Ngọt lành mì xốp Tết tuổi thơ

24/01/2023 11:06 GMT+7

Tết thật diệu kỳ, mang đến niềm vui trong tâm hồn thơ trẻ. Vui vì được tung tăng khoe áo mới, ăn những món ngon sau bao ngày mong đợi...

Thời bao cấp, cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Dẫu thế, người dân quê tôi vẫn gắng lo Tết đủ đầy. Chừng giữa tháng chạp, các bà, các mẹ lo làm bánh, mứt khiến cho không khí Tết tràn ngập xóm làng, hương thơm lan trong gió xuân se lạnh. Những loại bánh: bảy lửa, thuẩn, in, nổ, giòn... qua đôi tay khéo léo thơm ngon, ngọt lành. Trẻ thơ khấp khởi mừng thầm khi trên đường làng có người quảy quang gánh cất tiếng rao vang: "Ai mua bánh mì xốp đây...!".

Mẻ bánh mới ra lò

Như lời ước hẹn, khi nắng hanh vàng đánh thức chồi non thì những người bên dòng sông Vệ (Quảng Ngãi) vượt hàng chục cây số đến quê tôi bán bánh mì xốp. Họ tất tả ngược xuôi ngày cuối năm mang hương xuân đến mọi nhà. Tiếng rao gõ vào nỗi nhớ, người làng ra đầu ngõ đón người quen, dẫu mỗi năm chỉ đôi lần gặp gỡ. Họ vui vẻ chuyện trò rồi bán - mua những gói bánh bọc cẩn thận trong túi ni lông với gương mặt rạng ngời sau cả năm chờ đợi.

Những chiếc bánh hình hoa mai bung nở khi xuân về được đúc từ khuôn gỗ gìn giữ qua bao ngày. Miếng gỗ dài khoảng 3 tấc, dày chừng 3 phân được bào láng bóng. Người thợ mộc tài hoa khắc vào gỗ những đường nét tuyệt đẹp.

Mùa làm bánh Tết bắt đầu lúc chớm đông. Thợ bánh trữ sẵn các loại nguyên liệu: bột mì, bơ, sữa bột, trứng gà, dừa già, mè và bột vani khi trời se lạnh. Phương thức khá đơn giản nhưng để bánh thơm ngon thì mỗi gia đình có bí quyết riêng khi phối trộn nguyên liệu. Cho bột mì, sữa bột, bơ và bột vani vào thau rồi trộn đều. Dừa già lột vỏ, đập bể gáo và nạo nhỏ phần cơm rồi vắt lấy nước cốt. Lòng đỏ trứng gà cho vào nước cốt dừa và quậy tan loãng. Sau đó, cho vào bột với tỷ lệ vừa đủ để khi trộn đều nguyên liệu khỏi nhão. Nhúm ít bột mì bỏ vào lòng khuôn tạo lớp mỏng để khỏi dính khi đúc bánh.

Bánh mì xốp là món ăn ưa thích của trẻ thơ vào những ngày Tết thời bao cấp

Tiếp đến, cho nguyên liệu trộn đều vào khuôn, dùng tay nhồi chặt rồi dùng thanh tre vót mỏng nạo rơi phần bột thừa. Nghiêng khuôn và dùng thanh gỗ gõ nhẹ cho bánh rơi xuống khay nhôm theo kiểu đúc bánh in vào những ngày tháng chạp.

Bánh kín khay thì rắc ít hạt mè lên trên rồi đưa vào lò nướng. Nơi đáy lò, lửa cháy ấm nồng xua giá lạnh ngày đông. Chừng 5 phút sau, nhấc khay ra khỏi lò, bánh chín tỏa hương thơm ngào ngạt. Chờ bánh nguội rồi nhẹ tay xếp vào thùng kín giữ hương thơm và cho bánh giòn lâu. Khi mang đi bán ở làng xa thì cho bánh vào túi ni lông trong suốt rồi buộc kín trông thật đẹp mắt.

Ngày Tết, cha sắp bánh ra đĩa rồi đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên. Ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng mờ ảo, hương trầm thơm ngát thay lòng thành của cháu con với người đã khuất.

Miếng bánh cùng những viên kẹo ngọt ngào Tết tuổi thơ

Đĩa bánh, tách trà cho câu chuyện ngày xuân thêm rôm rả

Anh em tôi mong chờ được cha cho bánh sau khi cúng ông bà. Miếng bánh thơm tho, viên kẹo ngọt ngào cho lòng rộn niềm vui. Và, bánh mì xốp luôn được lũ trẻ chúng tôi "ưu ái" vì ngon ngọt không gì sánh bằng. Miếng bánh xốp, giòn nên dẫu bị sâu răng cũng chẳng phải e dè, hân hoan đưa tay đón nhận. Vị ngọt béo từ sữa, nước cốt dừa, bơ và trứng gà thấm vào miệng dậy lên niềm vui sướng. Mùi vani thơm lừng vương môi thơ trẻ cho hương xuân thêm nồng nàn.

Giờ, bánh mì xốp bày bán hàng ngày ở tiệm tạp hóa nơi làng quê. Con trẻ thản nhiên với loại bánh rẻ tiền, chăm chú nhìn sang những thứ quà hảo hạng. Nhưng với tôi, bánh mì xốp vẫn ngọt lành bởi từng gieo thương nhớ đong đầy ký ức Tết tuổi thơ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.