"Chuyến xe 0 đồng" của tài xế xe cứu thương
Cách đây không lâu, nhiều người bàng hoàng nhìn thấy một người đàn ông ôm con đứng trên lầu 2 bệnh viện, toan nhảy xuống. Đứa con trên tay ông đã ngừng thở, còn vợ ông vẫn nằm trên giường bệnh. Không đủ tiền viện phí, không đủ tiền thuê chuyến xe chở con về quê, người đàn ông đó chỉ còn vỏn vẹn 200 nghìn đồng.
Người ta chỉ kịp nhào đến can ngăn, xin phòng công tác xã hội miễn giảm viện phí, rồi vội vàng bấm số anh Nguyễn Hoàng Nhật (35 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) đưa cho ông. Nghe một người đàn ông bật khóc nức nở, anh Nhật biết mọi thứ phải rất tồi tệ, nên cố dùng tất cả lời lẽ trấn an.
Ngay tối hôm đó, mọi thứ đã được anh Nhật sắp xếp ổn thỏa, đưa cả nhà ông ra chiếc xe cấp cứu của mình. Chuyến đi dài lên tận Đắk Nông với giá 0 đồng...
|
|
|
Suốt 2 năm, anh Nhật không nhớ mình đã lái bao nhiêu chuyến xe nghĩa tình như thế, chuyến nào cũng vậy vẫn vẹn nguyên nỗi niềm khi đối diện với số phận không may mắn. “Ngay cả chuyến xe 0 đồng đầu tiên, mình vẫn còn nhớ như in. Bấy giờ, mình trong nghề chạy xe cấp cứu đã 2 năm. Ngoài giờ, mình vẫn thường nhận chạy thêm để trang trải. Cuốc xe ấy từ Chợ Rẫy về Trà Vinh, là một ca bệnh viện trả về, giá xe là 2,2 triệu”, anh nhớ lại.
Chẳng ngờ tới nơi, trước mắt anh là một căn nhà vô cùng ọp ẹp. Anh cũng chẳng ngờ, mình lại phải chứng kiến cảnh người thân vừa xuống xe đã phải tất tả chạy đi gõ cửa từng nhà hàng xóm, xin mỗi người dăm ba chục để trả tiền xe.
“Một người nằm đó hấp hối, đối diện cửa tử. Một gia đình đến cả tiền xe cũng không có để trả. Mình chợt nhận ra mình không khá giả gì, nhưng vẫn còn may mắn hơn họ. Mình quyết định đợi họ gom đủ hàng đống tờ tiền lẻ tẻ, rồi khi họ trả, mình đã đưa trở lại. Coi như là sự giúp đỡ nhỏ nhoi cho gia đình trong cơn khốn khó”, anh bồi hồi kể.
“Chuyến xe nghĩa tình Minh Tâm” ra đời từ đó, là sự sẻ chia anh Nhật dành cho những gia đình bất hạnh, không kham nổi chuyến xe đưa người thân mình về lại quê hương.
|
|
"Chiếc phao cuối cùng cho họ bấu víu..."
Suốt 2 năm qua, hàng trăm "chuyến xe 0 đồng" đã chạy khắp các cung đường, về miền Tây sông nước, qua những chuyến phà, đò vào tận miệt quê nghèo. Thậm chí có chuyến xa hàng trăm hay cả nghìn cây số, ra tận miền Trung, miền Bắc, anh Nhật cũng chẳng ngại.
“Bất kể già, trẻ, bất kể ở đâu và lúc nào, chỉ cần gia đình họ thực sự trong cơn khốn khó là mình giúp. Có gì đâu, bán đất bán nhà mình còn không ngại nữa là”, anh Nhật pha trò.
Ban đầu, anh bán đất mua một chiếc xe để chạy cấp cứu ở BV Tân Bình với dự định chạy ngoài giờ, kiếm tiền trang trải. Chẳng ngờ, “sau chuyến xe 0 đồng” đầu tiên mọi thứ lan tỏa, để rồi như một sứ mệnh, chiếc xe trở thành “phương tiện nghĩa tình”. Số ca cần giúp quá nhiều, anh Nhật cắn răng bán cả căn nhà của mình để mua thêm 1 chiếc nữa, rồi dọn ra ở thuê.
|
|
|
“Ban đầu, mình bị quá tải khi quá nhiều người cần giúp. Có khi vừa cầm chén cơm lên đã bỏ lửng để lái xe đi mấy trăm cây số. Sau này, có vài anh em tài xế khác phụ giúp, mạnh thường quân cũng hỗ trợ kinh phí nhiều hơn. Lúc cần kíp, mình thuê thêm xe ngoài để chở. Dù thế nào cũng cố để không phải từ chối ai giữa lúc ngặt nghèo”, anh bộc bạch.
Giúp người không dễ dàng, nhưng anh Nhật không đơn độc bởi có người bạn đời luôn đồng hành. Chị Trần Thị Minh (35 tuổi) không những không phản đối mà còn là người tiếp nhận thông tin, điều phối tài xế giúp chồng.
“Mỗi khi có trường hợp cần giúp đỡ, mình sẽ ghi nhận thông tin cá nhân. Khi chồng chuẩn bị xe đến bệnh viện hoàn thành thủ tục, mình sẽ lo phần xác minh hoàn cảnh. Nếu ở Sài Gòn, mình sẽ trực tiếp đến, còn ở tỉnh xa, ảnh sẽ nhờ anh em bạn hữu ở địa phương đó đến nhà xác minh và báo lại. Không phải tính toán gì, chỉ là tụi mình đã từng gặp nhiều người có điều kiện nhưng vẫn muốn nương nhờ xe miễn phí. Giúp cũng không sao, nhưng như vậy lại mất một chuyến xe cho người thực sự ngặt nghèo”, chị Minh cho biết.
Chi phí trong khả năng, anh Nhật và chị Minh sẽ giúp ngay. Nếu chi phí lớn mới đăng bài nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Trường hợp không quyên góp đủ, "chuyến xe 0 đồng" vẫn lăn bánh, bằng chính tiền của 2 vợ chồng.
“Có những lần số ca cần giúp đỡ dồn dập, vợ chồng mình mệt đến nỗi muốn buông bỏ. Nhưng cứ nhớ ánh mắt bừng sáng của họ khi nhận được chuyến xe trở về giữa cực cùng tuyệt vọng, mình lại thấy đây là việc phải làm. Chuyến xe như chiếc phao cuối cùng cho họ bấu víu, tụi mình làm sao buông cho được...”, chị bộc bạch.
|
Không chỉ có chuyến xe miễn phí, những gia đình còn được giúp đỡ viện phí, áo quan cho người đã mất,… Không chỉ là tài xế, anh Nhật còn tự tay trang điểm, tẩn liệm xác – công việc ai nghe qua cũng phải rợn người!
“Thuê năm ba người làm lại mất thêm chi phí, mình tự làm để dành số tiền đó trao cho gia đình làm lộ phí, lo ma chay sẽ tốt hơn. Có gì mà sợ, xem trại hòm làm rồi làm theo. Người nằm xuống vẫn là con người, chỉ có điều họ buông bỏ tất cả để nhắm mắt xuôi tay. Mình làm tươm tất cho họ ra đi thanh thản, vậy thôi”, anh Nhật nói.
Đôi khi là giọt nước mắt rơi bởi cái cúi đầu thành ý; đôi khi là cái tay bắt mặt mừng, cảm ơn rối rít; đôi khi là cuốc điện thoại báo tin mọi thứ đã ổn hay chỉ là mấy trái dừa gửi lên từ Bến Tre, mấy túi cà phê gói ghém từ Đắk Lắk... Đó là tất cả những gì anh Minh nhận từ những người được giúp đỡ.
Chỉ vậy thôi, đã đủ để những chuyến xe nghĩa tình của anh Nhật, chị Minh tiếp tục lăn bánh, chở niềm tin về những điều tốt đẹp giữa người với người luôn hiện diện trong cuộc sống này.
Ngoài những chuyến xe thiện nguyện 0 đồng, anh Nhật, chị Minh còn đăng ký hiến xác và hiến mô cho Y học sau khi qua đời. "Chứng kiến quá nhiều số phận bất hạnh trên những chuyến xe, vợ chồng mình nhận ra dù có cố gắng làm lụng, tích cóp của cải bao nhiêu, thì lúc ra đi vẫn chẳng mang theo được gì. Bởi vậy, thứ cho đi mới là thứ còn lại mãi trên đời...", anh Nhật, chị Minh bộc bạch.
|
Bình luận