Nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu doanh nghiệp chứ không phải đối phó KPI

Hà Ánh
Hà Ánh
17/08/2023 18:53 GMT+7

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu khoa học có thể đến từ nhiều nguồn khác. Nhưng để làm được điều này, hoạt động nghiên cứu cần thực chất hơn, gắn với nhu cầu doanh nghiệp chứ không phải để đối phó KPI với trường.

Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) vừa triển khai chương trình nghiên cứu cơ bản năm 2023 sau một năm không tài trợ cho đề tài mới nào. Trong đó, con số ngân sách của quỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học chưa đến 300 tỉ đồng khiến nhà khoa học ngậm ngùi nhưng cũng có những ý kiến với góc nhìn khác.

PGS Nguyễn Phương Thảo: 'Để ‘hút’ đầu tư, nghiên cứu không phải để đối phó KPI' - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM)

NVCC

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng con số 300 tỉ đồng trên mới chỉ tính riêng của Quỹ NAFOSTED - nghĩa là cho nghiên cứu cơ bản. Ngoài NAFOSTED, còn các nguồn kinh phí khác cho nghiên cứu cơ bản. Chẳng hạn, những đề tài cấp cơ sở của các trường, cấp ĐH quốc gia, viện hàn lâm... Ngoài ra, kinh phí cho nghiên cứu ứng dụng còn nhiều hơn. "Và đây là xu hướng chung của tất cả các nước, trong đó nghiên cứu cơ bản chỉ được đầu tư bằng 1 phần nhỏ nghiên cứu ứng dụng. Sau đó, sẽ đến nghiên cứu triển khai mà ở các nước phát triển đa phần do các tập đoàn, công ty bỏ tiền làm", PGS Thảo cho hay.

Khi được hỏi liệu rằng kinh phí nhà nước Việt Nam bỏ ra cho nghiên cứu có ít hay không, PGS-TS Phương Thảo khẳng định: "Có, bởi theo số liệu của nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ Khoa học và công nghệ thu được khi tiến hành khảo sát tại các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2011-2016, đầu tư tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ cả nước bình quân cả giai đoạn 2011-2015 chỉ tương đương 0,4% GDP. Như vậy, tất nhiên một nguồn tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học nên từ nhà nước".

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: "Phần khác tất nhiên phải từ tài trợ của các công ty, từ doanh thu của các trường ĐH thông qua chuyển giao công nghệ hay hiến tặng...".

Xu hướng chung của tất cả các nước, trong đó nghiên cứu cơ bản chỉ được đầu tư bằng 1 phần nhỏ nghiên cứu ứng dụng. Sau đó, sẽ đến nghiên cứu triển khai mà ở các nước phát triển đa phần do các tập đoàn, công ty bỏ tiền làm

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo

Theo PGS Thảo, điều quan trọng nhất để thu hút đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam (nhất là nghiên cứu ứng dụng), hoạt động nghiên cứu cần thực chất hơn, gắn với nhu cầu doanh nghiệp hơn chứ không phải để đối phó với KPI với trường.

Ngoài ra, cơ chế hợp lý hơn cũng cần thiết. "Bên mình từng phải dừng 2 đề tài doanh nghiệp tài trợ do cơ chế giải ngân, đấu thầu của các đơn vị nhà nước quá chậm chạp, không thể đạt được tiến độ mong muốn", PGS Thảo nêu ví dụ.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, các yếu tố khác cần có thêm như: cơ chế tài chính, điều kiện phát triển nói chung. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp mới bỏ tiền làm nghiên cứu triển khai thay vì nhập công nghệ hoặc làm ở nước khác. Từ đó, mới rút ngắn khoảng cách giữa các nghiên cứu ở trường, viện với nhu cầu doanh nghiệp và tăng nguồn đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

Nên hướng đến ứng dụng thực tiễn hơn là chỉ tập trung nghiên cứu cơ bản

Một GS công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có những trăn trở tương tự. GS này cho rằng cần thống kê số liệu đầy đủ hơn từ đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học và đánh giá những chương trình, lĩnh vực hoạt động hiệu quả. Nhưng theo GS này, trong bối cảnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nên hướng đến ứng dụng thực tiễn hơn là chỉ tập trung nghiên cứu cơ bản. Bên cạnh đầu tư nhà nước, hoạt động nghiên cứu khoa học cần tìm thêm nguồn tài chính từ các quỹ tài trợ quốc tế lớn, từ hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm…

"Tôi vẫn cho rằng cần thiết nhất chính là thay đổi tư duy quản trị và phát triển trong bối cảnh mới. Đồng thời, việc sử dụng ngân sách phải hiệu quả hơn cùng với việc tìm nguồn tài chính từ đầu tư mạo hiểm, từ quốc tế và từ xã hội", nhà khoa học của ĐH Quốc gia TP.HCM nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.