Cụ thể, vào lúc 9 giờ sáng (giờ Hà Nội), ông Pompeo có cuộc gặp với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Vào 10 giờ 15, ông Pompeo có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Cuộc gặp này không có sự tham dự của báo chí, kể cả phóng viên chuyên trách của hai bên.
Sau đó 1 tiếng, vào lúc 11 giờ 15, ông Pompeo có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, chuyến thăm của ông Pompeo đến Việt Nam là khá bất ngờ.
Hôm 29.10 (giờ Hà Nội), Bộ Ngoại giao Mỹ đã bổ sung điểm đến Việt Nam vào lịch trình công du của ông Pompeo. Đến trước đó 1 ngày, lịch làm việc từ ngày 25 đến 30.10 của ông Pompeo vẫn là đến thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia.
Mục đích của chuyến thăm được cho biết là nhằm thắt chặt thêm mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và bàn thảo về các vấn đề cùng quan tâm như Biển Đông và khu vực Mê Kông.
Tại Indonesia, ông Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cũng đã thảo luận về vấn đề Biển Đông. Tại cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Marsudi nêu quan điểm của Indonesia, cho rằng Biển Đông nên được bảo đảm là một khu vực hoà bình và ổn định. Luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 cần được tôn trọng và thực thi.
Tất cả các yêu sách chủ quyền cần dựa trên nhận thức chung về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Trong thông báo về chuyến thăm Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trích phát biểu của ông Pompeo hôm 10.7 như sau:
“Một phần tư thế kỷ qua, hai nước chúng ta đã xây dựng một mối quan hệ bạn bè, đối tác trên cơ sở lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau và gắn kết giữa con người với con người. Mối liên hệ bền chặt được minh chứng bằng sự gia tăng đầu tư và thương mại, hợp tác chiến lược và phối hợp trong các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh, bao gồm cả việc tìm kiếm những quân nhân Mỹ mất tích.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã mở rộng và thắt chặt mối quan hệ Đối tác toàn diện dựa trên tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoà bình và ổn định, cũng như sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”.
Trước thời điểm diễn ra chuyến thăm, ông Pompeo cũng đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Việt Nam và Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ nhiều dự án lớn, bao gồm 3 nhà máy nhiệt điện (2 trong số đó có công suất hơn 6.000 MW, nằm ở khu vực phía Nam vốn thiếu điện của Việt Nam), 1 kho cảng LNG trị giá 1,4 tỉ USD tại Sơn Mỹ.
Kho cảng sẽ giúp thúc đẩy triển khai nhà máy điện khí ở khu vực này. “Thoả thuận sẽ giúp mở cửa cho việc xuất khẩu hàng tỉ USD LNG từ Mỹ vào Việt Nam”, thông cáo về Diễn đàn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Như vậy, trong những năm tới, Mỹ sẽ có hiện diện khá lớn trong ngành năng lượng Việt Nam. Việc dự án nhiệt điện than tại Long An (chậm trễ nhiều năm do bị địa phương và nhiều chuyên gia không đồng thuận) chuyển sang điện khí do doanh nghiệp Mỹ đầu tư, cũng là một dấu hiệu về bước chuyển trong ngành năng lượng Việt Nam, theo hướng được nhiều chuyên gia khuyến cáo, vì điện khí sẽ thân thiện hơn với môi trường.
|
Bình luận (0)