Lại là nó! Cậu thanh niên này trơ tráo thật. Đã nhiều lần, các tình nguyện viên trong nhóm cơm từ thiện tỏ vẻ khó chịu. Cơm nấu là phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hộp cơm gói ghém cả tấm lòng của các nhà hảo tâm và các anh chị cô bác trong nhóm nên luôn thơm dẻo, đủ dưỡng chất cho người bệnh. Mỗi ngày, chỉ có chín mươi chín suất được phát miễn phí, nếu ai cũng tham như cậu ta, làm sao còn phần cho người khác.
- Sức dài vai rộng, sao không đi làm mà ăn, lần nào cũng thấy cậu xin thêm cơm. Cho một hộp đã nhân nhượng, lại còn cố xin hai. Cơm đã đóng theo từng suất, chẳng có cơm trắng đâu mà cho...
Hoàng, trưởng nhóm cơm từ thiện Bồ Đề hiểu nỗi bức xúc của các bà, các chị. Đúng là, cũng không tránh khỏi một số người đóng giả người nhà bệnh nhân trà trộn vào, trong đó có một vài bác xe ôm, người vô gia cư; nhưng phức tạp nhất là cánh bụi đời lang thang. Tới giờ phát cơm là họ tới cổng bệnh viện chờ chực. Họ không xếp hàng mà xô đẩy, chen ngang. Ai nói thì văng tục, sửng cồ...
"Của cho không bằng cách cho"! Mọi người cố gắng hoan hỉ. Thực tình, người ta khó thì mới xin. Mình nói gay gắt với người này, vô tình sẽ làm tổn thương tới người khác. Người nghèo họ dễ tủi thân và tự ái lắm... Hoàng ghé tai chị tình nguyện viên vừa mắng cậu thanh niên góp ý. Rồi Hoàng cầm thêm một hộp cơm đưa cho cậu ta.
- Mỗi người chỉ được nhận một hộp. Tôi biết cậu có lý do để xin thêm một hộp nữa. Nhưng như vậy, đồng nghĩa, sẽ có một người hôm nay phải nhịn đói... Mong cậu hiểu!
Cậu thanh niên chìa tay để đón nhận hộp cơm, nhưng khi nghe Hoàng nói lại thụt tay lại. Cậu lí nhí trong cổ họng, đủ để Hoàng nghe lọt: "Con xin lỗi! Con cảm ơn!" rồi vội vã rời đi.
*
Sáng nay, Hoàng có cuộc hẹn với một mạnh thường quân. Anh là Việt kiều sống tại Mỹ. Anh vừa đưa di cốt của mẹ từ Mỹ về Việt Nam chôn cất theo di nguyện của bà. Anh nói, được người thân giới thiệu nhóm cơm thiện nguyện Bồ Đề của Hoàng, nên muốn gặp để trao một số tiền mà mẹ anh lúc còn sống đã gom góp nhưng chưa gửi về nước làm từ thiện được.
Hoàng thấy bà con mình ở trong nước cũng như nước ngoài đều có tấm lòng tương thân tương ái. Chính Hoàng đã từng được bao bọc, sẻ chia bởi những con người nhân ái ấy. Nếu không có họ chìa bàn tay ra giúp đỡ, thì không biết cuộc đời Hoàng bây giờ ra sao. Món nợ ân tình đó đã nhiều năm về trước, nhưng Hoàng mãi không quên.
... Nhà Hoàng ở quê chỉ có một mẹ một con. Bố mất khi Hoàng mới mười sáu tuổi.
Hoàng rất muốn nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ làm nông. Nhưng mẹ Hoàng thì luôn yêu cầu Hoàng phấn đấu vào đại học. Ngày công bố điểm chuẩn, Hoàng giấu biệt thông tin trúng tuyển. Chẳng biết thế nào, mẹ Hoàng lại biết, bà nói: "Con đỗ đại học là mong ước, cũng là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời mẹ, con không được phép giấu". Biết Hoàng lo lắng chuyện tiền bạc, mẹ Hoàng nói thêm: "Nhà mình có khó khăn, nhưng nếu cả hai mẹ con cùng cố gắng thì sẽ vượt qua". Hoàng hiểu ý tứ câu nói của mẹ.
Ngày tiễn con lên thành phố, mẹ Hoàng dúi vào tay con mười lăm triệu đồng tiền bán con bò là tài sản duy nhất đáng giá trong gia đình để Hoàng làm thủ tục nhập học và đặt cọc tiền trọ. Ngay từ năm thứ nhất, Hoàng đã xin đi làm bán thời gian tại một quán bia hơi. Nhờ chăm chỉ và tích cóp, sang năm thứ hai, Hoàng đã dành ra một khoản tiền đủ mua một chiếc xe máy cũ để chuyển sang chạy grab cho chủ động thời gian học tập.
Một sự việc không may xảy đến. Trong một lần chở khách, Hoàng bị một thanh niên ngổ ngáo đi xe máy ngược chiều đâm phải. Cả Hoàng và khách bị bắn vào vệ đường. May mắn, khách ngồi sau không bị thương tích, nhưng Hoàng thì gãy chân. Vị khách tốt tính đưa Hoàng vào bệnh viện, lại còn ứng trước cho Hoàng một khoản đặt cọc viện phí. Hoàng được chỉ định mổ để xử lý phần xương bị gãy. Không để mẹ lo lắng, Hoàng vẫn gọi điện thông báo với mẹ là đang đi học, đi làm bình thường. Chiếc xe máy là phương tiện kiếm cơm buộc phải bán để trang trải chi phí điều trị. Không còn tiền sinh hoạt, những hộp cơm, bát cháo từ thiện trước cổng bệnh viện đã cứu đói Hoàng trong quãng thời gian khó khăn ấy.
Là một sinh viên ở quê lên Hà Nội học tập, Hoàng nhận ra, thành phố này, bên cạnh sự ồn ã, có lúc xô bồ, nhưng trong sâu thẳm, con người nơi đây thật đôn hậu, bao dung và nghĩa tình. Hoàng hứa với chính mình, khi ra trường, có công ăn việc làm, có thu nhập, sẽ phải làm được hai việc: Đón mẹ lên thành phố ở cùng và trả món nợ ân tình với những con người không quen biết ấy. Đó là lý do khiến nhóm cơm từ thiện của Hoàng ra đời.
Công việc thiện như bông hoa ngát hương lan tỏa theo chiều gió. Các bà, các chị ở khu dân cư nơi Hoàng sinh sống tự nguyện chung tay góp sức với Hoàng. Người bận rộn, không có thời gian thì ủng hộ tiền bạc mua lương thực thực phẩm. Cứ thế, từ việc phát cơm miễn phí mỗi tuần một lần vài ba chục hộp. Nay nhóm của Hoàng đều đặn một tuần bốn lần, mỗi lần cả trăm suất cơm.
Mải mê với những hồi tưởng cũ, Hoàng chợt nhìn thấy một khuôn mặt quen mà không nhớ đã từng gặp ở đâu? Đúng rồi, chính là cậu ta. Cậu thanh niên xin thêm một hộp cơm bữa trước. Thì ra, cậu ta là nhân viên ở quán cà phê này. Hoàng định gọi lại để hỏi chuyện, nhưng cũng vừa lúc đó, mạnh thường quân tới nên Hoàng quên mất ý định ban đầu.
Cứ đến rằm trung thu, nhóm của Hoàng sẽ tổ chức một chương trình văn nghệ kết hợp tặng quà cho bệnh nhân nhi khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Mục đích là để xua đi mặc cảm bệnh tật cho các con, giúp các con được hòa mình đón trung thu như các bạn nhỏ khác. Hoàng đã lên kịch bản, hôm nay vào gặp ban giám đốc bệnh viện để trình duyệt.
Từ phòng giám đốc phải đi qua khoa Huyết học truyền máu. Cơ duyên thế nào, Hoàng lại bắt gặp chàng thanh niên ấy. Cậu ta vừa bước ra khỏi phòng hiến máu, dáng vẻ mệt mỏi.
Hoàng nhìn quanh, khoa Huyết học truyền máu hôm nay vắng người, xung quanh không thấy có pa-nô hay áp phích nào quảng bá ngày hiến máu nhân đạo. Vậy cậu ta đến đây làm gì? Hoàng tò mò, đợi người thanh niên đó đi khuất thì bước tới hỏi chị y tá. Khi biết Hoàng là đối tác của lãnh đạo bệnh viện, chị mới đồng ý cung cấp thông tin: "Cậu ấy tên là Dũng, sinh viên Trường ĐH BK. Ngày trước thì cậu ấy hay bán máu; nhưng khi biết tiểu cầu có giá hơn mà không cần phải giãn cách ba tháng mỗi đợt, cậu ấy chuyển sang bán tiểu cầu. Bán gộp một lần 500ml tiểu cầu, một tháng, cậu ấy có thêm gần triệu bạc bù vào chi phí sinh hoạt...".
Tại sao Dũng cần đến tiền nhiều như vậy? Vừa đi làm thêm, vừa bán máu, mà không đủ chi tiêu hay sao?
Lần phát cơm tại Bệnh viện Đa khoa thành phố, Hoàng nhìn thấy Dũng đã có mặt trong dòng người xếp hàng nhận cơm. Sau khi nhận một suất cơm, Dũng cúi đầu lễ phép, rồi đi như chạy về phía khoa Thận tiết niệu của bệnh viện. Hoàng bám theo.
- Con vừa xin được hộp cơm nóng, mẹ ăn một chút nhé. Cơm từ thiện nhưng rất ngon, đầy đủ cá thịt, rau xào, chẳng kém gì cơm tại quán mẹ ạ.
Trên giường bệnh, một người đàn bà tóc đã hoa râm, hom hem trong bộ đồ bệnh viện màu vàng nghệ. Nước da xanh tái, đôi môi nhợt nhạt, chứng tỏ bệnh nhân đã mắc bệnh thận một thời gian dài. Bà nhìn Dũng, giọng phều phào.
- Mẹ uống sữa đủ rồi, con mang đến chỗ làm mà ăn trưa. Chiều tan học về thì kiếm cái gì mà ăn trước khi vào đây, đừng nhịn mà khổ. Không phải gom góp tiền chữa bệnh cho mẹ nữa, cũng chả kéo dài thêm được bao lâu. Sống thêm ngày nào chỉ làm khổ con ngày ấy...
- Mẹ đừng nói thế! Con đã không còn cha, đừng để con sớm mồ côi cả mẹ. Cơm các cô chú trong nhóm từ thiện phát rất nhiều, ai ăn được bao nhiêu thì lấy. Con lấy đủ no rồi mẹ...
Hoàng sững người khi nghe Dũng nói với mẹ. Mẹ Dũng là bệnh nhân chạy thận nhân tạo, mỗi đợt điều trị tốn kém khá tiền. Dũng là sinh viên, vừa đi học, vừa đi làm mà không đủ lo cho mẹ. Cậu ta đã nhịn nhục, xin cơm ăn, dồn tiền thuốc thang cho mẹ. Thế mà, Hoàng và các anh chị trong nhóm đã vội nghĩ oan cho cậu ấy.
*
Vừa đến giảng đường, Dũng nhận được cuộc điện thoại của anh chủ tịch Hội Sinh viên mời lên văn phòng nhà trường. Dũng có vẻ căng thẳng, lo lắng, vì không biết lý do. Nhận rõ sự hồi hộp của Dũng, anh chủ tịch nhanh nhảu rút ngay tờ giấy đựng trong chiếc kẹp trình ký, trịnh trọng đọc to: "Căn cứ vào chức năng, quyền hạn của hiệu trưởng; Xét đề nghị của Phòng Công tác sinh viên. Quyết định của Hiệu trưởng Trường ĐH BK. Điều một: Miễn hai năm học phí cho sinh viên Đồng Quang Dũng vì thành tích học tập xuất sắc. Điều hai: Hội đồng nhà trường đồng ý trích mười triệu đồng từ quỹ sinh viên nghèo vượt khó trao cho sinh viên Dũng để hỗ trợ hoàn cảnh gia đình khó khăn...".
Chưa hết bất ngờ, Dũng lại được anh chủ tịch Hội Sinh viên nắm lấy tay kéo ra khu vực bãi để xe nhà trường; rồi chỉ vào chiếc xe máy Honda mới kính coong nói: "Có bằng lái xe chưa, chưa có thì gửi tạm ở đây, bao giờ thi được bằng thì nhận về... Một nhà hảo tâm giấu tên thông qua nhà trường gửi tặng cho cậu. Anh ấy nói thương cái bao tử của cậu, vì lúc nào cũng thấy cậu chạy bộ: chạy vào bệnh viện trông mẹ, chạy đi làm, rồi lại chạy vội đến trường cho kịp giờ học... có cái xe này thì chủ động thời gian hơn. Anh ấy còn nói, hồi trước cũng là sinh viên nghèo, nhờ có cái xe máy chạy thêm mà trang trải được chi phí học tập, còn có tiền gửi về cho mẹ ở quê...".
Dũng nghĩ mãi, không biết nhà hảo tâm đó là ai mà biết rõ về Dũng như thế. Xung quanh Dũng có nhiều tấm lòng nhân ái quá. Dũng phải sống thế nào để xứng đáng với những ân tình đó!
Bình luận (0)