Tập luyện đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho tim và sức khỏe tổng thể. Ngay cả với những người mắc bệnh tim, phải đối mặt với nguy cơ ngừng tim cao hơn bình thường thì vẫn cần phải tập thể dục, theo Medical Xpress.
“Những người mà tim họ đã bị tổn thương và hoạt động yếu đi thì tập thể dục vẫn rất quan trọng, giúp cải thiện cuộc sống”, ông Elijah Behr, bác sĩ tim mạch tại bệnh viện Mayo Clinic Healthcare (Anh), giải thích.
Điều quan trọng với những người mắc bệnh tim khi tập thể dục là phải cẩn thận, đảm bảo tập luyện một cách an toàn để tránh khiến bệnh tim của họ thêm nặng, bác sĩ Behr nói thêm.
Cần lưu ý gì khi tập?
Tập luyện thể dục phù hợp mang lại nhiều lợi ích cho tim mạch và sức khỏe tổng thể |
SHUTTERSTOCK |
Vấn đề tim mạch đang gặp sẽ quyết định mức độ tập luyện. Ví dụ, nếu một người đang mắc động mạch vành, tức là động mạch của họ bị xơ hóa hoặc tắc nghẽn do mảng bám cholesterol, thì tập luyện quá sức có thể gây đau ngực và tiềm ẩn rủi ro khi tập.
Mặt khác, người mắc bệnh tim nhưng tình trạng của họ không có gì nguy hiểm khi tập, chẳng hạn chỉ bị vấn đề về nhịp tim, thì hoàn toàn có thể tập nhiều và với cường độ cao hơn, bác sĩ Behr giải thích.
Có thể tập những bài nào?
Người mắc bệnh tim có thể tập các bài cardio như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, thậm chí làm vườn cũng là tập luyện. Các bài cardio thực sự tốt cho sức khỏe và tiên lượng của họ. Tuy nhiên, cường độ và thời gian tập phải phù hợp với tình trạng bạn và hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập.
Đặc biệt, với những người mà việc tập luyện có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh tình thì cần phải tránh các môn cường độ cao, đòi hỏi sức bền lớn hoặc có đối kháng.
Cần làm gì để giảm nguy cơ ngừng tim khi tập?
Để tối đa hóa lợi ích tập luyện, giảm nguy cơ ngừng tim thì người bệnh cần tránh tập cường độ quá cao, kéo dài hoặc các môn thể thao đối kháng.
Nếu trong lúc tập mà cảm thấy bị đau tức ngực, khó thở, tim đập mạnh hoặc chóng mặt thì cần phải ngừng tập ngay và đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, theo Medical Xpress.
Bình luận (0)