Ngủ chừng này tiếng mỗi đêm khiến phụ nữ dễ bị tiểu đường hơn

Thiên Lan
Thiên Lan
22/11/2023 00:07 GMT+7

Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí y khoa Diabetes Care, đã phát hiện một kiểu ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở phụ nữ.

Theo đó, rút ngắn giấc ngủ chỉ 90 phút so với bình thường làm tăng tình trạng kháng insulin ở phụ nữ, nhất là phụ nữ mãn kinh.

Các tác giả cho biết đây là phát hiện đầu tiên cho thấy ngay cả thiếu ngủ nhẹ kéo dài trong 6 tuần cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Ngủ chừng này tiếng mỗi đêm khiến phụ nữ dễ bị tiểu đường hơn - Ảnh 1.

Ngay cả thiếu ngủ nhẹ kéo dài trong 6 tuần cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Pexels

Nghiên cứu do tiến sĩ Marie-Pierre St-Onge, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ và sinh học tại Đại học Columbia (Mỹ), dẫn đầu, đã tuyển chọn 38 phụ nữ khỏe mạnh, trong đó 11 người đã qua thời kỳ mãn kinh, tham gia.

Tất cả những người tham gia đều thường xuyên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Các nhà nghiên cứu cho biết thời gian ngủ được khuyến nghị để có sức khỏe tối ưu là từ 7 - 9 giờ.

Mỗi người tham gia được trải qua 2 giai đoạn khác nhau của nghiên cứu, theo thứ tự ngẫu nhiên.

Với 6 tuần đầu tiên ngủ đầy đủ như bình thường và 6 tuần tiếp theo trì hoãn giờ đi ngủ khoảng 90 phút, nghĩa là rút ngắn tổng thời gian ngủ xuống còn khoảng dưới 6 giờ.

Ngủ chừng này tiếng mỗi đêm khiến phụ nữ dễ bị tiểu đường hơn - Ảnh 2.

Cắt giảm giấc ngủ 90 phút trong 6 tuần đã làm tình trạng kháng insulin tăng gần 15%

Pexels

Điều gì xảy ra khi ngủ 6 giờ mỗi đêm?

Kết quả đã phát hiện cắt giảm giấc ngủ 90 phút trong 6 tuần đã làm tăng mức insulin lúc đói lên hơn 12%, riêng đối với phụ nữ mãn kinh, mức tăng này là 15%

Đồng thời, tình trạng kháng insulin tăng gần 15% và hơn 20% ở phụ nữ mãn kinh, theo Healthday.

Lượng đường trong máu trung bình vẫn ổn định ở tất cả những người tham gia trong suốt thời gian nghiên cứu, nhưng các tác giả cho biết những thay đổi về tình trạng kháng insulin có thể khiến lượng đường trong máu bắt đầu tăng về lâu dài.

Tiến sĩ St-Onge cho biết, những kết quả này cho thấy tác động của việc giảm giấc ngủ đối với các tế bào sản xuất insulin và quá trình trao đổi chất.

Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ điều tra xem liệu giấc ngủ ngon hơn có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và chuyển hóa glucose hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.