Người đàn ông cả đời tìm em gái thất lạc trên chuyến tàu ở ga Ninh Bình

Hoài Nhân
Hoài Nhân
12/11/2019 12:12 GMT+7

Hàng chục năm qua, ông Bình vẫn luôn mong mỏi tin tức về cô em gái thất lạc ở ga Ninh Bình năm xưa. Cứ mỗi lần nhắc về em, ông lại buồn và khóc, bởi đáng ra ông phải là chỗ dựa vững chắc cho cô...

Anh em bơ vơ khi bố mẹ qua đời thời chiến tranh

Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức của ông Lê Văn Bình (SN 1958, họ tên và năm sinh theo giấy tờ tùy thân mới, được ba mẹ nuôi đặt) vẫn còn mãi hình ảnh của cô em gái nhỏ tên Tuyết, trước khi chuyến tàu rời đi, bỏ lại ông ngồi tuyệt vọng gào khóc ở một góc sân ga…
Cứ mỗi lần nhắc về câu chuyện năm ấy, ông Bình lại không giữ được bình tĩnh và bật khóc. “Mấy chục năm rồi, nhưng lần nào cũng vậy. Coi chương trình tìm người thân, hay ai trong gia đình nhắc về em gái, bố mình lại buồn tủi, khóc và thức trắng cả đêm. Ông rất mong mỏi tìm lại em thất lạc, nhưng tất cả giấy tờ, tên tuổi đều gần như là con số không. Cả nhà mình cũng rất muốn giúp ông, nhưng không biết phải làm thế nào với những manh mối mong manh”, anh Lê Văn Giang (SN 1989, con trai ông Bình) chia sẻ.
Không tiện khơi dậy câu chuyện tìm em gái thất lạc từ trực tiếp ông Bình, PV Thanh Niên phải trao đổi với người thân của ông. Tất cả dữ kiện, manh mối về em gái đã được ông Bình lặp đi lặp lại với vợ và các con nhiều lần. Ông Bình hiện có vợ là bà Đinh Thị Sông (SN 1958) và 4 con đều đã có gia đình, công việc ổn định.

Ông Bình, vợ chồng con trai thứ hai và bà Sông

NVCC

“Theo lời kể của ông, biến cố xảy ra khi ông khoảng 7 - 8 tuổi. Do còn quá nhỏ và còn thời chiến tranh loạn lạc, nên mọi thứ khá mơ hồ. Ông cùng em gái sống cùng mẹ, ở vùng quê có thể là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Còn bố thì ông nghe mẹ nói đã mất. Khoảng trước năm 1975, mẹ ông không may qua đời khi làng mạc bị tàn phá bởi bom đạn. Bà được dân làng quấn chiếu, đốt đuốc mang đi chôn”, bà Sông thuật lại.
Không còn mẹ, không còn nhà cửa, hai anh em ông phải lang thang. Sau khi người ta đưa xác mẹ đi, ông Bình cũng dắt tay em gái đi. Bấy giờ em gái ông cũng chỉ mới 3 - 4 tuổi.

Em gái 'biến mất' ở sân ga

Trong ký ức của ông Bình, hành trình bắt đầu băng qua một cánh đồng khoai lang, ra đến đường ray xe lửa, nhưng không qua được đường ray vì cách một con rạch. Sau khi đi dọc con rạch khoảng một cây số, hai anh em mới bắt gặp một cái cây to bị ngã ngang sông, vô tình bắc cầu qua bờ bên kia.
Bà Sông kể tiếp câu chuyện mà chồng bà hay nói với cả gia đình: “Ông ấy lại tiếp tục dắt em gái đi qua phía đường ray, sau đó đi dọc theo đường ray một đoạn rất xa. Có lúc em gái quá mỏi chân, ông ấy còn cõng cô ấy đi. Cuối cùng thì đến được ga Ninh Bình. Thấy mọi người lên tàu, ông kéo tay em lên theo. Trên khoang, ông ngồi cùng một chú bộ đội và một người phụ nữ khác”.
Người phụ nữ có vẻ là người đi buôn, mang một túi bánh rất to, lộ cả ra ngoài. Do đói bụng, em gái ông Bình đưa tay rút bánh ăn thì bị người phụ nữ này khẽ vào tay, ngăn lại. Chú bộ đội ngồi chung thấy thế mới hỏi thăm ông Bình. Sau khi nghe câu chuyện, chú bộ đội ngỏ ý xin ông Bình mang đứa em gái về nuôi.
“Cũng không rõ chú bộ đội đùa hay thật, nhưng thương em gái, ông Bình nhất quyết không chịu. Thấy em gái ông đói, chú bộ đội đã lấy tiền đưa cho ông, nói ông xuống mua đồ ăn cho em. Ông cầm tiền xuống ga đi mua đồ ăn. Đến lúc quay trở lại khoang thì không thấy ai trong khoang nữa”, bà Sông nói.

Biết bao năm tháng đã trôi qua, ông Bình đã ổn định với cuộc sống mới bên con cháu. Nhưng ký ức về sân ga định mệnh nơi em gái rời xa ông vẫn khiến ông bật khóc mỗi khi nhớ về...

NVCC

Hốt hoảng, ông Bình chạy xuống ga tìm kiếm nhưng không thấy. Sợ mình nhớ nhầm khoang, ông Bình lao lên tàu tìm kiếm lần nữa nhưng vẫn không thấy em gái đâu. Sợ em đã xuống sân ga, ông tiếp tục nhào xuống sân. Khi ông đang cố gắng gọi và tìm em thì tàu bắt đầu lăn bánh, rời ga. Ông không kịp lên tàu, nên ở lại và… mất em gái từ đó.
“Ngoài tên mình là Bình, tên em là Tuyết, ông không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân hay biết gì về địa danh quê mình. Ông ngồi khóc cả ngày cả đêm ở ga Ninh Bình thì mới có một người đàn ông đến dỗ dành, đưa về nhà. Người thân của nhà này không đồng ý nuôi, nên nói với nhà hàng xóm là ông Lê Văn Sầm (ngụ thôn Lãng Nội, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ông Sầm chỉ có 4 cô con gái, nên quyết định mang ông Bình về làm con trai nuôi”, bà Sông kể.
Được ông Sầm cưu mang, ông Bình bắt đầu cuộc sống mới, lập gia đình và sinh con đẻ cái. Bà Sông làm nông, phụ hồ, còn ông rời quê vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề đạp xích lô. Tích cóp từng đồng, vợ chồng ông nuôi 4 con ăn học nên người, học hết cấp 3 thì lần lượt vào Sài Gòn học cao đẳng, đại học và nay đã trở thành kỹ sư, bác sĩ,…
“Nhưng dù cuộc sống có ổn định đi chăng nữa, bố mình vẫn chưa bao giờ ngừng quên chuyện cũ. Ông vẫn luôn trăn trở về em gái – người mà đáng lẽ ông phải vừa là một người anh, vừa là một người cha, người mẹ chở che, chăm sóc. Bởi chỉ còn ông là chỗ dựa duy nhất cho cô ấy…”, anh Giang chia sẻ và hy vọng phép màu sẽ giúp bố anh tìm lại được người em gái thất lạc.
Hiện ông Bình đang tạm trú ở khu phố 5, P. Tân Hưng Thuận, Q.12, TP. HCM. Ai có thông tin về em gái thất lạc của ông Bình, vui lòng gọi về số 0888743589 (gặp anh Giang, con trai ông Bình). Gia đình xin cảm tạ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.