Người gieo chữ trên mây

Ngọc Anh
Hà Nội
13/10/2024 09:00 GMT+7

'Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?'. Nếu ai cũng sợ xa xôi vất vả, những em nhỏ vùng cao này biết bao giờ mới có ngày thấy thế giới bên kia những dãy núi?

Nguyễn Văn Dành (sinh năm 1976) là thầy giáo đã gắn bó 20 năm tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tinh Lai Châu. Thầy là một trong rất nhiều thầy cô giáo miền xuôi sẵn lòng mang thanh xuân, nhiệt huyết của mình đi "gieo chữ trên mây", đem ánh sáng tri thức đến nơi rẻo cao.

Người gieo chữ trên mây- Ảnh 1.

Ảnh chụp năm 2016 tại một điểm học trong bản

ẢNH: NVCC

Ý chí của thầy giáo trẻ

Sinh ra và lớn lên tại Hoà Bình, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Giáo dục tiểu học, thầy Nguyễn Văn Dành đã trở thành giáo viên tại địa phương. Trong suốt một năm làm việc tại quê nhà thầy vẫn luôn đau đáu muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa. Được gia đình ủng hộ, động viên, các thầy cô đi trước truyền cảm hứng, thầy Dành đã quyết định nộp đơn lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu. Tháng 10.2004, thầy Dành có quyết định điều động đến nhận công tác tại điểm trường số 2 Tà Tổng (nay là Nậm Ngà), xã Tà Tổng, huyện Mường Tè.

Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng thầy Dành vẫn cảm thấy "choáng ngợp" trước vất vả, khó khăn trăm bề nơi đây. Ngày ấy, từ cầu Pô Lếch, thầy Dành phải tiếp tục đi bộ vào điểm trường chính. Đường đi nhỏ hẹp, khi thì dốc lên dốc xuống khi thì trơn trượt, vô cùng nguy hiểm. Người dân ở đây thường gọi đó là "đường trâu bò đi". Đi từ sáng nhưng tới 17 giờ mới tới Tà Tổng 1. Suốt chặng đường đi thầy Dành được thầy Vũ Đình Vang (quê Hải Dương) là hiệu phó lúc bấy giờ dẫn đường, động viên chia sẻ. Nghỉ chân ở Tà Tổng 1, thầy Vang hướng dẫn chuẩn bị đồ ăn thức uống để vào Tà Tổng 2. Đường đi chặng đầu đã khó chặng sau còn khó hơn. Ba lô đang dùng phải thay bằng ba lô bộ đội để đảm bảo độ chắc chắn, tiện dụng. Đoạn đường ngày hai ngắn hơn nhưng khi phải đi mà như bò, phải leo dốc, phải gồng cả người để bấu víu vào bất cứ điểm nào có thể, vì vậy mãi chập tối mới đến nơi.

Người gieo chữ trên mây- Ảnh 2.

Trường năm 2016

ẢNH: NVCC

Bữa tối hôm ấy với thầy Dành là bữa tối mà cả đời này có lẽ thầy sẽ không bao giờ quên. Hôm ấy, thầy Dành ăn cơm cùng các thầy tại Tà Tổng 2, ai cũng ấm áp chân tình. Các thầy vừa nhìn thầy Dành vừa thương, vừa lo lắng, sợ thầy còn trẻ vậy không biết có ở lại được nơi đây không? Có thầy hỏi: "Ở đây cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chỉ có vách gỗ, vách nứa ghép tạm thế này, sóng điện thoại không có, bất đồng ngôn ngữ và vô vàn khó khăn khác, thầy có ở nổi không?".

"Bây giờ nghĩ lại bỏ về thì có xứng là nam nhi không? Tại sao các thầy ở đây có thể gắn bó nhiều năm như vậy mà mình lại không?"… Thầy Dành cứ trăn trở như vậy, quyết tâm bằng mọi giá bản thân phải làm được, không thể để phụ lòng tin tưởng của các thầy cô đã dìu dắt, gia đình đã động viên.

Những lúc nhớ nhà nhất là ngày lễ tết, người cứng cỏi thường hay cười như thầy cũng phải rơm rớm nước mắt. Tháng đầu xa nhà, thư ngày nào cũng viết nhưng nhiều khi không thể gửi vì không có người đi ra xã. Điện báo từ ngoài vào có bận một tháng mới tới nơi. Không biết bao lần thầy Dành phải tự động viên mình kiên gan bền chí. Thấy các em nhỏ bé xíu vượt bao đèo bao suối đến lớp vẫn cười tươi, thấy các đồng nghiệp kiên nhẫn từng chút một chỉ bảo học sinh dù bất đồng ngôn ngữ, thầy Dành lại nâng cao quyết tâm gắn bó bám bản bám trường.

Gieo chữ trên mây

Thầy Dành khi mới lên Tà Tổng chưa biết tiếng dân tộc nên 6 năm đầu thầy làm việc tại điểm trường chính. Sau đó lần lượt thầy đi điểm bản Pa Khà, U Na và đến năm 2023 thầy tiếp tục công tác tại Nậm Ngà.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà có học sinh đều là con em của đồng bào Mông và Hà Nhì ở các bản Nậm Ngà, U Na, Tia Ma Mủ, Pà Khá, Nậm Dính, Xế Ma, Cao Chải. Những năm đầu, thầy Dành công tác tại đây, trường học chủ yếu là vách nứa, vách củi, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên vì chưa có điện. Nhiều năm trời cả thầy trò đều vất vả "đánh vật" với nắng gió để mang "cái chữ" rọi đường tương lai.

Người gieo chữ trên mây- Ảnh 3.

Trung thu năm 2023

ẢNH: NVCC

Điểm trường trung tâm Nậm Ngà năm 2010 bắt đầu có đường vào tận nơi, năm 2016 có điện. Các thầy cô không phải dùng máy phát điện chạy tua bin cắm ở các con suối nữa, cuộc sống của cả thầy và trò dần được cải thiện. Năm 2018, hình ảnh thầy trò trường Nậm Ngà khai giảng bên bờ suối trên báo chí được cộng đồng mạng chia sẻ từng khiến không ít người ngậm ngùi, xót xa. Ở những điểm trường lẻ thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà, rất nhiều em học sinh vẫn phải học trong những phòng học tạm.

Năm 2020 các em học sinh tại điểm trường chính đã có khu bán trú khang trang do được nhà nước, chính quyền tạo điều kiện, các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ chung tay.

Các thầy cô giáo nơi đây tâm niệm học sinh đã vượt cả hàng chục km đến với mình, đồng bào tin tưởng mình, là người giáo viên phải hết lòng cống hiến để không cảm thấy hổ thẹn với nghề. Thầy Dành cũng như bao thầy cô đang ngày đêm miệt mài gieo những con chữ trên núi cao cầm phấn, tối chăm lo từ bữa ăn đến tắm giặt cho các em. Các thầy cô vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa làm thầy không nề hà bất cứ việc gì.

Thương các em bữa cơm trắng, mèn mén không ấm bụng, các thầy kết hợp với các đơn vị tình nguyện cải thiện bữa ăn cho các em. Những luống rau xanh, những đàn lợn đàn gà được thầy trò cùng nhau chăm bẵm nuôi ước mơ tương lai ngày một tốt hơn.

Chữ trên mây sẽ hóa cầu vồng

20 năm gắn bó tại Nậm Ngà, thầy Dành đã chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất nơi đây, sự trưởng thành của từng lứa học sinh. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, của Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô đi trước mà con đường mang cái chữ tới từng điểm bản xa xôi được tiếp thêm động lực. Thầy Dành nói bản thân thầy thấy mình thật nhỏ bé, thầy cũng giống như các thầy cô giáo khác, những việc thầy làm là lương tâm nghề nghiệp mình phải có. Con đường thầy đi cũng không phải thầy đi một mình mà được sự ủng hộ của biết bao người từ các cấp chính quyền tới các đơn vị xã hội, bà con.

Người gieo chữ trên mây- Ảnh 4.

Thầy Dành - bìa phải

ẢNH: NVCC

Người dân bản họ có cái chữ, học rồi dần dần sẽ bớt những hủ tục lạc hậu. Cuộc sống sẽ không chỉ quanh con suối, nương rẫy mà có thể đi xa hơn, vươn tới những vùng đất mới. Giờ đây đã có biết bao học sinh từ mái trường Nậm Ngà là sinh viên, là cán bộ, là giáo viên... Chính họ đang từng ngày đem lại sự thay đổi đầy hy vọng cho mảnh đất này.

Người gieo chữ trên mây- Ảnh 5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.