Tăng trưởng người siêu giàu hàng đầu thế giới
Theo Báo cáo thịnh vượng 2019 (Wealth Report) được Knight Frank công bố vào quý 1/2019, VN có 142 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên, tương đương khoảng 700 tỉ đồng) năm 2018, tăng thêm 7 người so với 2017. Trong 5 năm tới, VN là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, với mức tăng 31%. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy năm 2018 VN có 12.327 triệu phú đang sở hữu tài sản từ 3 triệu USD (gần 70 tỉ đồng) đến dưới 30 triệu USD, tăng hơn 5% so với năm 2017. Dự báo năm 2023, số triệu phú tại VN có thể tăng lên đến 15.776 người.
Knight Frank lý giải, các nền kinh tế mở cửa, xuất khẩu có cơ hội xuất hiện nhiều người giàu hơn. Hiện khu vực kinh tế tư nhân của VN đang phát triển khá mạnh, phần lớn giới người giàu, siêu giàu và tỉ phú của VN xuất hiện là doanh nghiệp tư nhân. Báo cáo cũng cho rằng trong 10 năm tới, thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi. Nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, một số nước sẽ được hưởng lợi. Đó là các nước xuất khẩu sang Mỹ, như Mexico, Canada, VN, Bangladesh và Đức...
Trước đó, Báo cáo High Net Worth Handbook 2019 được Tổ chức Wealth-X công bố giữa tháng 1.2019 cũng cho thấy VN đứng thứ 4 thế giới về tốc độ tăng trưởng người giàu (sở hữu khối tài sản từ 1 triệu đến dưới 30 triệu USD) giai đoạn 2018 - 2023. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng người giàu tại VN từ đây đến năm 2023 trung bình là 10,1%/năm, xếp sau Nigeria 16,3%, Ai Cập 12,5% và Bangladesh 11,4%. Các nước còn lại trong top 10 lần lượt là Ba Lan, Trung Quốc, Kenya, Ấn Độ, Philippines, Ukraine.
Trên thế giới, khu vực Bắc Mỹ vẫn dẫn đầu về số lượng người giàu với hơn 9,18 triệu người được ghi nhận cùng khối tài sản hơn 24.200 tỉ USD. Xếp thứ hai là châu Âu với hơn 5,67 triệu phú USD và hơn 16.000 tỉ USD.
Của cải người giàu cũng gia tăng
Cả hai báo cáo trên đều không đưa ra danh sách chi tiết về người giàu tại VN hay các nước, nhưng cùng dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng giới giàu trên thế giới trong thập niên tới. Cụ thể, theo Wealth-X, khu vực này sẽ vươn lên vị trí thứ hai trong vòng 5 năm tới về số lượng người giàu với hơn 8,77 triệu triệu phú cùng khối tài sản hơn 24.000 tỉ USD, nhiều hơn con số 8,25 triệu và 23.400 tỉ USD của cả châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Năm 2023, châu Mỹ vẫn sẽ dẫn đầu với 13,1 triệu người giàu và hơn 34.600 tỉ USD. Wealth-X thống kê, Mỹ vẫn là nước áp đảo trên bảng xếp hạng người giàu với gần 8,68 triệu người, sở hữu gần 22.700 tỉ USD. Số lượng người giàu và tài sản nhóm này của Mỹ nhiều hơn tổng của cả 9 nước còn lại trong top 10 là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Canada, Hàn Quốc, Australia, Ý. Nước Mỹ cũng chứng tỏ sự giàu có vượt trội của mình khi sở hữu 6/10 thành phố có nhiều người giàu nhất trên thế giới là New York, Los Angeles, Chicago, San Francisco, Washington DC, Dallas. Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc không có thành phố nào lọt vào top 10 nói trên nhưng Wealth-X dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu sẽ sở hữu 32 trên tổng số 40 thành phố có tốc độ tăng trưởng số người giàu nhanh nhất thế giới trong 5 năm tới.
Còn báo cáo của Knight Frank nhận định dù triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng u ám, của cải trên thế giới vẫn không ngừng được tạo ra. Thế giới có hơn 200.000 người siêu giàu năm 2018, hơn 2/3 số đó nằm tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó, các nước châu Âu đóng góp hơn 1/3 số lượng giới siêu giàu với hơn 70.000 người. Bên cạnh đó, bất chấp rủi ro từ việc Anh rời Liên minh Châu Âu (Brexit), London (Anh) vẫn là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất năm nay, với gần 5.000 đại diện. Theo sau là Tokyo (Nhật Bản) với hơn 3.700 người và Singapore với gần 3.600 người. Cơ hội kinh doanh, phong cách sống, cơ sở vật chất về giao thông và bệnh viện là các yếu tố thu hút người siêu giàu đến sống tại các thành phố lớn. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng lại tập trung ở nhóm nền kinh tế châu Á, như Ấn Độ (39%), Philippines (38%) hay Trung Quốc (35%). Trong 5 năm tới, tổng số người siêu giàu toàn cầu được dự báo tăng 22%. Các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Philipines có số người giàu gia tăng nhanh chóng hơn khi đạt mức tăng từ 35% đến gần 40%. Dự đoán trong vòng 5 năm tới, tổng số người giàu thế giới sẽ tăng trưởng 22%.
VN còn nhiều người “giàu chìm”
Các báo cáo về những người siêu giàu của Knight Frank và Wealth-X đều không nêu chi tiết về tên tuổi, công ty của những người ở VN. Trong khi đó vào đầu tháng 3.2019, tạp chí Forbes cũng lần đầu tiên công bố VN có 5 tỉ phú USD. Dẫn đầu danh sách tỉ phú USD của VN vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, với tổng tài sản đạt 6,6 tỉ USD.
Thế nhưng đến ngày 30.10, tài sản của ông Vượng được Forbes ghi nhận đã có thêm 1,2 tỉ USD lên mức 7,8 tỉ USD. Vị trí xếp hạng của ông Phạm Nhật Vượng hiện là 215 trong danh sách các tỉ phú thế giới. Ông Phạm Nhật Vượng được Forbes lần đầu công nhận tỉ phú vào năm 2013 với tổng tài sản 1,5 tỉ USD và luôn dẫn đầu danh sách những người giàu nhất tại VN.
Đứng thứ hai vẫn là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet, với tài sản hiện tại được Forbes ghi nhận là 2,7 tỉ USD (khoảng 62.000 tỉ đồng), cao hơn 400 triệu USD so với đầu tháng 3.2019. Tuy nhiên, nếu so với số tài sản trị giá 3,1 tỉ USD mà tạp chí này công bố đầu năm 2018 thì bà Thảo đã bị giảm đi 400 triệu USD. Với khối tài sản hiện tại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang đứng ở vị trí 912 trên bảng xếp hạng thế giới, tăng 96 hạng so với tháng 3 vừa qua.
Xếp thứ ba trong danh sách tỉ phú USD là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải, với tài sản trị giá 1,7 tỉ USD. Ông Dương đứng ở vị trí 1.349 tỉ phú thế giới. So với năm trước khi lần đầu được Forbes bình chọn, tài sản của ông Trần Bá Dương giảm đi 100 triệu USD.
Hai gương mặt mới của VN lọt vào danh sách những người giàu nhất hành tinh là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, với tài sản trị giá 1,7 tỉ USD, cùng đứng ở thứ hạng 1.349 thế giới như ông Trần Bá Dương. Kế tiếp là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, có tổng tài sản 1,3 tỉ USD, xếp hạng 1.717 thế giới.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhận định việc thống kê người giàu đang dần trở nên quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Qua đó các nước cũng sẽ đo lường được về xu hướng ngành nghề nào phát triển khi những người giàu đang thuộc các lĩnh vực nào. Chẳng hạn, nhiều thập niên trước, những người giàu đa phần là các ông chủ hãng xe hơi, bất động sản hay bán lẻ, thời trang. Nhưng sau này ngành công nghệ thông tin bắt đầu phát triển và những người giàu nhất lại xuất phát từ các tập đoàn công nghệ như Bill Gates của Microsoft hay Michael Dell của Tập đoàn Dell… Gần đây, xu hướng công nghệ 4.0 phát triển mạnh đã đưa những doanh nhân trẻ phát triển mạng xã hội, thương mại điện tử lọt vào danh sách người giàu nhất hành tinh như Jeff Bezos của Amazon, Sergey Brin của Google, Jack Ma của Alibaba, Mark Zuckerberg của Facebook… Vì vậy, danh sách người giàu trên thế giới phần nào đã phản ánh được xu thế của nền kinh tế.
Tuy nhiên, tại VN, những người giàu đang là ông chủ của doanh nghiệp ngành nào thì cũng được “ngầm hiểu” là đang sở hữu nhiều bất động sản. Từ đó giá trị tài sản cũng tăng mạnh theo thời gian. Vì thực tế ở VN, từ năm 2000 đến nay đã có những khu vực đất tăng gấp nhiều lần, thậm chí lên cả 100 lần. “Lúc giá đất còn thấp trong những năm 2000 thì chỉ một số ông chủ doanh nghiệp mới có dư tiền mặt để mua đất. Vì vậy, giá đất tăng thì tự động tài sản của họ cũng tăng lên nhiều lần, cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ hoạt động sản xuất chính của bản thân các doanh nghiệp này. Đó là chưa kể, danh sách người giàu ở VN chưa phản ánh được hết xu hướng phát triển của ngành nào rõ rệt. Hơn nữa, số lượng người giàu của VN gia tăng cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, nhưng điều đó cũng chỉ mang tính tương đối vì thực tế cũng có rất nhiều người giàu chìm mà không ai biết và cũng không thể thống kê được. Hy vọng trong nhiều năm sau, các doanh nhân trẻ từ những công ty khởi nghiệp hiện nay ở VN sẽ dần dần có mặt nhiều hơn trong các danh sách người giàu trên”, TS Đinh Thế Hiển nói.
Bình luận (0)