Tôi hẹn gặp cụ Nguyễn Đình Tư – người đặt tên 1.000 con đường ở TP.HCM và không khỏi ngạc nhiên vì cụ đã 102 tuổi, tóc bạc trắng, nhưng nói chuyện vẫn minh mẫn, lưu loát, đi lại không cần chống gậy, đặc biệt cụ vẫn ngồi đánh máy tính viết sách mỗi ngày mà không bị đau lưng.
Người đặt tên đường Trường Sa, Hoàng Sa
PV: Dạ chào cụ, vì sao cụ lại dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về tên đường phố suốt thời gian qua ạ?
Khi mới thống nhất, chính quyền cách mạng đổi tên 100 con đường, đường ở TP.HCM thì nhiều, nằm rải rác ở các quận nội thành nhưng không giới thiệu tiểu sử của những người được đặt tên đường. Tên đường như: Huỳnh Văn Bánh, Đoàn Văn Bơ,… những cái tên người dân khi ấy còn quá mộc mạc chưa có nhiều thông tin, nhưng công trạng của họ rất lớn. Mà không nói về lý lịch, không giới thiệu nên người dân hoang mang.
Thứ hai nữa là khi dựng bảng tên đường mới lên thì không ghi tên đường cũ ở dưới, ghi như vậy thì anh em lái xích lô, xe ôm mới biết được chở khách đến. Ghi vậy họ bỡ ngỡ, thiệt thòi cho việc làm ăn của họ, đó là thiếu sót lớn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - người đầu tiên xuất bản sách về tên đường ở TP.HCM vào năm 1994 |
vũ phượng |
Tôi thấy như vậy cần có quyển sách viết về tên đường để giới thiệu cho người dân cũng như khách các nơi đến TP biết vị trí con đường ở chỗ nào. Từ đó, tôi bỏ công ra lái xe đạp mini nhỏ xíu đó đi tất cả các con đường trong nội thành, đi từ đầu đến cuối xem đường đó dài bao nhiêu, qua những ngã tư, ngã ba nào, hai bên có địa chỉ gì.
Tôi bỏ công đi như vậy rồi liên lạc với các phòng văn hóa thông tin để xin tiểu sử nhân vật mới hoặc vào thư viện tra cứu sách báo giải phóng ở chiến khu đưa về, xem quá trình họ hoạt động thế nào mà được đặt tên đường.
Khi thu thập tài liệu xong, tôi ngồi viết hoàn thành thì tôi đưa cho cụ Nguyễn Đình Đầu đọc vì mình chưa tin vào mình, cụ Đầu đọc và thích lắm.
PV: Như vậy cụ đã phải đạp xe đi trong bao lâu, cụ sắp xếp thời gian đi như thế nào ạ?
Lúc đó tôi là người dân tiểu tốt vô danh, chẳng ai biết tôi là ai cả, nhưng tôi thấy thích nghiên cứu, mà thấy việc cần làm ngay. Tôi mất 6 tháng mới sưu tập được các tài liệu cần thiết rồi ngồi viết. Hồi đó tôi có cái máy chữ Olympia viết bản thảo xong thì ngồi đánh máy, hoàn chỉnh quyển sách thì đưa cụ Đầu đọc. Sau đó sách được Nhà xuất bản TP.HCM khi ấy in bản đầu tiên năm 1994. Khi đó có hơn 700 con đường có tên, còn lại khoảng từng đó tên còn mang số hay là chưa có tên.
0:00 |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư 102 tuổi vẫn ngồi trước máy tính làm việc mỗi ngày |
Sau khi quyển sách của tôi in ra thì Sở Văn hóa Thông tin cho một ông trưởng phòng tới nhà tôi gặp mời tôi vào Hội đồng đổi, đặt tên đường vì khi đó họ có nhu cầu phải làm quyển đó nhưng chưa có người làm, chưa ai nắm được tình hình đường phố như tôi nên họ mời tôi.
Tôi dân thường, ngồi sửa xe đạp ngoài đường chứ không phải cán bộ nhà nước, mà lúc mới vào làm giao cho tôi nhiệm vụ Ủy viên thường trực thứ nhất có nhiệm vụ đề xuất tên đường mới để hội đồng thảo luận và thông qua.
PV: Vậy trong thời gian làm Hội đồng đổi, đặt tên đường, cụ đã đề xuất đặt tên cho bao nhiêu con đường ạ?
Thời gian làm trong hội đồng, tôi được Sở biệt phái cho 1 cán bộ để giúp với hội đồng đặt tên đường. Anh đó có xe máy, nhờ ảnh lái, hai anh em đi hết quận này đến quận kia, kể cả nội thành, ngoại thành, làm việc ủy ban các quận, huyện nghiên cứu đường nào cần đặt tên, đường nằm vị trí nào, đưa bản đồ ra quan sát. Tôi về làm dự án. Hồi đó làm phải đi thực địa chứ không phải ngồi một chỗ làm.
6 - 7 năm trong hội đồng, tôi đề xuất đặt tên gần 1.000 con đường. Sau đó hội đồng tôi đang làm giải tán, thành lập hội đồng mới. Tôi không tham gia hội đồng mới, nhưng lúc tôi nghỉ thì tôi cũng còn có một số dự án để lại. Cho nên sau khi hội đồng mới đặt tên có hầu hết là tên đường tôi đã đề xuất trong thời gian tôi ở trong hội đồng.
PV: Trong số các tên đường ở TP.HCM đã đề xuất, cụ ấn tượng nhất với tên đường nào? Vì sao ạ?
Tôi là nhà nghiên cứu lịch sử nên cho rằng, muốn biểu dương thì phải biểu dương tất cả các nhân vật của quốc gia, các thời đại, không riêng gì cách mạng bây giờ mà phải từ xa xưa. Nếu không có các cụ từ xa xưa thì mình làm gì có đất nước ngày nay.
Đam mê nghiên cứu, cụ Nguyễn Đình Tư tự tìm tòi các đề tài để viết mà không theo đặt hàng của ai |
vũ phượng |
Do đó từ khi tôi vào hội đồng tôi đưa quan điểm lên được hội đồng tán thành. Vì vậy mà những tên từ đời Hùng Vương, An Dương Vương, đời Lý, đời Trần đều được đưa vào đặt tên đường ở TP.HCM này cả.
Trong lúc tôi ở trong Hội đồng đặt, đổi tên đường thì có xảy ra vụ Trung Quốc chiếm đóng Gạc Ma ở ngoài Trường Sa, tôi đề xuất với hội đồng đặt ngay cho TP.HCM hai con đường là Hoàng Sa và Trường Sa liền ở hai bên kênh Nhiêu Lộc. Hội đồng hoan nghênh liền, UBND TP cũng chấp nhận liền, ra quyết định công bố ngay cùng một thời với đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Tôi hãnh diện với hai tên con đường này đấy vì TP.HCM là tỉnh, thành đầu tiên trên cả nước có tên đường là 2 quần đảo này.
“Nếu tôi sinh ra ở thời này chắc có nhiều học bổng lắm”
PV: Tuổi thơ của cụ có nhiều khó khăn trong quá trình theo đuổi việc học, nhưng điều gì đã giúp cụ quyết tâm theo đuổi?
Tôi xuất thân là thành phần nông dân chay, quê tôi nghề nông nhưng nghèo lắm vì làng ở gần núi, ruộng rất hiếm, quanh năm là sống cực khổ. Tôi đã bỏ học đi bừa, làm ruộng rồi. Đứng dưới ruộng thấy một anh trong xóm đi học về tôi thấy hình ảnh đó quá lý tưởng mơ ước, nghĩ đến thân phận của mình đi theo sau đuôi con trâu thế này nếu mình không được đi học thì cực khổ lắm, tương lai mình lu mờ, xách giày cho anh đó rửa chân, nên tôi về xin cha mẹ cho đi học lại.
Những bức ảnh lưu niệm cùng Bí thư và Chủ tịch UBND TP.HCM được cụ Tư treo ở góc làm việc |
vũ phượng |
Lúc đó gia đình nghèo nên có nhiều khi đương học, kết quả tốt, tháng nào cũng đứng đầu lớp nên các thầy rất thương, nhưng vì kinh tế gia đình không đủ đài thọ. Quê tôi ở Thanh Chương (Nghệ An) phải xuống Vinh học, cách 45km, ở lại nhà trọ chứ không đi về được, ở lại thì không có tiền nên mới thi xong học kỳ 1 qua học kỳ 2 học được vài môn thì hết tiền không theo học tiếp được nên xin thầy cho nghỉ học.
Hiệu trưởng trường tôi khi ấy là cụ Võ Thuần Nho, em của cụ Võ Nguyên Giáp đó. Thấy tôi bỏ học tiếc quá nên thầy kêu tôi tiếp tục học bằng cách thầy vận động các thầy trong trường cho mỗi thầy 1 đồng, được 8 thầy là 8 đồng, thì đóng tiền học 2 đồng, 6 đồng gửi tiền ăn.
Sau đó có người nào mách lại với thầy tôi là con ông cai tổng, mà thực tế ba tôi làm cai tổng nhưng nghèo lắm chứ không phải như ở đâu đó, nói con cai tổng sao mà nghèo được nên xem như tôi nói dối nên không giúp tôi tiền nữa, học kỳ 2 đang thi lỡ dở phải bỏ học.
Bạn thấy cách đặt tên đường ở TP.HCM thế nào?Nghỉ học xong không biết làm gì nên tôi đi làm gia sư, dạy cho các bạn nhỏ hơn thấy buồn quá buồn, nghĩ mình không tiếp tục đi học thì tương lai mờ mịt quá không thấy ánh sáng gì nên tôi lại về xin cha mẹ bằng mọi cách đi vay nợ cứ cho tôi đi học, sau này ra làm việc có lương sẽ trả nợ thì lại được đi học lại.
Dù tôi chưa xin hết học kỳ 2 nhưng xin thầy hiệu trưởng cho lên thẳng lớp trên cùng các bạn. Hiệu trưởng thấy tôi học được nên bàn với các thầy cho điểm như cho không chứ đâu có thi để cho đủ học bạ tôi lên lớp trên.
Cụ Tư sắp xếp các cuốn sách do chính mình viết ngăn nắp, gọn gàng trên kệ |
vũ phượng |
Tôi nhớ trong lớp đệ nhất niên hồi đó thì ở trong phòng nhỏ, mỗi phòng 40 học sinh mà có 5 phòng như vậy, 5 lớp đệ nhất, nhưng khi lên đến đệ nhị thì một số bỏ học, một số đi trường khác, còn 80 người dồn vào phòng rất dài. Tôi tiếp tục học, tôi giữ đầu lớp cả năm. Đệ tam cũng vậy, đệ tứ cũng vậy không nhường ai vị trí đầu lớp. Tôi mà sinh vào thời này chắc tôi có học bổng nhiều lắm để tiếp tục học chứ không đến nỗi phải mang gạo ở quê xuống nấu ăn để mà học đâu, hồi đó khổ lắm, mà tôi nghĩ không học thì không có cách gì tiến thân được nên phải học.
Tôi học những bài của cụ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, cụ Cao Bá Quát, tôi thấy có suy nghĩ trong lúc học tiểu sử các cụ, thành tích các cụ không ai trong tài liệu nói về cuộc sống vật chất của các cụ ra sao, ở nhà ngói hay nhà tranh, đi ngựa hay đi bộ, ăn cơm với gì mà chỉ ca tụng công trình văn hóa thôi. Tôi nghĩ như vậy ở đời chỉ để lại danh, tên, sự nghiệp còn cuộc sống vật chất thì chỉ là tạm bợ, nhất thời, không quan trọng. Quan điểm của tôi lập chỉ về tương lai là như vậy.
Trong lúc tôi đi học như vậy tôi được đọc những cuốn sách về lịch sử tôi kính phục các cụ Phan Đình Phùng, Hàm Nghi, các vị tiền nhân có công chống ngoại xâm, tôi thích môn sử. Lúc đó tôi để tâm nghiên cứu về lịch sử, chứ văn chương tôi ít lắm, chỉ biết làm vài bài thơ đường luật. Đương học lớp 8 ngang với bây giờ thì tôi bắt đầu viết truyện, sách gửi ra Hà Nội được nhà xuất bản lớn in. Xong cách mạng xảy ra thì tôi bỏ học đi theo cách mạng.
PV: Thưa cụ, với khả năng nghiên cứu, kiến thức lịch sử vững vàng, cụ đã làm công việc gì để kiếm sống sau thời gian tham gia cách mạng?
Khi vào Sài Gòn tôi làm công việc quản lý ruộng đất, gần trụ sở có Viện khảo cổ học với kho tài liệu Pháp để lại rất lớn. Cứ rảnh tôi chạy xẹt ra mượn sách đọc. Lúc đó thấy vai trò của Nam bộ lớn lắm nên tôi bắt đầu nghiên cứu viết.
Khi lớn tuổi không được cho làm việc nữa nên về, mà về thì không có kế sinh nhai vì trước sống bằng lương, giờ không biết sống bằng cái gì. Tôi ra đường sửa xe đạp ở đường Nguyễn Văn Trỗi bây giờ đó, ngay cổng xe lửa số 7, lúc đó cũng 68 tuổi rồi. Tôi sửa xe ở đó mấy năm trời kiếm sống nuôi gia đình, lúc đó tôi còn 2 đứa con học đại học nên phải nuôi.
Mỗi ngày, cụ Tư đều đặn tập thể dục 2 buổi sáng, chiều. Ngoài thời gian làm việc, cụ cũng có thời gian đọc sách báo, chăm đàn mèo |
vũ phượng |
Trong lúc sửa xe vậy thì nhiều lúc cũng không có khách, ngồi nhìn người đi qua đi lại thấy uổng thời giờ quá nên tranh thủ kê lên thùng đồ nghề viết chứ đâu có bàn ghế. Bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân tôi viết trong thời gian đó.
Viết xong được ít trang thì lại có khách, dừng lại sửa xe cho khách. Trong số khách đến sửa xe có sinh viên, tôi đưa họ xem để họ giết thời gian, khỏi sốt ruột, đọc thì thấy họ đánh giá là được, nói bác viết tiếp đi, đang được, tôi cứ viết tiếp đến khi hoàn thành bộ sách trong thời gian sửa xe đạp.
Sau này con tôi cả hai đứa đậu đại học, đi làm có lương, tôi nghỉ không sửa xe đạp nữa. Về lại nghiên cứu, nghiên cứu âm thầm vậy. Tất cả quyển sách của tôi đề tài là tự tôi tìm lấy, không ai gợi ý, không ai đặt hàng, tôi thấy cần phải viết quyển sách như vậy trong giai đoạn trước mắt mà không ai viết nên tôi nghiên cứu tôi viết.
PV: Trong số các cuốn sách đã xuất bản, cuốn nào cụ đã mất nhiều thời gian nhất để hoàn thành, xuất bản ạ?
Khi TP chuẩn bị kỷ niệm 300 năm thành lập vào năm 1998 thì tôi thấy trên báo hằng ngày với đài phát thanh, truyền hình báo tin nhưng không thấy cơ quan nào động tĩnh viết bài viết sách tôi sốt ruột.
Tôi về tự thảo ra đề cương viết cuốn sách về 300 năm TP.HCM. Làm xong đề cương tôi gửi giáo sư Trần Văn Giàu – nhà sử học. Mấy ngày sau, Viện Khoa học Xã hội TP cho mời tôi đến ký hợp đồng viết theo đề cương đó. Sau đó tôi lại cặm cụi đi sưu tầm tài liệu viết ngày viết đêm cho kịp thời hạn. Nhưng sau vì một trở duyên, sách không ra mắt.
Tôi thấy tài liệu tôi sưu tầm là quá quý, hiếm nên tôi giữ lại nghĩ thể nào cũng có ngày dùng đến. Tôi gói lại chờ cơ hội, cơ hội ngày nay đã tới, từ năm 1998 đến 2022 tôi nghiên cứu, bổ sung thêm và được in xuất bản từ đầu năm 2022, tập 2 thì đang in sắp xuất bản.
“Bí quyết” không đau lưng
PV: Ở tuổi 102, cụ làm gì mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe, vẫn ngồi làm việc trước máy tính đều đặn như vậy?
Giờ tôi vẫn đang viết sách mỗi ngày, tôi có hứa với Bí thư Nguyễn Văn Nên viết cuốn “Một kiếp người” kể về câu chuyện cuộc đời ba chìm bảy nổi, lên voi xuống chó chứ không phải xuống ngựa nữa của tôi, chắc chưa có nhà văn nào mà có cuộc sống cực khổ như tôi. Chắc cuối năm nay cuốn này xong, tôi viết được 150 trang rồi.
Mỗi ngày, cụ đều đọc 1 tờ Thanh Niên, 1 tờ Tuổi Trẻ mà không cần đeo kính |
vũ phượng |
Mấy nay tôi bị cảm, ho nên hạn chế, chứ trước tôi thức khuya lắm. Trước tôi làm việc 11 giờ rưỡi đêm mới đi ngủ, giờ thì 10 giờ đêm chưa buồn ngủ cũng lên giường nằm giữ sức khỏe.
Ăn uống thì điều độ theo bác sĩ khuyên, người già không nên ăn no quá, ăn mà mình thấy còn ăn được vài miếng thì ngưng lại, tốt cho bao tử, tôi không thích ăn vặt, ai cho gì thì chờ bữa chính ăn luôn, không nghiện rượu, thuốc lá, cà phê, chỉ có ăn cơm thôi. Mỗi bữa ăn lưng chén cơm chứ không ăn nhiều, tôi có ít sữa bột của con ở bên Mỹ gửi về, dùng sữa bồi dưỡng thêm.
Tôi tập thể dục mỗi ngày 45 phút, vận động tay chân, khớp xương, người già hay bị đau khớp xương nên tôi vận động để các khớp xương không bị tê liệt. Chiều thì đi bộ, từ tầng trệt lên đến tầng 3 tôi ngồi làm việc đây cộng hết là 36 bậc. Ngày trước khỏe thì tôi đi 20 vòng, giờ yếu thì đi 10 vòng. Tôi ít ra đường vì ngày nay xe đông quá, còn đi khám bệnh thì tôi đi xe buýt, không chống gậy, không phải vịn, ngồi làm việc không bị đau lưng.
Giờ mỗi ngày ngủ dậy tôi đều tập thể dục, ăn sáng xong thì đánh máy, vừa tham khảo vừa đánh máy. 11 giờ rưỡi trưa thì nghỉ để ăn cơm, rồi lên nghỉ, 2 giờ chiều dậy ngồi đánh máy tiếp đến 5 giờ, tối thì ăn cơm tối xong xem tin tức lên ngồi đánh máy tiếp.
Máy tính này tôi mới tập đánh được 6 - 7 năm nay, do cháu hướng dẫn cách sử dụng, tôi biết đánh thành chữ chứ kỹ thuật khác thì không biết, khi nào trục trặc lại nhờ cháu điều chỉnh lại. Mỗi ngày tôi đánh được mấy chục trang như vậy.
Xin cảm ơn cụ về buổi chia sẻ!
Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vừa được UBND Q.Bình Thạnh đã phối hợp với Viện Kỷ lục Việt Nam tổ chức buổi trao tặng bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục Việt Nam với nội dung: "Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền, tỉnh/thành phố Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã được xuất bản".
Bình luận