Người cha bị tai biến 30 năm chạy xe từ Bến Tre lên Sài Gòn bán bánh tét

01/04/2021 06:00 GMT+7

Cứ đều đặn mỗi thứ ba, năm, bảy hàng tuần, có một người đàn ông đã gần 60 tuổi luôn chăm chỉ lái xe máy vượt gần 100 km từ Bến Tre lên TP.HCM để bán bánh. Với ông, mỗi ngày có sức khỏe để bán bánh lo cho vợ con đã là một điều hạnh phúc to lớn.

Cứ 5 giờ sáng mỗi thứ ba, năm, bảy ở góc đường Bùi Thị Xuân, người ta lại thấy hình ảnh người đàn ông đứng loay hoay với xe bánh của mình. Chiếc xe nhỏ nhưng chở đủ thứ loại bánh như: Bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh dừa với đa dạng loại nhân từ đậu mặn đến đậu chay, chuối.

Xe bánh của ông Thắng gồm hơn 200 cái bánh với đa dạng loại bánh khác nhau, từ bánh tét lớn, bánh tét nhỏ đến bánh ít, bánh ú,… và đủ các loại nhân từ mặn, ngọt đến nhân chay

ẢNH: NGÔ YẾN

Chủ xe bánh là ông là Võ Văn Thắng (58 tuổi). Hơn 30 năm nay, khách mua hàng vẫn quen gọi ông là Thắng Bến Tre vì nhà tuy ở tận Bến Tre nhưng ông lại đem bánh lên TP.HCM để bán. Ông tâm sự vì cha mất sớm, nhà lại khó khăn nên ông không được học cao. Trước khi đến với nghề bán bánh tét, ông cũng trải qua đủ thứ nghề từ phụ hồ đến ai thuê gì làm nấy. Sau này lấy vợ, ông quyết định theo vợ làm bánh tét đi bán. Thấy vậy, mẹ của ông mới dùng công thức làm bánh được truyền lại từ bà cố để chỉ dạy cho vợ chồng ông.

Xe bánh này cũng là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều khách hàng, trong đó đa phần là người lao động

ẢNH: QUYỀN TRÂN

Bánh của ông rất được lòng khách. Vị bánh không quá ngọt hoặc béo kết hợp với vỏ bánh dẻo và chắc. Bà Nguyễn Thị Tình (Q.1, TP.HCM) đã là khách quen của ông Thắng gần 10 năm nay: “Bánh chú ngon và sạch sẽ lắm. Chú cũng tội nghiệp nữa, từ dưới quê lên đây xa lắc mà còn bán đêm hôm khuya. Được cái chú bán bánh tét ngon, nhiều người mua lắm. Bánh nhân mặn tôi cũng ăn, nhân ngọt cũng ăn, nói chung bánh nhân nào cũng ngon, thấy loại nào cũng ngon hết”.

Bánh của ông Thắng được nhiều khách hàng yêu thích vì độ dẻo thơm, béo mà không ngán.

ẢNH: NGÔ YẾN

Đặc biệt, món bán chạy nhất là bánh tét nhỏ với giá chỉ 10.000 đồng/đòn

ẢNH: QUYỀN TRÂN

“Tất cả là để lo cho gia đình, con cái được đàng hoàng…”

Quê ông Thắng hầu như ai cũng mưu sinh với nghề bán bánh tét. Người ở sát mặt lộ thì mang bánh ra rìa lộ bán cho thực khách xa gần. Còn với những người như ông Thắng, nhà ở tuốt trong vườn thì không còn cách nào khác, mọi người phải tản đi nhiều nơi để bán bánh như ông.
Vì muốn lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn, ông Thắng quyết định bắt xe đò, gánh bánh tét lên TP.HCM để bán. Khoảng thời gian đầu, ông đi bộ dọc theo các con đường, về sau này thì sắm được chiếc xe đạp. Ông kể, ngày xưa khi chưa có cầu Rạch Miễu, mọi người còn qua sông bằng phà. Hôm nào mải bán chỉ kịp bắt chuyến xe cuối về thì ông phải ngủ luôn ở bến phà bên đây, tới sáng mới về vì hết giờ phà chạy. Chiếc xe máy nhỏ này ông mới có được 3 năm nay. Nhờ có nó mà ông tự chủ được thời gian, không lo ế bánh vì sợ hết xe về.

Cơn bạo bệnh vào năm 37 tuổi đã khiến ông Thắng bị liệt 1 nửa bên mặt, tuy nhiên không vì vậy mà ông từ bỏ công việc đã gắn bó suốt 30 năm

ẢNH: NGÔ YẾN

Vì thời gian đầu đi bộ là chủ yếu, lại đi sớm về khuya nên sức khỏe ông Thắng suy giảm nhiều. Đỉnh điểm là vào năm 37 tuổi, ông bị tai biến và phải nằm liệt giường một năm. Ông Thắng chia sẻ: “Thật sự ra bây giờ tôi bị hư hết một mé (bên) mặt rồi. Cái lỗ tai bây giờ điếc luôn đâu có biết gì, còn bên đây thì nghe. Nhiều khi khách gọi mà không nghe. Sau này người ta biết người ta ra đón rồi ngoắc chứ không có kêu nữa. Bây giờ cái gì cái cũng ráng lo thứ nhất là lo gia đình, thứ hai lo cho con cái đàng hoàng đi rồi lúc đó mình nằm xuống cũng vui”.

Vì thương vợ, con tần tảo nên ông cố gắng tập vật lý trị liệu để có thể nhanh trở lại bán

ẢNH: QUYỀN TRÂN

Cứ thứ hai - tư - sáu, ông Thắng sẽ nghỉ ở nhà ngâm gạo, lau lá rồi gói bánh, luộc bánh. Rục rịch đến 1 giờ đêm, ông lại lên đường chở hơn 200 cái bánh đủ loại lên TP.HCM để bán. Ông đi bán khắp thành phố nhưng chủ yếu là ở các đoạn đường như Bùi Thị Xuân, Nam Kỳ Khởi Nghĩa,... Ông nhận đặt hàng và giao hàng miễn phí những nơi gần, những nơi xa hơn thì ông xin thêm một ít tiền xăng.

Hôm nào bán đắt, hết sớm thì 7 - 8 giờ tối ông về đến nhà, hôm nào ít khách, ông cố bán cho hết thì đến tận 1 - 2 giờ sáng hôm sau mới về đến nơi

ẢNH: QUYỀN TRÂN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.