Người đấu giá tranh

11/02/2016 14:00 GMT+7

Ông Nguyễn Minh dường như bất động cả hai tiếng đồng hồ trong chiếc taxi kẹt cứng ở Hồng Kông, xung quanh là lớp lớp người biểu tình. Lòng ông nóng sực. Rồi ông xuống xe, khoác ba lô, chạy thục mạng. Sắp đến giờ đấu giá tranh Việt rồi...

Ông Nguyễn Minh dường như bất động cả hai tiếng đồng hồ trong chiếc taxi kẹt cứng ở Hồng Kông, xung quanh là lớp lớp người biểu tình. Lòng ông nóng sực. Rồi ông xuống xe, khoác ba lô, chạy thục mạng. Sắp đến giờ đấu giá tranh Việt rồi...

Nhà sưu tập tranh Nguyễn Minh - Ảnh: Ngữ ThiênNhà sưu tập tranh Nguyễn Minh - Ảnh: Ngữ Thiên
“Hồi năm 2013, biểu tình ở Hồng Kông đông lắm. Họ không ồn ào nhưng ngồi tràn khắp thành phố. Taxi không thể qua được”, ông Minh nhớ lại. “Tôi và cậu taxi nhích như sên. Rồi cả hai quyết định là chỉ có cách tôi chạy bộ đến thẳng nhà đấu giá Sotheby’s thôi. Tôi chạy mất độ nửa tiếng thì đến. Hết thở phì phò xong thì cũng tới phiên đấu giá”.
Mẹ và con, sơn dầu của Vũ Cao Đàm, 1967
Cú hat-trick trong “lần đầu làm chuyện đó”
Những cuộc đấu giá tranh Việt với ông Minh Hàng Chỉ - cái tên vốn chẳng xa lạ gì với dân chơi đồ cổ Hà Nội - đã trở nên thường xuyên. Không chỉ ở Hồng Kông, ông cũng lùng sục tranh ở châu Âu, ở Mỹ. Song, ông chỉ mua tranh Việt, chính xác hơn chỉ mua tranh của các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương.
Ông Minh đến với thị trường tranh quốc tế tình cờ đến mức không thể tình cờ hơn, trong một lần... đi lạc. Sotheby’s có nhiều sàn bán những mặt hàng quý khác nhau: tranh có, đồng hồ có, đồ cổ có. Ông Minh khi ấy đang “tăm” một món đồ cổ. Ông tới sớm và do đó phải chờ mới tới lượt mình đấu giá. Tiện thể, ông đi sang các sàn khác thăm thú. Rồi, đập vào mắt ông là ba bức tranh của các họa sĩ Việt Nam thời mỹ thuật Đông Dương. Đó là bức Chợ bên bờ biển (lụa, 1934) của Nguyễn Tường Lân, Cô gái bên bình hoa lay ơn (sơn dầu, chưa rõ năm sáng tác) của Lê Phổ và Hai chị em (sơn dầu, 1964) của Vũ Cao Đàm. “Ngay lúc đấy, cảm xúc của tôi là Lê Phổ thật thì như thế này đây. Rồi lại mơ màng nghĩ liệu có thật không nhỉ”, ông Minh nhớ lại cảm giác bần thần của mình khi ấy.
Ở trong nước, ông Minh cũng có một bộ sưu tập tranh. Khi bộ sưu tập tranh nổi tiếng của nhà Đức Minh mang bán, ông Minh cũng mua lại được phần lớn. “Tôi cũng có tranh của bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy, chứ đừng nói đến việc mua được một tác phẩm nào của các họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tôi nung nấu suy nghĩ nếu giá vừa tầm sẽ quyết mua cho bằng được”, ông Minh nhớ lại. Trời cũng chiều lòng ông, cả ba bức tranh đó sau cuộc đấu giá đều đã theo ông trở về “cố quốc”.
Sau này nhớ lại, ông Minh cho biết, cũng không dám nghĩ mình sẽ mua được hết. Song may mắn là lúc đó thị trường đang suy thoái, mọi người cũng không quá thiết tha với tranh Việt nên ông mới đấu được cả. “Về đến nhà, tôi bỏ cả ăn ngồi ngắm tranh. Hôm đó, cả nhà ăn cơm muộn”, ông kể.
Điểm tâm, sơn dầu của Lê Phổ
Thương nét bút, mảng toan, sợi lụa
Kể từ ngày “đại thắng” ở Sotheby’s đó, ông Minh dành nhiều thời gian với tranh Việt hơn. Ông cũng lùng tranh ở trong nước bên cạnh đi đấu giá ở nước ngoài. Càng đi, lòng càng thương những bức họa da diết. “Khi tôi mua tranh ở nước ngoài, hầu hết các nhà đấu giá đều cho biết tranh mang về cứ việc treo thôi. Các vấn đề xử lý kỹ thuật nếu có họ đều đã làm cả rồi. Trong khi đó, tôi tới nhà mua tranh ở Việt Nam thì lắm khi dỡ tranh xuống mà thấy đau”, ông Minh nói.
Có những tác phẩm khi ông tới nơi, chủ sở hữu dỡ tranh trên tường xuống mới thấy hoặc đằng sau đã ẩm mốc, hoặc mặt sơn như phủ một lớp bùn mỏng. Khí hậu nước ta vốn làm khó cho việc giữ tranh. Chưa kể, có những thời kỳ, nghệ sĩ sáng tác mà thiếu thốn vật liệu đủ đường. Vì thế màu vẽ, giấy vẽ, toan vẽ cũng được tự chế rất phóng khoáng, không giống ai, miễn là vẽ được. Điều này khiến tranh càng dễ xuống cấp.
Ông Minh thương nhất là giá cả và thân phận tranh Việt. Đẹp là thế, ngọc ngà là thế, nhưng tranh Việt không được định giá cao. Điều này, theo nhiều nhà phê bình, phần vì chúng ta chưa có uy tín ở khía cạnh bản quyền. Thậm chí họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, cũng là một người nghiên cứu phong cách tranh, còn cho rằng: “Đến bản thân các họa sĩ cũng sản xuất tranh giả nhan nhản bằng cách chép lại tranh người khác hoặc của chính mình để bán. Còn các viện bảo tàng mỹ thuật - kho báu nghệ thuật của quốc gia - lại đi khơi mào chuyện chép tranh khiến các kiệt tác hội họa Việt Nam như hai bức Chơi ô ăn quan và Hai thiếu nữ và em bé của hai danh họa Nguyễn Phan Chánh và Tô Ngọc Vân đều có mỗi bức 2 bản gốc. Một ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một ở Bảo tàng Mỹ thuật tại Fukuoka Nhật Bản”.
Nhưng lớn hơn, đó là do chưa có một thị trường tranh Việt thực sự. Nếu có một sàn tranh như thế, một thị trường như thế, việc mua đi bán lại lẫn nhu cầu cao sẽ thúc tranh Việt lên giá. Đấy là điều ông Minh mong muốn hơn cả.
Người phụ nữ ở Pyrenees, sơn dầu của Lê Thị Lựu - Ảnh: Bình Nguyễn
“Dù mục đích thế nào miễn là mang tranh về nhà”
Ông Minh đi đấu giá tranh nhiều lắm. Tranh thắng đấu giá của ông giờ chất đầy cả ngôi nhà 3 tầng mặt phố Phan Đình Phùng. Tiền mua tranh nhiều đến mức ông có muốn cũng khó mua thêm được ngôi nhà như thế để bày tranh cho rộng rãi hơn. Và hẳn nhiên, ông cũng có lần thất bại. “Bức tranh không mua được tôi tiếc nhất là bức Ba em bé (sơn dầu, 1934, Lê Văn Đệ) trong chuyến đấu giá tháng 5 mới đây tại nhà Sotheby’s Hồng Kông. Giá khởi điểm 23.000 USD, tôi đã trả tới 60.000 USD mà vẫn phải ngậm ngùi dừng lại. Hơn nữa thì quá khả năng chi trả mất rồi”, ông Minh nói.
Nhìn sang nước láng giềng, ông Minh không khỏi chạnh lòng. “Trung Quốc hiện nay có một làn sóng tích cực của các đại gia rất mạnh tay mua tranh. Ngoài tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc đem về họ còn mua các tác phẩm hội họa thế giới. Ông Wang Jianlin, người Trung Quốc giàu nhất châu Á với khối tài sản trị giá 35 tỉ USD, đã mua một bức tranh của danh họa Picasso với giá 28,2 triệu USD”, ông Minh cho biết.
Theo ông, có 3 lý do để đại gia Trung Quốc mua tranh. Một, đó cũng là một kênh đầu tư. Hai, việc sở hữu bất động sản, siêu xe, túi xách thời trang hàng hiệu đã “kịch trần” và trở nên nhàm chán, không còn khẳng định đẳng cấp nữa. Ba, họ muốn hồi hương tranh quý của nước mình.
Chuyện trò, sơn dầu của Vũ Cao Đàm, 1964
“Hiện nay, tôi cũng tạm gọi là “lôi kéo” được một số đại gia có tâm có tầm tạo thành một nhóm nhỏ cố gắng đi mua tranh của họa sĩ Việt Nam mang về nước. Họ mua tranh trước hết là do yêu thích nghệ thuật, hoặc có thể phục vụ một vài mục đích khác như biếu tặng chẳng hạn. Nhưng dù sao tranh cũng đã được mang về nhà”, ông Minh cho biết. Chuyến đi gần nhất, có tới hơn 10 người cùng ông sang Sotheby’s để trải nghiệm một phiên đấu giá tranh Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.