Chưa cắt rốn đã bị bỏ trong túi ni lông, chó tha đi
Con không biết chính xác mình đã nằm trong bụng mẹ bao lâu, chỉ biết con rất yếu ớt, chưa hề sẵn sàng đến với thế giới bên ngoài. Nhưng mẹ có vẻ không ổn, nên một buổi sáng, con cựa mình, cất tiếng khóc chào đời.
Như bao đứa trẻ khác, con nôn nao, biết mình sẽ gặp mẹ, gặp cha. Nhưng ánh sáng bên ngoài làm con đột ngột chói mắt, rồi tất cả nhòe mờ. Hình như không có cô chú bác sĩ, y tá nào. Con nhanh chóng bị bỏ vào một chiếc túi ni lông đen tối om như mực. Con đang ở đâu?
|
Có tiếng chó gầm gừ bên ngoài. Con cảm nhận chiếc túi bị lôi đi rất xa, dằn xóc làm con đau. Con khóc rất nhiều. Đột nhiên, có tiếng người í ới: “Con chó tha con mèo trong bọc kìa, chọi nó đi để tội”. Con chó bị đuổi đi, chiếc bọc đựng con rớt lại, rồi được mở ra. “Không phải con mèo, là em bé. Còn sống, đưa đi cấp cứu gấp”, tiếng người tiếp tục xôn xao.
Đó là tiếng cha Lâm, cha Phúc và những cô chú trong mái ấm Phúc Lâm, nơi của những đứa trẻ chào đời không cha không mẹ. Riêng con, còn không thấy cả ánh sáng...
Cha Lâm mang con đi cân, vỏn vẹn 700 gram. Sinh non, hơi thở yếu ớt, chẳng ai nghĩ con có thể sống tiếp. Con cũng chẳng thiết sống khi không còn cha mẹ bên mình. Nhưng trước khi vào hấp lồng kính, con nghe cha Lâm thì thầm bên tai: “Cố gắng lên, con còn có cha”. 3 chữ "còn có cha" như một động lực lớn lao để con hiểu mình không cô độc. Bằng tất cả sức lực còn lại, con cố giữ lấy hơi thở cho mình. 3 tháng đều đặn bú, ngủ, con xuất viện trở về “nhà”.
Trước khi đi, bác sĩ dặn với cha Lâm, 1 năm sau hãy mang con quay lại đây để thử nhỏ vào mắt 2 giọt thuốc. Nếu nó tụ lại, con có hy vọng mổ mắt nhìn thấy cuộc đời, và ngược lại.
|
|
|
Ngày cha Lâm ẵm con trở lại, 2 giọt thuốc lạnh ngắt rơi vào mắt. Con nghe bác sĩ nói lớn: “Tụ rồi! Còn hy vọng”. Cha Lâm ôm chầm lấy con, người ướt đẫm. Hình như cha hồi hộp lắm. Rồi cha khóc. Con cũng khóc. Chẳng máu thịt ruột rà, vậy mà cha thương con đứt từng đoạn ruột.
Gom góp tiền của mình và được ai đó từ bi giúp đỡ, cha Lâm cho con đi mổ. Con đã nhìn thấy ánh sáng cuộc đời dù vẫn còn hơi mờ mờ. Nhưng cha nói chỉ 1 vài lần mổ nữa, con sẽ khỏi.
Những đứa trẻ mồ côi, phải tự lập từ trong nôi
Mới đó đã 1 năm 6 tháng con được chở che trong “nhà”, sống với gần trăm anh chị em khác. À quên chưa nói, con là Nguyễn Hoàng Phúc Hậu. Ngày cha Lâm làm khai sinh cho con, cha nói “hậu” để mong con luôn là một cô gái hiền hậu và sau này sẽ có một cuộc đời thật là có hậu.
Trong "nhà" con còn có anh Nhân, cũng bị bỏ trước cửa. Con nghe mấy cô kể, chiều cha Lâm đi làm về, thấy anh trong cái giỏ để ngoài bụi chuối. Lúc cha mang anh vào, không một ai dám nhìn hết. Anh không có mắt, mũi, miệng, chỉ có một lỗ sâu hoắm giữa mặt, không giống một… con người. Anh không ăn uống được, phải nhờ cái ống truyền đút sâu vào bụng. 1 tuổi, anh mới được đoàn từ thiện đưa đi phẫu thuật. 3 ca mổ rồi, nhưng hình hài vẫn chưa tròn vẹn. Tội anh lắm, lớn hơn con một tuổi, nhưng vẫn phải nằm trong cái nôi gỗ như các em sơ sinh…
|
|
|
|
Em Khánh cũng vậy nữa, bị bỏ lăn lóc trên chiếc khăn trước cửa nhà, khóc um sùm giữa trời trưa nắng. Mới hôm nào cha nhặt vào còn đỏ hỏn, nay đã 8 tháng tuổi rồi. Mà em bị gì ngộ lắm, nằm suốt trong viện. Nghe cha Lâm nói, em như con rùa, chỉ có thể nằm sấp hoặc nằm ngửa vì bộ xương dẹp lép. Phải chi con được đưa vào thăm anh. Nhưng cha và các cô chú bận lắm, phải chăm anh em tụi con mà, cực trăm bề.
Để con kể thêm về em Hiệp, hôm cha Lâm nhặt em mới khoảng 1 tháng tuổi. Đưa đi cấp cứu trong bệnh viện, phát hiện có một vết mổ dài trên bụng sắp lành. Bác sĩ kiểm tra, em bị thiếu 1 quả thận, 1 túi mật, nửa lá gan, sức khỏe suy kiệt. Con nghe mà rùng mình, hình dung về một tội ác nào đó đã hành hạ cơ thể em rồi vứt đi, vậy mà sức sống vẫn vô cùng mãnh liệt.
Mãnh liệt như em Nghiêm, nay đã khỏe mạnh dù hôm được cha Lâm nhặt ngoài bờ mả, rốn em nhiễm trùng gắp ra tận mười mấy… con giòi! Và nhiều anh chị em khác nữa, tất cả chúng con đều mạnh mẽ như thế. Dù tụi con không được ẵm bồng, chăm bẵm như các bạn có cha có mẹ khác. Có đòi bồng thì cũng khóc mãi rồi tự nín. Cha Lâm, cha Phúc và cô chú thương lắm, nhưng ẵm làm sao hết 90 đứa tụi con!
Cho nên, những đứa trẻ mồ côi, phải tự lập từ trong nôi đấy ạ!
|
|
|
'Về đây đều là con cha, là anh em một nhà'
Mỗi anh chị em tụi con là một số phận, kể chẳng biết bao giờ cho hết. Nên con sẽ kể câu chuyện đặc biệt nhất về cha Lâm, chuyện cha “vào 1 ra 3”.
“Nhà” con có em Tuấn, cũng bị bỏ trước cửa hồi 3 tháng tuổi, nhưng ghê lắm, trong tình trạng mê man vì ngấm thuốc. 2 cha tức tốc đưa vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. 7 giờ tối, khi cha Phúc ẵm em vào cấp cứu, cha Lâm đứng ngoài thì có một người phụ nữ hớt hải đưa cha đứa bé nhờ ẵm giùm, họ đi lấy đồ rồi quay lại.
Cha Lâm đứng đó, đợi mãi đợi mãi chẳng có ai. Thế là nhà con có thêm em Thông. Khi kiểm tra sức khỏe, giở chiếc khăn quấn ra thấy em như con bạch tuộc, đầu to, chân tay teo tóp, phải hấp lồng kính như con.
|
Chưa hết, chỉ 3 bữa sau, khi cha đang ngồi ở khuôn viên bệnh viện, một người phụ nữ đến khóc không ngừng. Cô biết cha nuôi trẻ, nên tìm cha. Cô nói trong nước mắt, rằng chồng cô bị tai nạn mất, còn cô, bàng hoàng phát hiện mình bị ung thư thời kỳ cuối, còn con gái 2 tuổi cô không biết làm sao. Cha trấn an cô, nói sẽ chăm sóc bé, cô yên tâm chữa bệnh, bao giờ ổn cứ đến nhận lại. Nhà con lại có thêm chị Diễm. Là vậy đấy, cha Lâm vào chăm 1, khi về lại ra 3!
Nhưng không ai chống lại được số mệnh, mẹ chị Diễm ra đi… Từ một cô gái khỏe mạnh, chị đột nhiên trầm cảm, đôi khi cầm một món đồ ngồi bất động hàng giờ. Cha Lâm nuôi chị trong bệnh viện hơn năm ròng, nhưng chị cũng dần suy kiệt, và… nhắm mắt đi theo cha mẹ mình.
Cả “nhà” con buồn lắm. Không cùng mẹ cùng cha, nhưng cha Lâm luôn thủ thỉ với tụi con: “Tất cả các con, về đây thì đều là con cha, là anh em một nhà. Tụi con phải đùm bọc, yêu thương nhau. Một ngày cha không còn nữa, tụi con phải nương tựa nhau mà bước tiếp”.
Và con vẫn đang bước tiếp, trên con đường có cha, có anh chị em một nhà. Những ngày phía trước sẽ tươi sáng và không hề cô độc, như lúc con chào đời mà không thấy mẹ cha...
|
|
Từ đứa trẻ đầu tiên nhặt ngoài bãi rác, ông Nguyễn Văn Lâm (47 tuổi) tiếp tục cùng ông Phúc (em trai) cưu mang hàng chục đứa trẻ khác suốt hơn 11 năm nay, lập nên Mái ấm tình thương Phúc Lâm (ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Hiện mái ấm đang cưu mang 90 trẻ bị bỏ rơi, trong đó có 38 trẻ sơ sinh, 52 trẻ từ 2 – 14 tuổi.
"Xuất phát từ cái tâm của mình, ông Lâm đã nuôi, dạy hàng loạt trẻ mồ côi trên địa bàn. Phía chính quyền địa phương luôn theo dõi sát sao, ưu tiên hỗ trợ pháp lý đảm bảo quyền lợi, bù đắp tổn thất tinh thần cho các cháu. Đồng thời, những dịp lễ Tết cũng tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần ông Lâm tiếp tục việc làm nhân văn này", ông Đặng Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Long An, cho biết.
|
Bình luận (0)