Nghiên cứu thử nghiệm 'hộ chiếu vắc xin' cho một số điểm du lịch

18/04/2021 08:26 GMT+7

Một chuyên gia về dịch tễ cho biết, việc áp dụng 'hộ chiếu vắc xin' với một số điểm du lịch cần được tính đến, nhưng nguyên tắc đảm bảo hết sức chặt chẽ.

Về việc Quảng Nam đang đề xuất cho thí điểm áp dụng “hộ chiếu vắc xin” với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng không di chuyển, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng: “Có thể đây cũng là mô hình cần thử nghiệm, nhưng phải quản lý nghiêm ngặt người đến, đòi hỏi chính quyền địa phương, công an, cơ quan chủ quản phải quản lý rất chặt chẽ”.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thêm: “Chúng tôi đang nghiên cứu các quốc gia trên thế giới áp dụng như thế nào để đưa ra một số mô hình, thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin” tại các khu vực nhỏ như sân golf, hoặc khu du lịch nhỏ trong nước”.

Sáng 18.4: Không có thêm ca Covid-19 mới

Theo ông Tấn, hiện tại có một số lý do Việt Nam chưa áp dụng “hộ chiếu vắc xin”. Trước tiên, đó là hiệu lực của vắc xin phòng Covid-19 cần thêm thời gian đánh giá. Mỗi quốc gia sử dụng các loại vắc xin ngừa Covid-19 khác nhau, với hiệu quả bảo vệ khác nhau, có loại cao, loại thấp. Ngoài ra, việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” cũng cần xem xét yếu tố miễn dịch cộng đồng. Nhiều quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hoặc tiêm phòng diện rộng sẽ có miễn dịch cộng đồng cao. Trong khi đó, Việt Nam hiện là quốc gia “sạch” do kiểm soát tốt dịch. Đồng thời, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam chưa cao, do đó miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam hiện gần như chưa có.
Vì vậy, nếu triển khai “hộ chiếu vắc xin” mà không quản lý chặt, có thể làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng. “Dù chưa áp dụng, nhưng Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan vẫn đang xây dựng các phương án, xem xét triển khai áp dụng hộ chiếu vắc xin với quốc gia nào, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các nước, áp dụng với vắc xin nào”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin.
Theo ông Tấn, trước mắt Cục Y tế dự phòng đã đề xuất những người được tiêm đủ các mũi vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, nhà chuyên môn có thể được giảm thời gian cách ly tập trung, với các điều kiện khác đi kèm như cần có kết quả xét nghiệm sau nhập cảnh. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn phải chờ quyết định của lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Một chuyên gia về dịch tễ cho biết, việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” với một số điểm du lịch cần được tính đến, nhưng nguyên tắc đảm bảo hết sức chặt chẽ. Người đã tiêm đủ vắc xin khi nhập cảnh có thể vẫn cần cách ly tập trung, xét nghiệm, nhưng thời điểm, thời gian xét nghiệm phù hợp, thay vì cách ly tập trung đủ 14 ngày. Các địa phương khi đề xuất “hộ chiếu vắc xin” phục vụ du lịch cũng cần có phương án cụ thể về tổ chức, giám sát tại khu du lịch, cùng Bộ Y tế đưa ra phương án phù hợp nhất.
Về việc Quảng Nam và một số địa phương có đề nghị cho phép thực hiện các chuyến bay charter đón khách quốc tế vào một số điểm nhất định, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: “Hiện tại Tổng cục Du lịch đang phối hợp cùng một số địa phương trao đổi và hoàn thiện dự thảo kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, với phương châm phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.