Người dân TP.HCM khổ sở vì nắng nóng dai dẳng

Chí Nhân
Chí Nhân
26/08/2024 06:17 GMT+7

Dù đang giữa mùa mưa, chỉ trong vòng 20 ngày của tháng 8, có đến 12 lần nhiệt độ khu vực Nam bộ và Tây nguyên vượt giá trị lịch sử. Không khí oi bức, ngột ngạt, nắng nóng là cảm nhận của hầu hết người dân TP.HCM hiện nay.

TP.HCM nóng kỷ lục gần 36 độ C

"Sao bữa giờ trời ít mưa thế? Vì sao mấy hôm nay nóng nhiều vậy? Vì sao nắng gay gắt thế? Có phải mùa mưa đã kết thúc?"… là những câu hỏi của nhiều người dân TP.HCM hiện nay. Bởi dù vào mùa mưa đã lâu nhưng không khí oi bức, ngột ngạt, nắng nóng vẫn tiếp diễn. "Dọa mưa" thì nhiều nhưng mưa thì ít. Khảo sát bỏ túi của chúng tôi với nhiều người đều cho cảm nhận chung về mùa mưa năm nay là mưa ít, nóng dai.

Người dân TP.HCM khổ sở vì nắng nóng dai dẳng- Ảnh 1.

TP.HCM và nhiều tỉnh thành Nam bộ ghi nhận nhiệt độ vượt kỷ lục trong tháng 8

Ảnh: Nhật Thịnh

Chị H.K (Q.4, TP.HCM) chia sẻ chị thường dậy từ 4 giờ 30 - 5 giờ hằng ngày để tập thể dục. Ngay giữa mùa mưa nhưng vừa bước chân ra khỏi phòng máy lạnh lúc sáng sớm đã cảm nhận không khí oi bức. "Tôi chỉ vung tay khởi động vài cái là mồ hôi nhễ nhại. 6 giờ sáng quay về là mặt trời đã lên cao. Sau đó là nắng nóng kéo dài tới chiều tối. Vào mùa mưa đã lâu mà tiền điện nhà tôi giảm không bao nhiêu so với lúc nắng nóng kỷ lục hồi tháng 5, tháng 6 vì vẫn bật máy lạnh suốt mới chịu được", chị H.K chia sẻ.

Chị Minh Anh, một người từ quê nhà đến TP.HCM sinh sống đã hơn 20 năm, nhận xét: Những ngày gần đây trời ít nắng nhờ có mây đen xuất hiện thường xuyên. Tuy nhiên, gió nổi lên một chút, tưởng sắp mưa rào đến nơi thì lại mất hút. Hoặc có bữa mưa thì ngắn ngủi, chỉ khiến không khí thêm ngột ngạt. "Mùa mưa năm nay dọa thì nhiều, mưa thì ít", chị Minh Anh nói.

Người dân TP.HCM khổ sở vì nắng nóng dai dẳng

Đó cũng là cảm nhận của chị Ngọc An, ngụ Q.Bình Thạnh. "Đang mùa mưa mà nhiệt độ ngoài trời lúc nào cũng 33 - 34 độ C. Bọn trẻ nghỉ hè ở nhà nên 2 cái máy lạnh hoạt động thường xuyên hơn. Tôi cũng ý thức tiết kiệm và bảo vệ môi trường nên ban ngày chỉ mở từ 11 - 16 giờ và buổi tối trước khi đi ngủ. Nhưng tắt máy lạnh là không thể ngủ nổi. Năm nay nóng hơn những năm trước khá nhiều. Chiều chiều tôi hay ra bờ kè kênh Nhiêu Lộc đi dạo mà gần đây không thấy một tí gió. Ngược lại hơi nóng từ bê tông, nhựa đường, xe máy cứ như phà vào người, rất khó chịu", chị An cho hay.

Cảm nhận của người dân TP.HCM là có cơ sở. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tại TP.HCM, trong tháng 8.2023 nhiệt độ ghi nhận mức lịch sử là 35,5 độ C thì đến ngày 15.8 năm nay đã có mốc lịch sử mới là 35,8 độ C. Ngoài TP.HCM, ở Nam bộ còn ghi nhận 3 nơi khác là Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp có nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là tại Sóc Trăng với kỷ lục mới ghi nhận vào ngày 18.8 là 34,8 độ C, vượt giá trị lịch sử cũ (34,5 độ C) ghi nhận năm 2020 đến 0,3 độ C.

Ngoài ra, các khu vực khác trên cả nước cũng ghi nhận 17 kỷ lục mới về nhiệt độ chỉ trong 20 ngày của tháng 8. Đáng chú ý, tại Nam Định ngày 10.8 nhiệt độ lên tới 39 độ C, vượt mức lịch sử năm 2019 đến 1,3 độ C. Hay tại Cúc Phương (Ninh Bình) ghi nhận kỷ lục nhiệt là 38 độ C, vượt mốc lịch sử năm 2019 tới 1 độ C. Nhiệt độ trung bình ở Bắc bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C; các khu vực còn lại phổ biến cao hơn từ 1 - 2 độ C.

Trong khi vẫn nắng nóng lịch sử thì lượng mưa tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ phổ biến thấp hơn từ 10 - 50% so với trung bình nhiều năm. Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Trong tuần qua, ở vùng ĐBSCL lượng mưa khá thấp, phổ biến từ 10 - 60 mm và phân bố không đều. Chỉ một số nơi trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang và Cà Mau ghi nhận lượng mưa cao trên 60 mm.

Người dân TP.HCM khổ sở vì nắng nóng dai dẳng- Ảnh 2.

Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Đồ họa: Ngọc Thanh

Trái đất ngày càng nóng, tác động hậu El Nino

Theo các dự báo trước đây, El Nino kết thúc vào tháng 6 và hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái trung tính, đến tháng 7 - 8 có khả năng chuyển sang La Nina. Tuy nhiên đến thời điểm này, hiện tượng ENSO vẫn duy trì trạng thái trung tính, xác suất 60 - 70% La Nina sẽ xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 9 - 11. Điều này cho thấy tác động của hậu El Nino vẫn còn kéo dài, khiến khả năng La Nina xuất hiện muộn hơn khá nhiều so với dự báo ban đầu. Điều đó cũng phần nào giải thích vì sao năm nay dù giữa mùa mưa mà lượng mưa ở Nam bộ vẫn ít, nắng nóng vượt mức lịch sử ở nhiều nơi. Trên phạm vi toàn cầu, tháng 7 vừa qua cũng đánh dấu chuỗi 14 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình cao kỷ lục.

Th.S Phạm Thị Minh, Phó trưởng Bộ môn Khí tượng - Khoa Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Trường ĐH TN-MT TP.HCM), phân tích: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị tại các thành phố lớn nên nhiệt độ trung bình ở TP.HCM có xu hướng tăng so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó là tác động của El Nino (đã chuyển sang trung tính) cũng khiến xu hướng nhiệt độ trung bình gia tăng. Thời gian qua đang là mùa mưa ở Nam bộ song gió mùa tây nam hoạt động với cường độ trung bình và yếu. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới hoạt động mạnh và lấn tây, trục qua nam Trung bộ... là một trong những nguyên nhân gây nền nhiệt cao ở TP.HCM. "Với sự thất thường của thời tiết tại TP.HCM, mưa - nắng với nhiệt độ cao dễ khiến bị cảm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Người dân cần chú ý đề phòng các trường hợp khi gặp mưa, đặc biệt là trẻ em", Th.S Minh khuyến cáo.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo: Từ nay đến ngày 20.9, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C. Lượng mưa trung bình trên cả nước xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng khu vực Tây nguyên và Nam bộ có thể cao hơn từ 5 - 10%. Hoạt động của bão (áp thấp nhiệt đới) trên khu vực Biển Đông có khả năng ít hơn trung bình nhiều năm.

Giai đoạn từ tháng 9 - 11.2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 6 cơn bão (áp thấp nhiệt đới), tương đương trung bình nhiều năm. Trong số này có khoảng 3 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta và tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía nam. Cần đề phòng khả năng bão hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Đảo nhiệt đô thị là gì?

Đảo nhiệt đô thị (urban heat island) là hiện tượng tại cùng thời điểm, nhiệt độ trung bình của một khu vực đô thị cao hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh. Hiện tượng tăng nhiệt độ cục bộ này tạo nên một khu vực trung tâm như một "ốc đảo" có nhiệt độ cao hơn các nơi khác nên được gọi là "đảo nhiệt đô thị". Nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng này là do ở các đô thị ngày càng nhiều thảm thực vật và mặt nước bị thay thế bởi các công trình xây dựng. Nhiệt độ từ ánh sáng mặt trời được hấp thụ vào các khối bê tông. Bên cạnh đó, nhiệt do các hoạt động của con người tạo ra như: hoạt động công nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt, phương tiện giao thông… Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiệt độ cảm nhận ở đô thị lớn như TP.HCM luôn cao hơn nhiệt độ khí tượng từ 2 - 4 độ C, thậm chí cao hơn 4 độ C.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.