Ngỡ như là cổ tích

23/09/2022 09:00 GMT+7

Tôi tình cờ quen Lâm trên Facebook vào một buổi tối. Hình ảnh một chàng trai trẻ ngồi trên chiếc xe lăn nhưng khuôn mặt tràn đầy niềm vui khiến tôi tò mò.

Tôi và Lâm cùng sinh hoạt trong Quán Chiêu Văn, một cộng đồng những người yêu thích văn chương có đến hơn bốn mươi ngàn người ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Giữa một biển người mênh mông với những cách thể hiện tình yêu với văn chương khác nhau nhưng đều có một đam mê chung là đọc và viết, tôi lại chú ý đến Lâm, hẳn cậu là người đặc biệt?

Thầy giáo Ngọc Lâm với học sinh

TGCC

Thật vậy! Lâm sinh ra trong một gia đình ở vùng quê nghèo Hậu Lộc, Thanh Hóa. Như bao bạn bè cùng trang lứa, Lâm sống trong tình yêu thương của ba mẹ, đi qua những nhọc nhằn vất vả để học lấy con chữ. Nhiều lần, gia đình khó khăn, Lâm thương ba mẹ muốn bỏ học để đi làm, kiếm tiền, giúp các em học lên. Biết được ước mơ của con sau này muốn trở thành giáo viên nên cha mẹ, thầy cô, động viên Lâm ráng học. Nhà nghèo, không có xe, Lâm cứ lầm lũi đi bộ đến trường trên những bờ ruộng ngày nắng khô bỏng rát, ngày mưa lầy lội. Khi Lâm vào trường Trung học phổ thông cũng là lúc chị gái lớn đi lấy chồng, là anh cả, Lâm tranh thủ lúc đi học về giúp cha mẹ mọi việc như cày cuốc, cấy, gặt và chăm các em.

Năm 2004, học xong Trung học phổ thông, Lâm vào miền Nam kiếm sống. Lâm làm đủ các công việc để kiếm tiền như phụ việc ở quán ăn, thậm chí phụ nề... Vóc người nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, thật thà nên ở đâu cậu cũng được mọi người quý mến. Lâm quyết tâm kiếm tiền để thực hiện ước mơ của mình. Niềm vui vỡ òa khi cậu đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước. Học được mấy tháng thì một tai nạn không may xảy ra. Đó là một chuỗi ngày giành giật sự sống từ tay tử thần. Trong một buổi tối trời mưa đi đón người thân, Lâm tránh xe tải chạy ngược đường không may bị lao xe xuống hố trên đường. Cú ngã xe đó khiến cậu bị vỡ ba đốt xương sống cổ chọc vào tủy sống. Lâm mê man cho đến khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong bệnh viện, cổ phải nẹp cứng để kéo xương cổ giãn ra mới hy vọng mổ được. Lâm tuyệt vọng khi chân tay không cử động được nữa, cậu nghĩ : Đời mình thế là hết!

Cuộc sống vừa tặng cho em niềm vui lại đẩy em vào chốn tuyệt vọng. Nhiều lúc nghĩ quẩn, em muốn kết thúc sự sống để khỏi đau khổ và bất lực. Nghĩ tới ước mơ còn đang dang dở, nghĩ về bố mẹ và cuộc đời mình còn trẻ Lâm buồn lắm. Mười ngày nẹp cổ xong thì em được bác sỹ chỉ định đi phẫu thuật. Đó là mười ngày bi đát trong cuộc đời em vì đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần.Tình trạng sức khỏe của em rất yếu nên khi mổ, bác sĩ chỉ còn cách khoan sống, không dùng thuốc tê, thuốc gây mê bởi nếu dùng, em có thể liệt não và ra đi luôn. Nghĩ tới cha mẹ và hy vọng sống đã khiến em vượt qua được ca mổ đó dù sau ca mổ em ngất lịm đi. Sau này, Lâm được biết, lúc đó bác sĩ nói với cha em là em có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Những ngày sau đó là những ngày gian nan của em để chống lại đau đớn, bệnh tật. Em bị viêm phổi nặng, lở loét khắp người do em nằm lâu ngày. Gia đình em cũng gồng mình lên để chạy vạy tiền lo cho em vì mỗi ngày chi trả gần hai triệu đồng tiền thuốc. Bệnh viện trả về, niềm hy vọng chỉ còn le lói nhưng cha mẹ Lâm quyết tâm vay mượn tiền để chữa trị cho em suốt hai năm trời. Trước tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, Lâm nhủ lòng: Mình phải sống để không phụ lòng mọi người! Thế rồi, Lâm bị liệt toàn thân 97%, tứ chi của Lâm không thể phục hồi. Nhưng Lâm vẫn quyết không nghĩ đến cách tự giải thoát nữa bởi vì nhìn những người bị tai nạn ra đi quanh giường bệnh của mình, Lâm nghĩ: “Mình vẫn còn may mắn, còn sống đã là một hạnh phúc!”

Năm 2006, với sự quyết tâm và nghị lực của mình, chàng trai trẻ tìm đến Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn (Quận Bình tân, TP.HCM) để học nghề. Được sống trong tình yêu thương của những người cùng hoàn cảnh, Lâm đã bớt dần sự tự ti, mặc cảm về bản thân và quyết tâm học nghề Tin học để nuôi dưỡng ước mơ làm thầy giáo còn đang dang dở. Đối với mọi người lành lặn, việc gõ bàn phím là một việc đơn giản, nhưng với Lâm, đó cả là một sự nỗ lực vượt bậc vì hai bàn tay em rất yếu, co quắp, phải có nẹp mới cử động được. Sau 9 năm ròng rã, kiên trì học hỏi, Lâm đã học nghề xong và được Trung tâm bảo trợ mời làm giáo viên Tin học cấp Tiểu học tại ngôi trường Làng May Mắn.

Niềm vui mang đến cho các em nhỏ mồ côi, khuyết tật trong trung tâm đã thắp lên cho Lâm ngọn lửa hi vọng về một cuộc sống tươi đẹp cho các trẻ thiệt thòi. Lớp học của Lâm không có bảng đen, phấn trắng, học sinh là những em bé lang thang bán vé số, lượm ve chai để mưu sinh. Đến với Trung tâm bảo trợ, các em được học tập cả ngày và ăn bữa cơm trưa miễn phí. Thầy giáo cũng thật đặc biệt, thầy ngồi xe lăn giảng bài nhưng luôn nở nụ cười thân thiện, tận tình giảng dạy, chỉ bảo và yêu mến trẻ nên được các em học sinh quý mến gọi là “Thầy giáo xe lăn”!

Học sinh và đồng nghiệp trong trường còn được thầy tiếp thêm nghị lực sống, tinh thần vượt khó và ý chí vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của số phận để tiếp tục sống và học tập, công tác. Thầy Lâm là tấm gương cho học sinh học tập, noi theo về ý chí, sự lạc quan trong cuộc sống.

Cuộc sống đã trao yêu thương đến cho Lâm. Cảm phục ý chí và nghị lực của Lâm, một cô gái Bến Tre Nguyễn Thị Minh Thơ duyên dáng, khỏe mạnh đã quen Lâm qua Facebook đối đáp thơ ca với nhau rồi hai người yêu nhau tự lúc nào với một tình yêu trong sáng. Cả hai đến với nhau nhưng không nói cho gia đình biết vì sợ bị cấm cản. Sau 5 năm bên nhau, Minh Thơ đã thuyết phục được mẹ mình cho phép kết hôn với Lâm vào ngày 23.12.2018.

Tôi ngỡ ngàng trước cuộc sống đạm bạc mà tràn đầy hạnh phúc của hai vợ chồng Lâm, có khi Lâm khoe: Em đang ăn bún chị ơi! Rồi Lâm chụp hình bát bún Thơ nấu có đầy đủ rau và sắc màu, có tình yêu thương chăm sóc của người vợ dành cho chồng. Khó khăn là vậy nhưng hai vợ chồng luôn bên nhau, làm thơ và ca hát. Hàng ngày Thơ giúp chồng tập những bài vật lý trị liệu trước khi bế anh xuống xe lăn. Lâm nhìn vợ vất vả mà thương, anh chỉ ước tay mình có thể khỏe lại để dù chỉ một lần nắm bàn tay của người con gái đã hết lòng yêu thương mình, nhưng điều đó thật khó! Minh Thơ luôn bên cạnh Lâm chăm sóc, nâng đỡ anh. Có lần Thơ thổ lộ : “Em chưa bao giờ hối hận vì đã lấy anh Lâm. Chỉ cần Lâm là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho gia đình thì em có thể tự nắm tay anh đi suốt phần đời còn lại”.

Ước mơ của Lâm còn nhiều, đó là gia đình và nụ cười những đứa trẻ để hạnh phúc đủ đầy. Lâm còn mong ước sẽ lập được Quỹ Khuyến học “Thầy giáo xe lăn” để giúp các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và trở thành một diễn giả đi truyền cảm hứng sống tích cực cho mọi người...Nghĩ đến Lâm, tôi nghĩ đến câu nói của nhà Triết học Thomas Carlyle người Scotland: “ Nỗ lực của một người tốt vô danh cũng như mạch nước ngầm sâu dưới đất, thầm lặng làm mặt đất xanh tươi”

Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin Lâm không đầu hàng số phận mà luôn vượt lên những thử thách của cuộc đời, nhất là khi có một tình yêu tuyệt đẹp ngỡ như trong cổ tích dành cho em. Chúc em hoàn thành được những nguyện ước của mình, làm xanh tươi mặt đất bằng những mạch ngầm ý chí, nghị lực phi thường của em.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.