Chuyện những tên đường ở TP.HCM: Lẫy lừng các cụm tướng nhà Trần, Lê và những cái tên còn tranh cãi

07/11/2022 12:26 GMT+7

Ở TP.HCM, tên đường cụm văn thơ nằm trong Q.1, Q.3 như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan; cụm tướng nhà Lê ở Q.4 gồm: Đinh Lễ, Lê Quốc Hưng; cụm tướng nhà Trần ở Tân Định,… nhưng cũng có những tên đường còn gây tranh cãi.

Sau khi nghiên cứu về tên đường, bỏ thời gian đạp xe, rồi ngồi sau xe máy đi khảo sát các tuyến đường ở khắp TP.HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhận xét, TP.HCM có hệ thống đường sá dày đặc như mạng nhện. Nhiều tuyến đường giao nhau chằng chịt khiến người lạ lạc vào đó không biết ra lối nào, đặc biệt là những người từ nơi khác đến.

Quận Tân Bình nhiều nhất 150 con đường và những cụm tên

Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, quận Tân Bình là quận có nhiều đường nhất với 150 con đường, các quận khác cũng dao động từ 80 – 120 con đường.

Ông nói: “Người ở ngoài tỉnh khác TP.HCM như lạc vào một trận đồ bát quái, muốn tìm địa chỉ một đường phố không phải dễ”.

Cụm tên đường các tướng nhà Trần ở khu Tân Định (Q.1), tuy nhiên đường Trần Khắc Chân đang bị sai tên, tên đúng là Trần Khát Chân
nhật thịnh

May mắn, ngày nay người ta có thể tìm đường trên ứng dụng bản đồ ở điện thoại di động, nhưng ở Hóc Môn hay Bình Tân, nhiều khi “chị” google cũng bó tay, không thể tìm ra địa chỉ nếu không có người hướng dẫn, phần vì trùng tên, phần vì số nhà lộn xộn, cùng một quận có đến 3 – 4 con đường mang cùng một tên.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, xa xưa dưới thời chính quyền Sài Gòn, cách đặt tên đường có một khuyết điểm đó là không phân biệt được một cách minh bạch những nhân vật có quá trình cộng tác với thực dân Pháp, không có công trạng gì đối với dân tộc.

Poll TNO
Trắc nghiệm về tên đường ở TP.HCM?

Cụ Tư thông tin thêm: sau ngày 30.4.1975, nhiều đường được đổi tên, đặt tên mới, trong đó có phần lớn là tên nhân vật hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tuy nhiên, việc đổi tên đường giai đoạn này có nhiều tên đường không đáng đổi vì các nhân vật để lại công trạng lớn như đường: Trần Quý Cáp, Yên Đổ, Nguyễn Hoàng, Hiền Vương, Duy Tân,… Tuy nhiên sau nhiều lần đổi, đặt tên đường, thì đường Yên Đỗ ngày nay được đặt cho một con đường ở khu dân cư Tân Phú và một đường tại Q.Bình Thạnh. Bên cạnh đó, đường Trần Quý Cáp ngày nay cũng được đặt cho tên con đường nằm trên địa bàn Q.Bình Thạnh, kéo dài từ Nơ Trang Long đến Phan Văn Trị, dài khoảng 300m.

Cụm tên đường văn thơ ở Q.3
nhật thịnh

Nói về cách đặt tên đường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho hay, khi đặt tên đường, người ta có có ý chia thành từng cụm gồm các nhân vật gần gũi nhau về phương diện nào đó, khiến cho ta có thể dễ tìm tên đường trong mỗi cụm khi đã biết được tên một đường. Ví dụ như cụm văn thơ nằm trong Q.1, Q.3 gồm Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thời Nhiệm, Bà Huyện Thanh Quan.

Cụm tướng nhà Lê ở Q.4 mà nhiều người chắc ít biết gồm: Đinh Lễ, Lê Quốc Hưng, Lê Thạch, Lê Văn Linh. Cụm các tướng nhà Trần ở Tân Định gồm: Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Khát Chân.

Cụm liệt sĩ Việt Nam Quốc dân đảng ở Q.1 gồm: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang, Cô Bắc, Phó Đức Chính, Ký Con. Cụm Gia Định tam gia ở Q.5 và Bình Thạnh gồm: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định. Cụm thi đàn Mặc Vân ở Q.8 gồm: Mặc Vân, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương.

Đặt tên đường theo cụm giúp người dân dễ dàng tìm đường hơn
nhật thịnh

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – chủ nhiệm nghiên cứu công tác đặt, đổi tên đường tại TP.HCM khảo sát và thực trạng đến năm 2020 cho hay, thoạt đầu, tên đường xuất hiện như một nhu cầu tự nhiên, để gọi tên một con đường, người ta thường liên hệ con đường ấy với một địa điểm gần đó như sông, rạch, chùa, đình hay một công trình, hoặc tên của những người được biết đến trong vùng.

Tại Sài Gòn – TP.HCM những tên gọi như thế không ít, có thể kể đến như đường Bà Hom, Bà Lài, bà Ký ở Q.6. Trong đó, Bà Hom là tên một phụ nữ lớn tuổi làm nghề bán hàng quán ở chợ Tân Tạo. Con đường chạy qua quán của bà ấy được lấy tên là Bà Hom. Đường bà Ký, Bà Lài cũng có truyền thuyết tương tự.

Đường Đất Thánh (Q.Tân Bình) là lấy tên của nghĩa trang của người theo đạo Thiên Chúa Giáo ở gần đấy còn đường Chùa Phật Ấn (Q.1) là lấy tên của chùa Phật Ấn, tọa lạc không xa.

Cầu Ông Lãnh được đặt tên theo Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, cầu Thị Nghè được gọi theo tên bà Nguyễn Thị Khánh, vợ một ông Nghè dưới thời nhà Nguyễn..

Poll TNO
Bạn thấy cách đặt tên đường ở TP.HCM thế nào?

Những tên đường còn “tranh cãi”

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân cũng chỉ ra, có 6 tên đường còn chưa thống nhất ý kiến trong các đánh giá về lịch sử như: Cao Đạt, Khải Định, Phan Liêm, Phan Tôn, Phan Ngữ và tên gọi có vấn đề là Ấp Chiến Lược.

Theo bà Trân, Ấp chiến lược là một chương trình chống phá cách mạng của ông Ngô Đình Diệm được áp dụng từ năm 1961 đến 1965. Theo đó, nông dân bị gom vào từng ấp có vòng rào kẽm gai vây quanh, cô lập với nhau và cô lập với bên ngoài. Sự liên lạc giữa người dân và lực lượng giải phóng bị ngăn chặn. Chương trình gây khó khăn rất nhiều cho lực lượng cách mạng vào giai đoạn đầu, dù về sau đã bị phá sản. Bà Trân cho rằng, tên gọi này không mang ý nghĩa tích cực cũng không mang tính giáo dục nên cần đổi tên khác.

Ở TP.HCM vẫn còn một số tên đường gây tranh cãi
nhật thịnh

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của bà Trân cũng chỉ ra những tên đường không có ý nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ như: đường 100 Bình Thới (Q.11) nguyên cả cụm từ 100 Bình Thới không có ý nghĩa, thêm nữa có con số 100 trước chữ Bình Thới dễ gây nhầm lẫn với số ; đường An Phú Tây – Hưng Long (H.Bình Chánh) tên quá dài, không thuận tiện cho giao dịch, đường Hoàng Diệu 2 (TP.Thủ Đức) tên đường thiếu thẩm mỹ, pha trộn giữa danh nhân với tên số,… Tổng cộng có 21 tên đường thuộc nhóm này.

Đề xuất đặt tên đường bằng các đặc sản Nam bộ

Cũng trong nghiên cứu trên, bà Trân đề xuất tăng cường hơn nữa việc dùng tên các biển đảo của Việt Nam để đặt tên đường trên địa bàn TP. Cách này đã được TP áp dụng để đặt cho hai con đường Trường Sa, Hoàng Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Cụm tên đường liệt sĩ Việt Nam Quốc dân đảng ở Q.1
nhật thịnh

Việc lấy tên biển đảo, núi, sông, hồ để đặt tên đường có nhiều lợi ích và nhiều ý nghĩa to lớn về giáo dục, chính trị; tăng cường ý thức bảo vệ các vùng đất ấy của người dân; khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Nhóm đề xuất một số tên như: Ngọc Vừng, Chàng Ngọ, Long Châu (tên đảo thuộc Quảng Ninh), Cát Bà, Cát Hải (Hải Phòng),…

Nhóm cũng đề xuất thêm các danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa xã hội như: Dũng Cảm, Kiên Cường, Đoan Trang, Trung Hậu, Đảm Đang, Bất Khuất, Nhiệt Huyết, Nhân Ái,… góp phần giáo dục thanh thiếu niên hướng đến các giá trị ấy.

Poll TNO
Bà Hạt là tên một đường ở Q.10 dài khoảng 1,4km. Vậy bà Hạt là ai?

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu về tên đường đề xuất nhân rộng việc đặt tên đường bằng các đặc sản Nam bộ, TP.HCM. Kiến nghị TP đảm bảo thực hiện bước công khai địa danh, sự kiện lịch sử, danh nhân, nhân vật lịch sử để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi được UBND TP trình Hội đồng nhân dân tại các kỳ họp thường kỳ hằng năm.

Khi triển khai các bước công khai, cần áp dụng phương pháp đồng tham gia, để người dân nắm rõ được ý nghĩa của tên đường và mục tiêu của việc đặt đổi tên đường.

Chuyện những tên đường ở TP.HCM

Lịch sử chuyện những cái tên lâu đời nhất hoặc bị đặt sai

Hàng trăm con đường trùng tên, vì sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.