Mới đây, cử tri tỉnh Khánh Hòa kiến nghị tới Bộ Công an về việc triển khai các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân của người dân trong quá trình triển khai đăng ký định danh điện tử.
Đánh cắp thông tin cá nhân, nguyên nhân từ đâu?
Bộ Công an cho hay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế và triển khai đảm bảo theo yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4, với các hệ thống giám sát, bảo vệ nhiều tầng nấc 24/24 giờ.
Cùng với đó, các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn được thực hiện nghiêm ngặt, xuyên suốt từ T.Ư cho tới cấp xã; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đều được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ, bảo đảm an ninh, an toàn mới kết nối.
Chưa kể, quá trình thu thập định danh của người dân thực hiện theo một quy trình khép kín. Dữ liệu được thu thập tại các địa điểm do công an địa phương bố trí, trên các thiết bị đã được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an kiểm tra; việc chuyển dữ liệu định danh thực hiện qua đường truyền riêng biệt của Bộ Công an, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, giải pháp của Ban Cơ yếu…
"Dữ liệu thông tin cá nhân của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ chặt chẽ và chỉ được khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật", Bộ Công an khẳng định.
Bộ Công an sẽ xử lý mạnh tay nạn mua bán thông tin cá nhân
Chia sẻ với lo lắng của cử tri về nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, Bộ Công an nhận định tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ sự chủ quan của cá nhân khi tham gia các giao dịch (như mua bán hàng...) tự nguyện cung cấp các thông tin cá nhân của mình, trong khi bên nhận thông tin không có sự bảo quản chặt chẽ. Cá biệt có trường hợp cung cấp thông tin cho bên thứ ba dẫn đến lộ, lọt thông tin.
Vì vậy, Bộ Công an đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình; hạn chế chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân nếu không thực sự cần thiết; khi phát hiện thông tin cá nhân của mình bị lộ lọt, đánh cắp, cần trình báo với cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Lên danh sách các đối tượng có biểu hiện mua bán thông tin cá nhân
Vẫn theo Bộ Công an, tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng, đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Để ngăn chặn, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2023 quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc ban hành nghị định này đã thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm kế thừa văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bí mật cá nhân, thông tin cá nhân, quyền riêng tư; cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa lộ, lọt thông tin cá nhân.
Bộ Công an sẽ đưa ra cảnh báo về các hành vi, phương thức, thủ đoạn thu thập thông tin cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân để nâng cao ý thức cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân của người dân.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách, quản lý các đối tượng có biểu hiện mua bán, sử dụng thông tin cá nhân trái phép; kịp thời điều tra, đề nghị truy tố, xét xử công khai đối với các vụ án đã được phát hiện.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 22.12
Bình luận (0)