Nghiên cứu mới phát hiện hình thức tập thể dục tốt nhất cho bệnh tiểu đường

Thiên Lan
Thiên Lan
06/09/2024 00:07 GMT+7

Thử nghiệm do Đại học Liên bang Vale do São Francisco (Brazil) dẫn đầu, hợp tác với Đại học Staffordshire (Anh) để nghiên cứu về việc tối ưu hóa quá trình tập luyện cho bệnh nhân tiểu đường.

Tác giả chính, tiến sĩ Pooya Soltani từ Đại học Staffordshire giải thích: Nghiên cứu này rất quan trọng vì bệnh nhân tiểu đường thường thiếu động lực để tập thể dục như một biện pháp để kiểm soát tình trạng bệnh của mình. Lý do là do tập luyện có thể dẫn đến hạ đường huyết, gây khó chịu và mất động lực. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem cách tập nào có thể gây hạ đường huyết.

Nghiên cứu mới phát hiện hình thức tập thể dục tốt nhất cho bệnh tiểu đường- Ảnh 1.

Đối với bệnh nhân nữ, tập liên tục, chẳng hạn như chạy bộ là tốt nhất

Ảnh: Pexels

Có 2 hình thức tập thể dục nhịp điệu phổ biến: Tập liên tục và tập ngắt quãng. Nhằm so sánh tác động của 2 cách tập này đối với bệnh nhân tiểu đường, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết kế chéo, cho phép mỗi người tham gia hoàn thành cả hai cách tập để so sánh hiệu quả.

Thử nghiệm bao gồm 19 bệnh nhân tiểu đường loại 1, ít tập thể dục. Mỗi người tham gia thực hiện 2 buổi tập, mỗi buổi 30 phút vào những ngày riêng biệt: 1 buổi tập liên tục với cường độ vừa phải, ổn định và 1 buổi tập ngắt quãng xen kẽ giữa cường độ cao hơn và thấp hơn.

Các tác giả đã thu thập dữ liệu tại 3 thời điểm: Trước khi tập, ngay sau khi tập và 20 phút sau khi tập, bao gồm mức đường huyết, nhịp tim, huyết áp, nỗ lực cảm nhận và mức độ thích thú.

Sau đó, họ so sánh phản ứng giữa nam và nữ, giữa các cách tập và tại các thời điểm khác nhau.

Kết quả cho thấy tập thể dục nhịp điệu liên tục là hiệu quả nhất để bệnh nhân tiểu đường cải thiện việc kiểm soát đường huyết, đặc biệt là ở phụ nữ.

Cụ thể như sau:

Tập thể dục liên tục, nghĩa là duy trì tốc độ ổn định, vừa phải trong suốt quá trình tập luyện (như chạy bộ trong 30 phút), giúp giảm đáng kể lượng đường trong máu so với tập luyện ngắt quãng.

Tập luyện ngắt quãng, nghĩa là xen kẽ giữa các giai đoạn cường độ cao hơn và thấp hơn (như xen kẽ giữa chạy bộ và đi bộ), cũng cho thấy những lợi ích nhưng ở mức độ ít hơn, theo Study Finds.

Nghiên cứu mới phát hiện hình thức tập thể dục tốt nhất cho bệnh tiểu đường- Ảnh 2.

Tập thể dục nhịp điệu liên tục là hiệu quả nhất để bệnh nhân tiểu đường cải thiện việc kiểm soát đường huyết

Ảnh: Pexels

Điều thú vị là kết quả cho thấy sự khác biệt quan trọng giữa nam và nữ đối với việc tập thể dục.

Nhìn chung, phụ nữ có lượng đường trong máu ổn định hơn, với mức giảm đáng kể chủ yếu sau khi tập liên tục.

Riêng ở nam giới, lượng đường trong máu giảm nhiều hơn sau cả hai cách tập, đặc biệt giảm mạnh sau khi tập liên tục, thậm chí 1 bệnh nhân còn bị hạ đường huyết.

Điều này cho thấy đối với bệnh nhân nữ, tập liên tục, chẳng hạn như chạy, là tốt nhất, mặc dù cả đi bộ nhanh và chạy bộ đều có thể là những khởi đầu hiệu quả.

Ngược lại, đối với nam giới, tập ngắt quãng có lẽ sẽ an toàn hơn. Tiến sĩ Jorge Luiz de Brito-Gomes từ Đại học São Francisco cho biết: Kết quả cho thấy đối với những bệnh nhân nam có mức đường huyết không quá cao, bài tập ngắt quãng sẽ tốt hơn.

Riêng với những bệnh nhân nam có mức đường huyết ban đầu cao hơn, có thể áp dụng bài tập liên tục, chẳng hạn như chạy bộ, nhưng cần chú ý tránh hạ đường huyết đột ngột.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trước khi áp dụng một cách tập mới nào, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.