Được biết, kỳ tích này chưa hề có trong lịch sử y khoa thế giới qua 19 ca tương tự đã được công bố. Ca phẫu thuật Việt - Đức khiến nhân dân hai nước Việt - Nhật vỡ òa trước trí tuệ và tình người đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991. Sau mổ tách, Việt sống cuộc đời thực vật suốt 19 năm cho đến khi qua đời. Nguyễn Đức hồi phục ngoạn mục và bắt đầu sống cuộc sống mới. Nay anh đã là một người đàn ông 39 tuổi, là cha của hai đứa trẻ sinh đôi. Có thể nói, điều này có ý nghĩa nhân văn rất lớn đối với một người mang trong mình nhiều biến chứng của chất độc màu da cam.
Trong suốt thời niên thiếu, Việt và Đức đã sống trong tình thương, sự chăm sóc của các bác sĩ, y tá, bảo mẫu... của Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Sau thời gian học tập, Nguyễn Đức được tạo điều kiện về công tác tại đây. Sau khi lấy vợ, anh chuyển về sinh sống tại một ngôi nhà riêng ấm cúng cùng mẹ vợ và gia đình nhỏ tại TP.HCM. Không chỉ là lao động chính trong gia đình, Đức còn là thành viên của nhiều hội từ thiện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những nạn nhân của chất độc màu da cam. Cùng với đó, anh luôn là gương mặt quen thuộc trong những buổi giao lưu Việt - Nhật, phụ trách toàn bộ về mảng văn hóa, đối ngoại.
|
Đáng chú ý, anh không cho vợ đi làm mà một mình gồng gánh kinh tế gia đình. Kể từ khi lấy chồng, chị Tuyền (vợ anh Đức) chỉ ở nhà chăm lo công việc nội trợ và đưa đón con đi học. Theo chị, có như thế, anh Đức mới cảm thấy an tâm để tập trung làm việc. Chia sẻ khi biết mình cũng mang song thai, chị Tuyền dù rất vui nhưng cũng vô cùng lo lắng vì sợ các con sinh ra sẽ ảnh hưởng chất độc màu da cam giống bố. Chính vì thế, sự khỏe mạnh và phát triển bình thường của hai bé Nguyễn Phú Sỹ và Nguyễn Anh Đào chính là món quà quý giá nhất của anh chị trên cuộc đời này.
Kể lại cho Ngọc Lan quãng thời gian nan trong kí ức, mắt Đức nhiều lần hoe đỏ. Anh còn nhớ, một ngày năm 1986, anh Việt đột nhiên lên cơn sốt, hôn mê và ngay lập tức được đưa đi cấp cứu: “Lúc đó rất là vất vả vì "còn dính", tôi còn nhỏ nên rất hồn nhiên, lúc lên xe đi vô bàn mổ mà miệng vẫn còn hát hò. Khi lớn lên mình mới cảm nhận được rằng quá trình đó rất là cam go. May mắn được hội chữ thập đỏ Nhật Bản hỗ trợ đưa chuyên cơ đến đón. Hai anh em qua đó điều trị trong vòng 3 tháng nhưng thất bại, anh Việt bị viêm màng não, nằm đời sống thực vật luôn".
|
Từ lúc ấy, mọi sinh hoạt chung anh Đức phải tự xoay xở một mình. Khi một người nằm, một người đi chuyển thì luôn phải kéo theo người kia, chưa kể anh thường xuyên chịu lây bệnh từ anh trai. Cho đến khi cuộc phẫu thuật lịch sử vào năm 1988 diễn ra, Nguyễn Đức dần hồi phục sức khỏe, bắt đầu cuộc sống độc lập và phát triển bình thường. Phải trải qua quá nhiều biến cố lớn, Nguyễn Đức cho biết có lần áp lực đến mức nghĩ quẩn. Thế nhưng, chính sự áy náy với người anh trai song sinh xấu số đã trở thành động lực để anh phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Anh tự nhủ phải sống tốt hơn cho cả phần đời của anh Việt đã hy sinh cho mình. Hơn nữa, sự cố gắng của anh còn là muốn tri ân các bác sĩ đã thương yêu và cho anh cơ hội được tái sinh lần nữa sau ca phẫu thuật.
Mắt anh luôn sáng lấp lánh khi kể về những đứa trẻ và gia đình nhỏ của mình nhưng khi Ngọc Lan nhắc đến cha mẹ ruột, gương mặt anh bỗng chốc trở nên buồn bã. Anh tâm sự: “Tôi cảm thấy thiếu may mắn khi không có sự bao bọc của ba mẹ. Tuy nhiên cho đến bây giờ mình vẫn thường xuyên thăm hỏi cả hai người. Ba tôi thì đi lấy vợ khác ở Lâm Đồng. Ba cũng giống mình bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên bị điếc và không nói được. Còn mẹ và chị ruột tôi thì ở TP.HCM. Mẹ cũng bị ảnh hưởng một chút về thần kinh".
|
Nói về nỗi sợ lớn nhất trong lòng mình, Nguyễn Đức khiến Ngọc Lan nghẹn ngào khi cho biết đó chính là không còn đủ khả năng để lo cho gia đình, lo cho hai con đến khi trưởng thành. Anh thừa nhận sức khỏe ngày càng giảm sút sau hàng chục cuộc phẫu thuật từ năm 1988 đến nay. Tuy nhiên anh vẫn tỏ ra vô cùng lạc quan vì không muốn tình trạng của mình ảnh hưởng đến tinh thần của những người thân trong gia đình. “Trong cuộc sống, sợ nhất là sức khỏe, đó là cái mình không lường trước được. Sức khỏe mình hạn chế như vậy thì mình không biết có thể lo cho gia đình được tới đâu, như thế nào. Bản thân mình, mỗi khi nhắm mắt lại đều mơ thấy hai con trưởng thành, đủ 18 tuổi, tốt nghiệp và có một cuộc sống tự lập. Chỉ có một mơ ước đó thôi”, anh bộc bạch.
Đêm 25.2.1981 tại trạm xá Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), vùng đất cao nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc màu da cam trong những năm chiến tranh giữ nước đã vang lên tiếng khóc chào đời yếu ớt của hai bé song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức. Tuy nhiên, cả hai lại mang hình hài dị dạng, dính liền phần bụng, có hai đầu, hai chân và một chân ngắn chừng hai mươi phân, một hậu môn và một bộ phận sinh dục.
Đến ngày 4.10.1988, ca mổ tách đôi cặp song sinh Việt - Đức được xem là một cuộc "tranh tài đọ sức" với tạo hóa của các y bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản, để trả lại cho Việt và Đức một cuộc sống riêng biệt. Một ê kíp mổ gồm 70 y bác sĩ trưởng đầu ngành và bác sĩ giỏi nhất của các bệnh viện, trung tâm y học tại TP.HCM được tập trung tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ để tiến hành ca đại phẫu thuật vào loại phức tạp nhất: tách rời hai cháu song sinh Việt - Đức.
Thành công ngoài mong đợi của ca mổ đã làm nên ''kỳ tích" cho ngành y học Việt Nam khiến cả thế giới phải thán phục.
|
Bình luận (0)