Nghiên cứu: nếu bỏ hạn chế đi lại ở vùng 'zero Covid', 2 triệu người có thể tử vong

La Vi
La Vi
09/02/2022 08:45 GMT+7

Nếu dỡ bỏ các hạn chế đi lại, những nơi đang áp dụng chính sách " Zero-Covid " như Trung Quốc sẽ có đến 2 triệu ca tử vong trong một năm, theo một nhóm nghiên cứu Trung Quốc.

Nghiên cứu được công bố khi các hạn chế xã hội nhằm phòng chống Covid-19 của Trung Quốc đang được tập trung chú ý khi nước này tổ chức Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn còn gắn bó chiến lược "triệt tiêu Covid", dù đã có những cảnh báo rằng chiến lược này có thể làm tổn hại đến tăng trưởng.

Việc nới lỏng các hạn chế Covid-19 có thể khiến 2 triệu người tử vong

reuters

Những nước khác như Singapore, Úc và New Zealand đều đã từ bỏ chiến lược trên và học cách "sống chung với dịch".

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các nghiên cứu từ Chile và Anh để tính toán "hiệu lực cơ bản" của các loại vắc xin hiện có.

Họ ước tính rằng ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu đạt 95%, nếu tình trạng di chuyển dân cư quay lại mức năm 2019, thì tại tất cả các khu vực còn áp dụng chiến lược "Zero-Covid" sẽ có hơn 234 triệu ca nhiễm trong vòng một năm, bao gồm 64 triệu ca có triệu chứng và 2 triệu ca tử vong.

Nhóm tác giả cũng cho rằng chìa khóa để kiểm soát virus là phát triển các loại vắc xin có khả năng ngăn ngừa lây nhiễm tốt hơn.

Giáo sư y tế quốc tế ở Úc Jaya Dantas nhận định rằng đây là một nghiên cứu "rất bi quan" trong bối cảnh các nước khác khắp thế giới đã chuyển sang sống chung với Covid-19. Bà nhận định nghiên cứu này là "một tài liệu nội bộ... có thể nhằm hỗ trợ chính sách của chính phủ".

Một địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

reuters

Hồng Kông, nơi cũng đang áp dụng chiến lược "Zero-Covid", đã ghi nhận 614 ca mắc vào hôm 7.2. Trung tâm tài chính toàn cầu này hiện đã trở thành một trong những thành phố cô lập nhất trên thế giới.

Các biện pháp hạn chế đã gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá thực phẩm nhập khẩu.

Người dân đã đổ đến các siêu thị và chợ lân cận vào hôm 7.2 để tích trữ thực phẩm và nhu yếu phẩm khi giao thông bị gián đoạn ở ranh giới giữa Hồng Kông với Trung Quốc.

Các chuyên gia y tế cho rằng khi thế giới bên ngoài đang chuyển sang sống chung với dịch, việc Hồng Kông tiếp tục tự cô lập là cách chống dịch không bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.