Khi ngang qua QL1, từ trên cầu Quán Hàu nhìn về phía đông dòng sông Nhật Lệ, hành khách sẽ thấy một cồn đất lớn.
Khám phá doi đất nằm giữa dòng Nhật Lệ
Cồn đất này có tên gọi là cồn Quán Hàu, người dân địa phương thường gọi là cồn soi hay cồn nổi. Cồn đất gắn liền với nhiều người dân thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Vợ chồng bà Đỗ Thị Hồng là hộ gia đình duy nhất cất nhà và sinh sống trên cồn Quán Hàu. Ngày xưa, đất chỉ bằng 2/3 diện tích của cồn soi bây giờ, chính vì được phù sa sông Nhật Lệ bồi đắp đã giúp cho cồn ngày càng kéo dài và mở rộng.
Bà Hồng từng canh tác, sinh sống và chứng kiến sự thay đổi của cồn Soi hơn hàng chục năm qua. Cầu Quán Hàu cũ cũng đã được xây dựng từ lâu, nối từ bờ Bắc đến cồn; nếu muốn qua bờ Nam phải di chuyển tiếp một đoạn cầu phao dài khoảng 200 m.
Cũng theo người dân địa phương, cồn Quán Hàu là đất canh tác của hơn 10 hộ dân, trong đó, đất ở cồn được chia làm 2 phần, phần làm nông nghiệp, phần làm ngư nghiệp. Từ thời cha ông, cồn Quán Hàu là rừng ngập mặn gồm nhiều cây lớn bao phủ và có rất nhiều cua, cá. Về sau, do sự tác động của con người và sự biến đổi khí hậu đã khiến cho rừng ngập mặn dần mất đi.
Hiện nay, người dân ở thị trấn Quán Hàu vẫn chăn thả gia súc, nuôi trồng thủy sản ở cồn soi. Cồn soi không chỉ là tuổi thơ, ký ức của người dân thị trấn Quán Hàu trong những ngày kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà còn là điểm check–in du lịch của du khách khi đến với tỉnh Quảng Bình.
Bình luận (0)