Báo cáo của Bộ Tài chính về thị trường giá hàng hóa trước và trong tết (đến mùng 2 tết) cho biết, tại các địa phương, những ngày sát tết giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 3 - 5% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định, lượng cung dồi dào.
Bộ Tài chính cho biết giá thực phẩm ngày tết có tăng giảm đan xen nhưng không có sốt giá |
M.P |
Giá thực phẩm tươi sống ổn định trước tết do nguồn cung dồi dào và mức giá tương đối ổn định hoặc tăng giá nhẹ. So với ngày thường, giá thịt bò tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy từng thị trường địa phương do nhu cầu tăng; giá gà sống tăng khoảng 10.000 - 30.000 đồng/kg.
Riêng giá các loại hoa quả nhập khẩu tăng nhẹ từ 10 - 15% tùy từng loại so với ngày thường do nhu cầu cúng tết cũng như phục vụ quà tặng. Song song đó, các sản phẩm như đường, dầu ăn, nước mắm ổn định do nguồn cung lớn, nhiều loại hàng Việt đã có thị phần lớn so với các năm trước; giá các loại bia, rượu và nước ngọt năm nay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do lượng hàng trong các siêu thị, cửa hàng rất dồi dào...
Bộ Tài chính nhận định, nhu cầu mua sắm năm nay giảm hơn so với các năm trước do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình phải cân nhắc chi tiêu ngày tết. Đồng thời người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm chi tiêu hợp lý trong dịp tết, không còn tâm lý tích trữ đồ ăn vì một số siêu thị, đặc biệt là các trung tâm thương mại lớn mở cửa xuyên tết, một số tiểu thương đã mở hàng từ ngày mùng 2 tết. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhìn chung giá cả thị trường tết tại các địa phương có tăng giảm đan xen, nhưng không có đột biến, sốt giá.
Theo quy luật hàng năm, từ ngày mùng 3 tết như mọi năm thị trường sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại. Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.
Bình luận (0)