sức lao động, vật chất, tinh thần và cả xương máu để có chiếc cầu như ngày nay, tất cả là nhờ vào một phần công lao của các vị công nhân quá cố năm ấy.

Rẽ sang bên trái ta sẽ thấy một viên ngọc sáng ngời hiện ra giữa lòng sông Hậu, đó là cồn Linh, nằm cạnh đó còn có cồn Sơn. Khi xưa gọi là làng Long Tuyền, được người dân ví von là đất linh nhân kiệt, có đoạn sông Bình Thủy uốn lượn như hình rồng, nước chảy quanh năm lách tách dưới ánh nắng mặt trời long lanh như nước suối. Có hai mắt rồng là đình Bình Thủy và chùa Nam Nhã, bốn chân là các chi lưu rải rác sau đó đến tận xã Giai Xuân, huyện Phong Điền là khu vực đuôi rồng.

Ta cho thuyền tấp vào cồn Sơn, nghỉ chân tại bè cá nước ngọt, chiêm ngưỡng hàng trăm loài cá độc lạ được nuôi trên chính dòng sông mẹ. Mục sở thị loài cá săn mồi điêu luyện bằng cách bắn nước với tầm bắn lên đến cả trăm centimet - mang tên cá mê rổ, sau đó ta có thể hòa đôi chân trần vào dòng nước cho các loài cùng rỉa chân, chúng giúp ta lấy đi hết những tế bào da đã hư hại, tái tạo lại da mới. Sau đó cùng ngồi vào bàn, nhâm nhi cốc trà đá miễn phí trên bè nổi bềnh bồng và thưởng thức món cá thác lác rút xương ngon lành.

Cá thác lác được nuôi bè, cho ăn các loại thức ăn công nghiệp nhưng khi đã làm sạch, rút hết xương đi, nhúng thịt cá vào tô nước mắm cá thơm lừng rồi mang đi chiên ngập dầu, thịt cá khi chín sẽ vàng ươm, ăn vào có độ giòn và thơm mùi mắm đặc trưng.

Rời khỏi những chú cá nhỏ, ta cho thuyền ghé vào đất cồn tham quan các vườn cây ăn trái đang độ trĩu quả, thường sẽ rơi vào các tháng đầu năm hoặc các tháng hè. Những loại quả phổ biến ở đất cồn là vú sữa, nhãn, mít, ổi...

Bạn có thể lựa chọn một cốc nước ép ổi có dặm một xíu muối, hoặc một cốc nước hoa đậu biếc xanh màu da trời mát lạnh. Chiêm ngưỡng hàng chục con cá lóc ú ạch cùng nhảy tỏng lên cao đớp những hạt thức ăn mà chủ của nó đang rải xuống - cái loại hình mà người ta gọi là cá lóc bay.

Đến trưa thì cái bụng cũng đã đói, thưởng thức mâm cơm chính hiệu miền Tây tại đất cồn cùng với những nhà nông chân chất tại đây, họ nhiệt tình, ấm áp đến lạ.

Sao lại nói chúng ta cô đơn giữa thành phố này, còn nhiều thứ đang chờ đợi ta phía trước.

Nếu như hôm ấy ta có lỡ làm thành phố buồn, trời điểm tô cho một chút mưa thì cũng đừng buồn nha. Chỉ cần dỗ dành nàng bằng cái ẩm thực đậm nét miền Tây để gỡ gạc lại cái trận mưa hôm ấy. Bánh xèo, bánh cống hay bánh khọt - có thể nói là các loại bánh đại diện cho các loại bánh mặn được nhắc đến nhiều nhất.

Người miền Tây đơn giản, hào sảng lại hay sáng tạo. Cái bánh xèo ở mỗi tỉnh, thành lại có cách làm và ăn khác nhau. Tôi chợt nhớ lại cái bánh xèo năm xưa mẹ tôi hay làm bằng các thứ bột gạo, bột năng và pha một chút màu nghệ, bí kíp ở chỗ cho thêm ít nước cốt dừa và trứng vịt để bánh có vị béo và giòn. Chảo nóng đều, cho chút dầu, tráng vào lớp bột sao mà có thể nghe được cái âm thanh “xèo” độc đáo mới đúng nghệ, sau đó cho thịt, tép, giá đỗ, hẹ, củ sắn (củ đậu) vào, đậy cái nắp vung lại và đi chuẩn bị rau vườn để ăn thôi.

Dưới sông có cá, trên bờ có rau. Một bữa ăn gồm cái bánh xèo nóng hổi có lót miếng lá chuối xanh bên dưới, không thể thiếu một số loại rau cơ bản như: xà lách, cải xanh, lá cách, lá bằng lăng, diếp cá... Đặc biệt, nước mắm phải thơm, có đầy đủ ớt, tỏi mà phải hơi ngọt ngọt mới là vị miền Nam.

Sẽ là thiếu sót nếu như đêm về ta lại bỏ qua tiết mục lả lướt trên du thuyền, thưởng thức các món ăn đặc trưng vùng miền, cùng ngắm phong cảnh bến Ninh Kiều, cầu Cần Thơ về đêm, hòa vào đó là vô vàn ánh đèn lộng lẫy. Không thể thiếu sự hòa giọng của các nghệ sĩ trình bày một điệu bản Nam bộ cùng với các tài tử qua loại hình “đờn ca tài tử”

Chia tay thành phố trong giây phút tiếc nuối, nhưng đọng lại trong chúng ta nhiều cảm xúc vấn vương khôn nguôi. Phố sẽ chẳng hề cô đơn khi nó vẫn còn đó, cái tiết trời, con người vẫn cứ thế, vẫn sẵn sàng dang tay chào đón chúng ta bất cứ khi nào ta trở lại thăm phố.

“Đèn đã tắt, phố cũng tắt theo sau

Phố rạng ngời mời nhau khi trở lại

Phố còn non, một mai phố sẽ già

Nét duyên ngầm dẫu lạ cũng thành quen”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.