Ngủ quá nhanh có thể là dấu hiệu xấu của sức khỏe

Trà Linh
Trà Linh
15/03/2023 00:07 GMT+7

Theo các chuyên gia, thời gian để một người chìm vào giấc ngủ cũng cho biết tình trạng sức khỏe của họ, đồng thời ngủ quá nhanh có thể không phải là 'tín hiệu tốt'.

Tờ The Daily Mail dẫn thông tin từ tiến sĩ Sophie Bostock - chuyên gia về giấc ngủ đang làm việc tại Anh, đồng thời cũng là nhà sáng lập trang web chăm sóc sức khỏe giấc ngủ The Sleep Scientist - cho biết một người ngủ quá nhanh - ngủ thiếp đi trong vòng chưa đầy 5 phút - có thể cho thấy họ đang có vấn đề sức khỏe.

Ngủ quá nhanh có thể là dấu hiệu xấu của sức khỏe  - Ảnh 1.

Một người ngủ thiếp đi trong vòng chưa đầy 5 phút có thể cho thấy họ đang có vấn đề sức khỏe

SHUTTERSTOCK

Cụ thể, tiến sĩ Bostock nói rõ một người khỏe mạnh bình thường sẽ chìm vào giấc ngủ trong vòng từ 15 - 20 phút. Tuy nhiên, nếu ai đó ngủ thiếp đi trong vòng 5 phút có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang bị thiếu ngủ trầm trọng.

Chuyên gia Bostock nói thêm rằng nếu nhận thấy bản thân có dấu hiệu thiếu ngủ, bạn nên quan tâm hơn đến việc nghỉ ngơi. Ngủ nhiều hơn bình thường một chút có thể là lựa chọn tốt để cải thiện tình trạng này. Đồng thời, không nên quá lao lực bởi khi ngủ không đủ, bạn cũng rất khó đưa ra những quyết định sáng suốt hoặc giải quyết công việc tốt như bình thường.

Cùng quan điểm này, thông tin từ trang web của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS Anh) cho biết việc ngủ đủ có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe của mọi người. Một người bình thường sẽ giảm bớt nhiều vấn đề sức khỏe trong dài hạn nếu ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng/đêm.

Tiến sĩ Bostock cũng lưu ý thêm bên cạnh tình trạng ngủ quá nhanh, thì việc mất quá nhiều thời gian để chìm vào giấc ngủ cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần chú ý hơn đến sức khỏe của mình.

"Nếu bạn mất từ 30 phút trở lên mới có thể chìm vào giấc ngủ thì cũng có thể là một dấu hiệu đáng báo động của sức khỏe", bà Bostock nói.

Cũng theo nữ chuyên gia, để giải quyết tình trạng này, bạn có thể áp dụng cách chỉ lên giường khi thật sự cảm thấy muốn ngủ.

"Đừng đi ngủ cho đến khi bạn buồn ngủ", tiến sĩ Bostock nói và giải thích rõ rằng việc chỉ lên giường khi thật sự muốn ngủ về lâu dài sẽ giúp não hình thành loại phản xạ có điều kiện, giúp bạn dễ ngủ hơn khi nằm trên giường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.