Ra đồng là có thức ăn qua ngày
Chốn miền quê ở phía Tây thuộc H.Hoà Vang, TP.Đà Nẵng vốn được biết đến là chốn yên bình, nơi những người thành phố thường hay lui tới tận hưởng cảnh làng quê sau một tuần làm việc vất vả. Những ngày này, nơi đây trở nên yên ắng bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Người dân gắn bó với ruộng đồng đang nỗ lực chấp hành quy định phòng dịch.
Ngày 6.8, trong bộ đồ bảo hộ nóng nực, đi theo lực lượng hậu cần tiếp viện cho khu phong toả thôn Lệ Sơn Nam (xã Hoà Tiến, H.Hoà Vang - địa phương đến nay đã có 7 ca dương tính với Covid-19), PV Thanh Niên len lỏi các con đường bê tông sâu hun hút, rợp bóng tre xanh dẫn vào thôn Lệ Sơn Nam. Nghe tiếng xe kéo ì ạch chạy vào tiếp viện thực phẩm, người dân nơi đây mang khẩu trang đứng nhìn. 4 ngày qua khu vực phong toả không có phương tiện nào qua lại ngoài xe của lực lượng phòng chống dịch.
|
Ôm bó rau muống trên tay, tiến lên con đường bê tông giữa cánh đồng để quay trở về nhà, lão nông Đặng Văn Khanh (75 tuổi, trú tổ 1 thôn Lệ Sơn Nam) cho biết, từ ngày cả xóm bị phong tỏa, tờ mờ sớm ông Khanh đã đi làm việc đồng áng. Mục đích ra đồng sớm để tránh tiếp xúc với mọi người. Hơn nữa, những đám rau muống, hoa màu giờ là nguồn thực phẩm của cả gia đình.
“Ở miền quê không thiếu thực phẩm, cứ ra đồng là có rau, có quả để ăn qua ngày. Gần đây được chính quyền tiếp viện thường xuyên, chúng tôi rất cảm kích. Tuy nhiên chúng tôi để dành những thực phẩm đó, không lãng phí, vẫn ra đồng cắt rau về ăn. Còn có thể tự túc được thì tự lo cái ăn, để chính quyền còn lo chống dịch ở bên ngoài”, ông Khanh nói.
Ông Khanh cho biết trước những khó khăn thì sự đoàn kết một lòng của người dân lại trổi dậy. Những ngày này, người dân tại thôn Lệ Sơn Nam không ai bảo ai câu nào, họ cứ thế thực hiện tốt quy định nơi phong toả, đó cũng là đóng góp chung tay cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Tin tưởng sớm đẩy lùi dịch bệnh
Nghe tiếng xe chuyển hàng tiếp viện, vội ra mở cổng nhận thực phẩm, chị Nguyễn Thị Khánh Hiền (40 tuổi, trú tổ 1 thôn Lệ Sơn Nam) cho biết từ ngày có lệnh phong toả, gia đình chị ý thực được chính quyền đang thực hiện những gì tốt nhất cho sức khoẻ của người dân. Người dân ở khu vực phong tỏa thực hiện tốt quy định theo tuyên truyền của cán bộ phòng chống dịch để một lòng chung sức cùng bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
|
|
“Không thể ra ngoài, cả gia đình ngày nào cũng theo dõi thông tin thời sự, thấy mọi người khắp nơi hướng về giúp đỡ Đà Nẵng, không thể làm gì trong lúc này, chúng tôi tự nhủ thực hiện tốt quy định, để những người làm công tác phòng chống dịch bớt khổ đó đã là góp phần cho đất nước rồi. Nhận hàng tiếp tế trong lúc này, chúng tôi vô cùng xúc động. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua khỏi, để những người đang chống dịch được quay trở về nhà”, chị Hiền nghẹn ngào.
Bà Trần Thị Mỹ Hà (54 tuổi, trú thôn Lệ Sơn Nam) cho biết dịch bệnh ập đến bất ngờ khiến bà không có thời gian chủ động trữ lương thực, bà Hà đã gọi điện các con chuẩn bị thực phẩm tiếp viện cho mình.
“Khi chưa nhận được hàng tiếp viện từ chính quyền, tôi đã gọi các con mang thực phẩm đến để ở hàng rào phong tỏa rồi ra nhận. Cuộc sống không có gì thay đổi, tôi ý thức ở nhà là bảo vệ chính mình. Mong rằng dịch bệnh qua khỏi, sẽ quay lại cuộc sống vui vẻ bình thường”, bà Hà chia sẻ.
|
Đối với ông Đặng Ba (60 tuổi, trú thôn Lệ Sơn Nam), những ngày phong toả không có gì khác lúc bình thường, cuộc sống của người nông dân chân quê vẫn bận rộn với việc đồng áng. Ông Ba tất bật đốn gốc tre già trước ngõ để dựng lại hàng rào đã hư hỏng. Tranh thủ lúc con cái ở nhà, mấy cha con đã cùng nhau sửa lại hàng rào quanh nhà, gia đình quây quần bên nhau có gì ăn nấy, mong rằng dịch bệnh qua đi cả xã hội quay lại cuộc sống bình thường.
“Ở nhà có đàn gà, bắt 1 con lấy thịt ăn vài bữa, rồi tranh thủ ra đồng vào sáng sớm cắt rau về ăn nên cuộc sống của gia đình vẫn ổn định. Nhận được quà tiếp viện, chúng tôi xúc động và tin tưởng rằng dịch bệnh tại Đà Nẵng sẽ sớm được đẩy lùi”, ông Ba tâm sự.
Bình luận (0)