Ngôi làng kỳ lạ ở miền Tây: Đoạn đường 700 mét có 16 cặp sinh đôi

19/11/2021 08:11 GMT+7

Ở An Giang có một nơi được mệnh danh là “ấp sinh đôi” vì có tới 16 cặp sinh đôi trên đoạn đường chỉ 700m. Người dân cũng khẳng định rằng các cặp sinh đôi này đều là bào thai song sinh tự nhiên, không can thiệp y học.

"Ở cả đời cũng chưa lý giải nổi"

Từ Cần Thơ, tôi vượt gần 140km để đến ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú (An Giang) nơi được mệnh danh là ấp sinh đôi ở miền Tây, bởi cứ cách 2 - 3 căn nhà lại có một gia đình sinh đôi.

Theo lời miêu tả của người dân địa phương, tôi tìm đến khu vực Đình Phước Hưng do hầu hết các gia đình sinh đôi đều sống gần đình này. Khi được hỏi về “chuyện lạ” này, mọi người đều vui vẻ, niềm nở kể và chỉ đường đến các hộ gia đình có các cặp sinh đôi.

Được biết, người dân tại ấp Phước Khánh cũng sinh sống bằng nghề làm ruộng, rẫy là chủ yếu. Mấy năm nay do công việc ở quê không mang lại thu nhập cao nên nhiều người bỏ xứ đi làm tại các thành phố lớn khá nhiều.

Ấp sinh đôi độc nhất miền Tây, đoạn đường 700m mà có tới 16 cặp sinh đôi2

Ông Bùi Văn Dẫn đang giới thiệu về các tấm hình chụp từ nhỏ tới lớn của chị em Ngân - Hà

ẢNH: MINH CHƠN

Ông Bùi Văn Dẫn (62 tuổi) là ông nội của cặp sinh Bùi Thị Kim Ngân và Bùi Thị Kim Hà (sinh năm 2009). Ông Dẫn cho biết, vợ chồng ông có 3 người con trong đó 2 cháu gái song sinh là con của người con trai út. Hiện hai em đang học lớp 6 tại trường THCS Phước Hưng.

“Đối với người ở xa đến thì đây là chuyện lạ, chứ ở ấp này có con song sinh là chuyện bình thường, chỉ cách vài nhà lại có nhà có con song sinh. Nhiều người khó có con cũng tìm đến đây hỏi chuyện. Ngay cả chúng tôi sống ở đây cả đời người cũng chưa thể lý giải nổi. Chỉ biết đây là sự trùng hợp”, ông Dẫn nói.

Ngồi nhẩm tính, ông Dẫn nói, đoạn đường chừng 700m nhưng đã có 16 cặp sinh đôi từ lớn tới nhỏ. Các cặp song sinh đều cùng giới tính, cặp lớn nhất cũng đã ngoài 70 tuổi nhưng đã mất còn cặp nhỏ nhất thì vừa tròn thôi nôi. Bên cạnh đó, có những gia đình có tới 2 thế hệ cùng sinh đôi, tức ông bà sinh ra cặp trai rồi khi người con trai lớn lên lấy vợ lại tiếp tục sinh ra một cặp song sinh trai.

Ấp sinh đôi độc nhất miền Tây, đoạn đường 700m mà có tới 16 cặp sinh đôi3

Các cặp sinh đôi cũng được cho gia đình mặc đồ đôi từ nhỏ thậm chí đến tóc tai, giày dép và trang sức cũng đều giống nhau

ẢNH: MINH CHƠN

Ấp sinh đôi độc nhất miền Tây, đoạn đường 700m mà có tới 16 cặp sinh đôi4

Gia đình anh Phạm Nộ Hán có cặp song sinh Phạm Tấn Lợi - Phạm Tấn Lộc (sinh năm 2011)

ẢNH: MINH CHƠN

Dù số lượng cặp sinh đôi khá nhiều nhưng để “mục sở thị” hết toàn bộ thì không phải chuyện dễ do nhiều cặp sinh đôi lớn lên rồi lập gia đình hoặc đi làm ăn xa không còn thường trú tại địa phương. Hiện tại chỉ còn khoảng 4 cặp sinh đôi là những em nhỏ đang học tiểu học, trung học cơ sở ở địa phương.

Các cặp song sinh đều cùng giới tính

Do các cặp song sinh ở đây đều cùng giới tính và giống nhau như đúc nên việc nhầm lẫn những đứa trẻ với nhau là chuyện thường ngày. Bà Lê Thị Kê (bà nội của cặp song sinh Ngân - Hà) cho biết, do cha mẹ các em đi làm xa nên những khi về thăm nhà rất hay nhầm lẫn cả hai vì quá giống nhau. Chẳng những thế, 2 cháu gái của bà khi mới chào đời cũng khiến nhiều người tò mò vì ngoại hình khá đặc biệt.

“Lúc 2 chị em nó chào đời người ta kéo lại coi đông lắm vì bé Kim Ngân sinh ra, tay và chân đều đen còn bé Kim Hà thì đen mỗi khuôn mặt mà còn đẻ trong bọc điều. Tuy nhiên khi ra tháng thì không còn đen như lúc mới sinh”, bà Kê cho hay.

Anh Phạm Nộ Hán có 2 đứa em sinh đôi là Phạm Khanh Tuấn Kiệt - Phạm Khanh Tuấn Hải (cùng sinh năm 1986). Bản thân anh Hán cũng có 2 con trai sinh đôi là Phạm Tấn Lợi - Phạm Tấn Lộc (sinh năm 2011).

Ấp sinh đôi độc nhất miền Tây, đoạn đường 700m mà có tới 16 cặp sinh đôi5

Do các cặp song sinh ở đây đều cùng giới tính và giống nhau như đúc nên việc nhầm lẫn những đứa trẻ với nhau là chuyện thường gặp

ẢNH: MINH CHƠN

Ấp sinh đôi độc nhất miền Tây, đoạn đường 700m mà có tới 16 cặp sinh đôi6

Ông Lâm Văn Hoa và 2 cháu nội sinh đôi trong năm 2020

ẢNH: MINH CHƠN

“Ở đây hoàn toàn sinh đôi tự nhiên chứ không có thụ tinh hay gì hết. Hồi trước ở đây có một hồ nước lớn lắm, người dân chúng tôi sử dụng nguồn nước đó để ăn uống, tắm rửa, sinh hoạt. Nhưng khoảng 10 năm nay hồ nước đó rào lại người dân sử dụng nước ngầm thì từ lúc đó hiện tượng sinh đôi không còn phổ biến nữa. Tôi phỏng đoán là do nguồn nước đó chứ bà con địa phương ở đây đều ăn uống, sinh hoạt như mọi người, không dùng thực phẩm đặc biệt nào cả”, anh Hán cho hay.

Ngoài gia đình ông Dẫn, anh Hán còn có gia đình ông Lâm Văn Hoa cũng có cặp cháu trai Tỷ anh - Tỷ em vừa tròn 1 tuổi. Ông Hoa cho biết, trước nay nghe nhiều người trong xóm có con sinh đôi ông cũng thấy bình thường, khi nghe tin con dâu mang thai ông cũng khá bất ngờ. Hai cháu giống nhau như đúc nên người trong nhà đôi khi còn khó phân biệt nếu nhìn lướt qua.

Theo người dân địa phương, họ vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường không có bất kỳ một thực phẩm nào khác biệt. Do đó, họ nghiệm rằng nguồn nước cũng như điều kiện thời tiết ở đây đã ban cho con người “đặc ân” đó. Tuy nhiên, đó mới chỉ là suy đoán của người dân chứ chưa có bằng chứng khoa học khẳng định điều này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.