Người bị tăng axit uric máu nên ăn gì?

Lê Cầm
Lê Cầm
20/10/2022 04:05 GMT+7

Việc sử dụng thực phẩm không lành mạnh có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, gây khó khăn trong điều trị khiến bệnh chuyển nặng

BS CKI Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, nồng độ axit uric trong máu của người khỏe mạnh thường dưới 7mg/dl ở nam, và dưới 6 mg/dl ở nữ.

Nồng độ axit uric trong máu bị rối loạn khi cơ thể bị mất cân bằng giữa nguồn tạo và nguồn thải axit uric, khi nguồn tạo axit uric nhiều hơn nguồn thải sẽ gây tình trạng tăng axit uric máu.

Sự tăng nồng độ axit uric có thể không gây triệu chứng gì nhưng cũng có thể lắng đọng tại khớp và những mô mềm quanh khớp gây ra bệnh gout. Hoặc có thể lắng đọng tại các cơ quan gây ra một số bệnh khác nhau như sỏi thận, sỏi niệu quản, mặt khác tăng axit uric cũng là một yếu tố độc lập làm tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp.

Sự tăng nồng độ axit uric có thể không gây triệu chứng gì nhưng cũng có thể lắng đọng tại khớp và những mô mềm quanh khớp gây ra bệnh gout

shutterstock

Ngoài thuốc điều trị, chế độ ăn của người tăng axit uric máu như thế nào?

Bên cạnh thuốc được chỉ định bởi bác sĩ chuyên ngành, một chế độ ăn cân bằng thích hợp là rất quan trọng để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa.

Nguyên tắc chính trong chế độ ăn của người bị tăng axit uric máu là cần phải giảm nạp thêm các thực phẩm chứa nhiều nhân purin. Purin là hợp chất tự nhiên trong một số loại thực phẩm, purin trong quá trình phân hủy trong cơ thể sẽ tạo ra axit uric, việc nạp vào quá nhiều thực phẩm chứa purin khiến cho cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric gây tăng axit uric máu.

Dưới đây là lưu ý về thực phẩm cho người:

Nhóm 1: Thực phẩm chứa hàm lượng cao nhân purin - nên tránh

- Thịt: gà lôi, chim cút, thịt thú rừng, nội tạng động vật.

- Các sản phẩm thịt lên men, các chế phẩm từ các loại thịt như xúc xích, thịt xông khói,…

- Cá: cá hồi, cá cơm, cá mòi, cá thu, cá trích, cá tuyết và các chế phẩm từ trứng cá như trứng cá muối, trứng cá hồi.

- Hải sản: Tôm hùm, tôm càng, cua, ghẹ, ốc,…

- Đồ uống có cồn các loại: rượu bia,…

- Các thức uống có chất kích thích như nước tăng lực,…

- Nước ép trái cây đóng hộp hoặc chế biến sẵn,…

Nhóm 2: Thực phẩm chứa nhân purin hàm lượng trung bình - có thể dùng nhưng nên hạn chế

- Thịt gia cầm: thịt vịt, thịt gà, ngỗng.

- Thịt bò, thịt cừu, thịt lợn

- Các loại cá sông, cá biển không thịt trắng và không có trong nhóm 1.

- Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm cả bột yến mạch và gạo lức.

- Đậu xanh, đậu phộng, đậu tương, đậu hà lan, đậu phụ, bột đậu nành, hạt điều,…

- Măng tre, măng trúc, măng tây, bạc hà. Nấm các loại như nấm đông cô, nấm kim châm, nấm rơm.

- Các loại nước ngọt và thức uống có gas.

Nhóm thứ 3: Nhóm thực phẩm không chứa hoặc chứa rất ít nhân purin - nên dùng

- Trái cây và rau xanh thường chứa rất ít hoặc không chứa nhân Purin, ngoại trừ các loại trong nhóm 2, gợi ý như chuối, ổi, táo, trái cherry, nho, cần tây, dưa chuột, bí đao, bông cải xanh, cà chua, khoai tây.

- Ngũ cốc, yến mạch, bắp và hạt các loại như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt điều.

- Sữa ít béo hoặc tách béo, các sản phẩm từ sữa.

- Dầu oliu, dấm táo.

- Các thức uống như: nước lọc, nước chanh, trà xanh, nước ép rau củ như thơm, dưa chuột, cà rốt, cần tây.

BS Thủy cho biết việc sử dụng thực phẩm không lành mạnh có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, gây nên những hậu quả không mong muốn hoặc gây khó khăn trong điều trị khiến bệnh chuyển nặng và để lại nhiều di chứng nặng nề.

Do đó, việc nắm vững các nhóm thực phẩm trên, biết cách phối hợp khoa học và chế biến sao cho ngon miệng, đẹp mắt sẽ khiến cho người bệnh dễ dàng chấp nhận chế độ ăn hơn. Phối hợp với vận động thích hợp, từ đó hiệu quả điều trị cũng tốt hơn và được cải thiện tình hình sức khỏe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.