Người dùng sửa điện thoại thay vì mua mới để tiết kiệm

21/01/2023 09:39 GMT+7

Dịp cuối năm, thay vì lựa chọn sắm điện thoại mới, không ít người đưa máy đi sửa và "làm đẹp" vì tài chính eo hẹp hơn trước.

Dịp cận Tết Quý Mão 2023, thị trường thiết bị cầm tay được đánh giá sôi động hơn so với phần còn lại của năm nhưng vẫn chưa thể phục hồi bằng thời kỳ trước đại dịch. Năm nay, số lượng người dùng quyết định hạn chế chi tiêu cho điện thoại có phần giảm do lo ngại bức tranh kinh tế chung chưa khởi sắc, thay vào đó, họ chọn cách sửa chữa, tân trang lại thiết bị cũ để tối ưu về tài chính.

Khách hàng chờ kiểm tra, sửa điện thoại tại một cửa hàng lớn dịp cuối năm

ctv

Tại nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm phụ kiện và sửa chữa điện thoại trên các tuyến phố Hà Nội, lượng khách hàng ra vào đông hơn mọi ngày và thường khách tới sửa phải để lại máy, ít cửa hàng nhận xử lý lấy ngay.

"Sáng tới giờ đa phần khách tới mua ốp điện thoại, sạc. Một số tới thay pin iPhone nhưng cũng chỉ làm ngay được cho vài khách đến đầu ngày chứ sau đó đều phải hẹn mấy tiếng sau quay lại do cửa hàng có 2 người làm không kịp. Mặt bằng ở đây cũng không đủ để khách tới mua lẫn ngồi chờ", anh Quốc - chủ một cửa hàng kinh doanh phụ kiện và sửa chữa điện thoại trên đường Phan Trọng Tuệ (Hà Nội) vừa nói vừa kiểm tra chiếc điện thoại khách mang đến yêu cầu thay vỏ và phần kính camera vỡ sau khi rơi.

Để có thể sớm lấy đồ kịp về quê hoặc dùng dịp tết, người dùng không ngại mức giá cao hơn thường lệ để "giải quyết cho nhanh".

Theo đại diện một số đơn vị lớn, tính cả tháng giáp tết, nhu cầu sửa chữa, tân trang điện thoại năm nay có tăng so với thời điểm trước nhưng chưa bằng cùng kỳ năm ngoái. "Có lẽ do Tết Nguyên đán năm 2022 thị trường bị dồn nén trong các tháng phong tỏa, nhu cầu sửa chữa thiết bị điện thoại, máy tính để làm việc và học tập tại nhà bùng nổ trong vài tháng cuối năm kéo dài ra sau tết. Điều này không lặp lại ở năm nay nữa", đại diện một đơn vị phân tích.

Tuy nhiên, ghi nhận từ doanh nghiệp trong mảng sửa chữa thiết bị di động cho thấy nhu cầu chung tăng cao. Anh Nguyễn Huy, đại diện hệ thống sửa chữa Điện Thoại Vui chia sẻ: "Trong khoảng 2 tuần giáp Tết Quý Mão, nhu cầu sửa chữa các thiết bị tăng cao do mọi người tranh thủ sửa đồ cũ để về quê, đi du lịch hay có thể đem cho người thân ở quê. Họ cũng mang máy đi kiểm tra để tránh rủi ro thiết bị lỗi, hư hỏng, bị xem là điều không may mắn cho ngày đầu xuân. Ở một số khung giờ tan làm, nhiều khách hàng tranh thủ ghé sửa cũng có gặp tình trạng tắc nghẽn do nhiều người tới cùng lúc".

Thay pin iPhone là dịch vụ được nhiều người sử dụng dịp cận tết

ctv

Những dịch vụ đang đắt khách ở giai đoạn này gồm thay pin, vỏ, mặt kính, camera. Trong đó, nhóm khách hàng sở hữu iPhone có nhu cầu sửa sang điện thoại đón tết cao hơn. Lượng người dùng iPhone ở Việt Nam lớn nên không quá ngạc nhiên khi nhu cầu xử lý đối với dòng thiết bị này thường cao hơn so với các dòng máy Android.

"Các máy iPhone có thể sử dụng và giữ giá trị tốt hơn Android sau nhiều năm, chỉ cần thay pin, thay mặt kính… thì vẫn dùng tốt được hoặc đem cho người thân trong gia đình", anh Huy nói thêm.

Số tiền phải bỏ ra cho các dịch vụ làm mới, tân trang và sửa chữa điện thoại cũ cũng thấp hơn nhiều so với việc sắm một model mới khi phân khúc phổ thông giờ đây tiệm cận 10 triệu đồng và dòng cao cấp thì hơn 20 triệu đồng. Hiện tại, chi phí các dịch vụ phổ biến như thay pin dao động từ 400.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, thay kính từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng, thay màn hình (cảm ứng) từ 800.000 đồng đến 2,5 triệu đồng... Việc thay thế sẽ tối ưu chi phí khi sử dụng sản phẩm từ các nhà sản xuất bên thứ ba như Pisen, Daison, Energizer, Orizin… và vẫn hưởng bảo hành từ hãng làm linh kiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.