Nép mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4), nhưng quán hủ tiếu Mỹ Tho của bà (còn gọi là Dì 9) lúc nào cũng đông khách. Đường tìm vào quán đã khó, nhưng đợi để thưởng thức tô hủ tiếu mà nhiều người cho là “lạ” nhất Sài Gòn này lại càng khó hơn.
Đợi hơn 1 tiếng để ăn
Tìm đến quán hủ tiếu của dì 9 vào một ngày cuối tuần, PV bất ngờ khi khách đến ăn đông nghẹt. Nhân viên quán liên tục nói: “Nay khách đông quá phải chờ tận 1 tiếng, anh chị đợi được không ạ?”. Hàng dài người liên tục chờ đợi, một số người thất thểu bỏ về vì không biết khi nào mới đến lượt mình.
Trong khi đó, hơn 7 người trong quán làm việc liên tục không ngơi nghỉ để mang ra những tô hủ tiếu cho thực khách đã “mỏi mòn” vì chờ đợi. Thấy vậy, chúng tôi cũng chỉ gọi một tô hủ tiếu để được thưởng thức và hẹn phỏng vấn chủ quán vào ngày hôm sau. Tôi không ngừng thắc mắc hương vị hủ tiếu ở đây ngon cỡ nào mà có người sẵn sàng đợi hơn 1 tiếng đồng hồ để thưởng thức?
Tâm sự với Thanh Niên, bà Lương Thị Tuyết (73 tuổi, ngụ Q.4, còn được gọi là dì 9) cho biết bà chính là chủ nhân của quán hủ tiếu này. Là người gốc Mỹ Tho (Tiền Giang), bà Tuyết theo chồng lên Sài Gòn năm 31 tuổi và sinh sống ở đây đến tận bây giờ. “Tôi nấu hủ tiếu cũng hơn 50 năm rồi, từ hồi còn dưới quê. Lên đây, tôi quyết định mở quán này, bán cũng hơn 20 năm, vừa là để kế thừa truyền thống ông bà, vừa có tiền để mưu sinh”, chủ quán nhớ lại.
|
|
Ban đầu, bà Tuyết buôn bán nhỏ, có sự hỗ trợ của chồng và con trai. Tuy nhiên, lúc đó tiệm ăn lại gặp nhiều khó khăn do hương vị hủ tiếu Mỹ Tho gốc không phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn. “Tôi không ngừng học hỏi, lắng nghe ý kiến của khách để thay đổi cách nấu, đến giờ quán đã có lượng khách ổn định, lâu lâu thì tăng đột biến”, bà cười.
Năm 2019, vì sức khỏe không còn được tốt như trước nên con trai bà phụ trách bán chính, bà là người nấu ăn, nêm nếm và phụ các con trong việc buôn bán.
Lần đầu đến ăn tại quán, ông Nguyễn Ngọc Bảo (63 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) dẫn vợ và con gái út đến ăn. Tuy nhiên, vừa đến nơi ông bàng hoàng vì khách quá đông so với tưởng tượng và phải chờ đợi lâu. “Vợ chồng tôi đợi gần tiếng rồi đó, cũng khá lâu nhưng vì tò mò với lại lỡ đợi rồi nên cũng ráng. Gia đình tôi có tâm hồn ăn uống lắm, xem trên mạng thấy ở đâu ngon đều đến ăn thử”, ông Bảo vừa nói vừa chờ tô hủ tiếu mình đã gọi được mang ra.
“Chồng tôi lúc trước ăn đây nhiều lần, nên nay dắt tôi tới đây ăn thử cho biết vì nghe ông ấy bảo ngon lắm. Tới thì đông quá nên ổng quyết định về, lần khác ghé tới, còn tôi thì muốn đợi”, bà Ngọc Lan (59 tuổi, ngụ Q.4) tâm sự với chúng tôi. Nói xong, bà cùng chồng lên xe về dù chưa gọi món.
|
|
|
“Hủ tiếu Mỹ Tho, nhưng không phải hủ tiếu Mỹ Tho”
Để có được công thức nấu “hủ tiếu Mỹ Tho nhưng không phải hủ tiếu Mỹ Tho” như hiện tại, bà Tuyết đã phải trải qua một quá trình dài thay đổi, lắng nghe ý kiến của khách.
Vừa chuẩn bị nguyên liệu, bà Tuyết vừa tâm sự: “Chỗ tôi, thịt heo tôi không luộc rồi thái ra như ở dưới quê mà nấu theo kiểu xá xíu của người Hoa. Tất cả những thành phần khác, đặc biệt là nồi nước dùng cũng được tôi chế biến theo công thức riêng, cho bao nhiêu tiền cũng không nói”.
Theo bà, điều đặc biệt trong tô hủ tiếu Mỹ Tho Dì 9 chính là phần trứng cuộn “có một không hai” vì không ở đâu của Sài Gòn có bán. Phần trứng này được bà làm giống như dồi, nhưng bên trong là trứng đã được tẩm ướp gia vị rồi luộc lên. Sau đó, bà cắt phần trứng này thành từng lát vừa ăn rồi bỏ vào nước sôi cho phồng, trước khi cho vào tô hủ tiếu mang ra cho khách.
“Năm 2016, tôi nghĩ ra món trứng cuộn này và thêm nó vào món ăn của mình. Khách ăn thấy rất thích vì nó vừa giòn, vừa dai, vừa mềm. Tôi nghĩ đây là một cách chế biến trứng rất lạ không giống với bất kỳ đâu ở Sài Gòn. Nhưng để làm được, tôi cũng thất bại không biết bao nhiêu lần”, bà Tuyết nhớ lại.
|
Quán của bà bán nhiều loại hủ tiếu, mì khô khác nhau, tùy vào sở thích của khách hàng. Giá của các món ăn ở đây dao động từ 35.000 đồng đến 55.000 đồng. Khi gọi một phần hủ tiếu mì khô đặc biệt, thực khách sẽ được tiệm ăn mang ra một tô hủ tiếu mì riêng, có giá, rau củ, thịt xá xíu, bao tử heo, hoành thánh, gan, một ít tốp mỡ. Tất cả được tưới lên một ít nước tương vừa ăn. Cùng với đó là tô nước dùng trong vắt có các lát trứng cuộn, tôm, mực, nấm…
“Quán bán hủ tiếu Mỹ Tho, nhưng món ăn được yêu thích nhất ở đây là mì khô. Kỷ lục mà khách ăn ở đây là tận 18 vắt mì”, anh Trần Lương Hậu (39 tuổi, con trai bà Tuyết) hào hứng kể. Anh cũng “bật mí” thêm hủ tiếu mà quán sử dụng mỗi ngày là từ Mỹ Tho gửi lên nên có hương vị khác biệt.
Sau hơn 1 giờ chờ đợi, gia đình ông Ngọc Bảo cũng được thưởng thức món hủ tiếu của mình. Ông tâm sự mình từng ăn món này nhiều nơi ở Sài Gòn, nhưng chưa nơi nào ngon như ở đây. “Chắc có lẽ là chờ lâu quá nên đói, ăn gì gì cũng ngon. Nó vậy chứ từng nguyên liệu ở đây đều rất đậm đà, đặc biệt phần trứng cuộn ăn cực kỳ lạ miệng. Tôi không biết tóp mỡ người ta làm ra sao mà ăn không bị ngán, lại còn rất thơm. Không uổng công chờ đợi”, bà Bạch Mai (49 tuổi, vợ ông Bảo) cho hay.
Khác với vợ chồng ông Bảo, gia đình bà Hồng (36 tuổi, ngụ Q.4) là khách quen của quán này. Bà cho biết từ ngày ăn hủ tiếu tại đây, bà ít đến những quán bán món này để ăn vì “ở đây là đặc biệt nhất rồi”. Bà Hồng nói thêm: “Là khách quen, nhưng nay tôi cũng phải đợi gần tiếng đó. Quen rồi! Ai gọi trước thì được mang ra trước thôi. Nay tôi và gia đình gọi 3 tô đặc biệt, thêm 2 cục xí quách ăn kèm, rất ngon”.
|
Tiệm ăn của đại gia đình Nam, Bắc
Không ít thực khách thắc mắc tại sao ở đây là quán hủ tiếu miền Tây, mà lại có rất nhiều người Bắc bán. Khi được hỏi về chuyện này, anh Lương Hậu cười: “Là do tôi cưới vợ Bắc đó. Vợ tôi ở Hải Phòng mà. Năm 2007, tôi lấy vợ, rồi cô ấy bán cùng gia đình tôi luôn. Bố mẹ vợ, em vợ cũng bán với gia đình tôi gần 2 năm trở lại đây”.
Vậy là, mỗi ngày tất cả các thành viên trong gia đình này đều quây quần bên nhau cùng chuẩn bị, cùng bán cho thực khách. Bố vợ anh Hậu thì nhận giữ xe, các chị em bên vợ anh người thì đón khách, người thì ghi món, người thì rửa bán. Anh, vợ, mẹ vợ và bà Tuyết phụ trách việc nấu nướng, trình bày… Mỗi người một việc.
|
|
Bà Tuyết xúc động: “Thật lòng, tôi cảm thấy vui vì quán ăn này nuôi sống được cả hai gia đình. Tuy là không giàu có gì nhưng cũng đủ sống. Nhờ nó, mà tôi nuôi con, nuôi các cháu nên người. Đó là tài sản lớn nhất trong cuộc đời của tôi”.
Gia đình bà bán từ 17 giờ đến 0 giờ ngày hôm sau. Bà kể nguyên liệu được bà sử dụng, mua ngày nào là bán hết ngày đó chứ không bao giờ bán lại cho ngày hôm sau. “Dọn dẹp xong hết là 3 giờ sáng rồi, 6 giờ sáng chúng tôi phải thức dậy đi chợ sớm, chọn những nguyên liệu ngon nhất để sơ chế. Để có được một tô hủ tiếu ngon không dễ, chúng tôi phải kỳ công chuẩn bị cả một ngày”, vợ anh Hậu tâm sự.
Cứ như vậy, mỗi ngày đại gia đình của bà Tuyết lại quây quần cùng nhau bán những tô hủ tiếu ngon đến với thực khách...
Bình luận (0)