Người cha hạnh phúc nhất thế gian dù 20 năm nằm liệt

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
11/02/2022 08:01 GMT+7

Đánh đổi nhiều thú vui như những đứa trẻ cùng trang lứa ở quê nghèo, Hóa dành cả thời niên thiếu để sáng chế “chân, tay” cho người cha bị liệt toàn thân của mình.

Đến nỗi, người cha ấy cũng phải tự hào mà nói: “Tôi bị liệt gần 20 năm nay nhưng tôi là một người cha hạnh phúc không ai bằng!”.

Hóa vẫn đang miệt mài sáng tạo những thiết bị hỗ trợ người khuyết tật và sẵn sàng tặng nó cho cộng đồng

Sáng tạo từ lòng hiếu thảo

Về thôn Ngô Xá Đông (xã Triệu Trung, H.Triệu Phong, Quảng Trị) trong một ngày mưa đầu tháng 11.2021, người dân chỉ đường cho chúng tôi tới nhà Lê Văn Hóa (27 tuổi), đã không quên dành lời xuýt xoa: “Nếu được bình chọn, tôi sẽ chọn thằng Hóa là cậu trai hiếu thuận nhất cái làng này”.

Kỳ lạ người cha 20 năm nằm liệt sau tai nạn: “tôi thấy quá sướng”

Nhà Hóa nằm trong con hẻm nhỏ trên đường liên thôn, nhìn bên ngoài dung dị như bao ngôi nhà khác ở vùng quê này. Chỉ khi vào sân mới thấy sự khác biệt, kiểu như đó là một công xưởng cơ khí với máy móc hàn, tiện, sắt thép để ngổn ngang… Hóa trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 27 của mình, cái tuổi mà ở quê, có 2 đứa con là chuyện thường. Cậu trắng trẻo, mũi cao, mắt đen… bẽn lẽn không khác gì học sinh cấp 3 khi lần đầu gặp người lạ.

Ước nguyện của em là tiếp tục hoàn thiện sản phẩm chiếc xe lăn này và đưa nó đến với người khuyết tật. Em không muốn giữ chiếc xe này cho riêng mình, vì như thế chẳng giúp được ai cả, ngoài cha mình. Nếu có ai đó có nguồn lực để sản xuất, em sẵn sàng dành sáng tạo này cho cộng đồng...

Lê Văn Hóa, xã Triệu Trung, H.Triệu Phong, Quảng Trị

Hóa kể với tôi rằng 12 năm học phổ thông, cậu chỉ thuộc diện làng nhàng trong lớp, nhưng lại có một niềm đam mê đặc biệt với môn vật lý và kỹ thuật. Niềm đam mê đó, có lý do, khi năm 2002, cha của Hóa là ông Lê Văn Hiếu (nay đã 66 tuổi) gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng, bị liệt toàn thân. “Thấy cha đang khỏe mạnh tự dưng phải “làm bạn” với chiếc giường, em buồn lắm. Khi đó, em chỉ 8 - 9 tuổi, toàn thấy cha nằm bất động mà nước mắt cha vẫn chảy; thấy mẹ gầy guộc thở dốc sau mỗi lần khổ sở dựng cha ngồi dậy... Em đã ước sẽ giúp được cha bước ra khỏi cái giường đó”, Hóa kể.

Giấc mơ tuổi thơ của Hóa đã được cậu bắt đầu thực hiện từ khi bước lên lớp 9, khi đôi tay cậu đủ khỏe để vặn những con vít. “Ban đầu tôi không tin cháu làm được, bởi nhà tôi nhiều đời là nông dân, chỉ biết cầm cuốc…Tôi chỉ xem việc sáng tạo của cháu là tấm lòng của con dành cho cha nên không hề cấm cản, dù biết cháu đổ cả tuổi niên thiếu của mình để mày mò”, ông Hiếu nói.

Thế rồi cậu con út của ông Hiếu đã làm nên chuyện sau hơn 3 năm. Cuối năm lớp 11, Hóa đã trình làng sản phẩm “Xe lăn đa năng hỗ trợ sinh hoạt người khuyết tật” mà người đầu tiên được thụ hưởng là người cha Hóa hết mực yêu thương. Với chiếc xe này, người liệt nặng như ông Hiếu vẫn có thể tự bấm nút điều khiển tiến, lùi, nằm, đứng dậy… thậm chí là đại tiện, tiểu tiện ngay trên xe. Xe chạy bằng pin và mỗi lần sạc có thể sử dụng tầm 10 tiếng đồng hồ.

“Để có chiếc xe lăn như tôi đang ngồi bây giờ, cháu nó đã thất bại nhiều lần. Chiếc xe cũng đã được cải tiến khoảng 13 phiên bản với bao mồ hôi, thời gian của cháu. Từ ngày có xe, tôi hạnh phúc vì đã thoát khỏi góc giường nhàm chán đó, không những đi loanh quanh trong nhà mà còn ra đường, thăm bà con hàng xóm. Người ta từ thương cảm cho tôi thì nay mừng cho tôi vì có đứa con hiếu thảo, tài năng...”, vừa ngồi trên xe “biểu diễn” xoay nhiều vòng dễ dàng, ông Hiếu vừa tự hào khoe.

Hóa với chiếc xe lăn đa năng và hệ thống cần cẩu đưa người khuyết tật từ giường sang xe lăn, đã giúp cha mình không phải buồn bã ngồi mãi trên giường

NGUYỄN PHÚC

Sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng

Với mục đích ban đầu là sáng tạo chỉ để dành cho cha, Hóa không màng việc thi thố. Khi các thầy cô giáo đến nhà thăm ông Hiếu, “choáng” trước chiếc xe lăn của cậu học trò, đã động viên Hóa gửi sản phẩm đi dự thi sản phẩm sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2012. Năm đó, sáng tạo của Hóa đoạt giải nhất toàn tỉnh và giải ba toàn quốc.

Năm 2018, khi vừa tốt nghiệp Khoa Cơ khí Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Hóa đã mang chiếc xe lăn đa năng của mình đến sân chơi lớn hơn, đó là chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỉ. Trước câu chuyện của Hóa, những Shark đình đám như ông Phạm Thanh Hưng (Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CEN Group), ông Trần Anh Vương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư PVG) và ông Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Anh ngữ Apax) đã hết sức xúc động và đồng ý đầu tư 1 tỉ đồng để lấy 34% cho công ty non trẻ của Hóa vừa thành lập. “Họ đầu tư cho em không phải vì lợi nhuận. Em biết điều đó. Sau này, nhân viên của các anh về khảo sát và chuyển vốn cho em hơn 200 triệu nhưng mạch liên kết bị chấm dứt vì thất bại trong việc đưa chiếc xe ra thị trường”, Hóa kể.

Với nỗ lực sáng tạo chiếc xe lăn đa năng, chàng trai hiếu thảo Lê Văn Hóa đã mang lại nụ cười trên môi của người cha bị liệt gần 20 năm của mình

Theo chàng trai này, mặc dù đã làm và bán đi hàng chục chiếc xe với giá chỉ 12 - 14 triệu đồng (rẻ hơn rất nhiều so với thị trường), nhưng nếu tính lợi nhuận... thì thất bại. Theo Hóa, do yêu cầu của người khuyết tật rất cao, mỗi người có những khuyết tật khác nhau nên cần tinh chỉnh chiếc xe cho phù hợp. Trong khi, điều kiện kinh tế của người khuyết tật lại khó khăn, với họ số tiền mười mấy triệu đồng là số tiền lớn…

“Ước nguyện của em là tiếp tục hoàn thiện sản phẩm chiếc xe lăn này và đưa nó đến với người khuyết tật. Em không muốn giữ chiếc xe này cho riêng mình, vì như thế chẳng giúp được ai cả, ngoài cha mình. Nếu có ai đó có nguồn lực để sản xuất, em sẵn sàng dành sáng tạo này cho cộng đồng…”, Hóa tâm sự.

Lời hứa đầy hào sảng của chàng trai hiếu thảo, mong sẽ được nhiều nhà hảo tâm lưu ý, bởi ngoài chiếc xe lăn đa năng, nhiều năm qua, Hóa cũng đã mày mò làm xong hệ thống cần cẩu đưa người khuyết tật từ giường sang xe lăn, hệ thống bàn ăn uống thông minh hỗ trợ người khuyết tật…

27 tuổi, chưa vợ, hiện đang làm chủ một tiệm sửa xe máy ở trước cổng Trường THPT Vĩnh Định, công việc mà Hóa bảo “lấy ngắn để nuôi dài”, chàng trai hiếu thảo vẫn đang hằng ngày đổ tâm sức sáng tạo những thiết bị để người cha già của mình có thể sinh hoạt gần giống người bình thường. Xa hơn, cậu muốn những người khuyết tật được trải nghiệm như cha mình, dù có thể họ không có đứa con hiếu thảo, mê sáng tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.