Nhưng riêng người làm công ăn lương vẫn đang “ngóng” được hỗ trợ vì mức giảm trừ gia cảnh hiện đã quá lỗi thời.
Doanh nghiệp sẽ được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2022 |
ngọc dương |
Hơn 125.000 tỉ đồng tiếp sức doanh nghiệp
Hôm qua (28.3), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý về 2 nghị định gia hạn một số thuế cho doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh. Theo dự thảo của Bộ Tài chính, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất, thuê mặt nước như Nghị định số 52/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, doanh nghiệp (DN) được gia hạn nộp thuế GTGT đến cuối năm 2022 đối với số thuế phải nộp từ tháng 3 - 8, tương đương thời gian gia hạn từ 4 - 6 tháng tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế. Tương tự, gia hạn nộp thuế TNDN tạm nộp của quý 1 và quý 2/2022 trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT và thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2022 đến cuối năm. Còn với tiền thuê đất, thuê mặt nước đề xuất gia hạn 6 tháng cho kỳ nộp đầu năm 2022 kể từ ngày 31.5 (DN phải nộp trước ngày 31.11). Tổng số tiền thuế dự kiến phát sinh được gia hạn của các sắc thuế trên của các kỳ trong năm 2022 có thể lên tới hơn 125.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo tờ trình về việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với tổng số tiền dự kiến 4 kỳ (từ kỳ tính thuế tháng 6 đến tháng 9) từ 9.300 - 11.400 tỉ đồng. DN phải nộp chậm nhất là ngày 20.11.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tổng cục Thuế, cho hay cơ chế giãn, hoãn nộp thuế có tính chất là khoản cho vay không tính lãi của nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai, từ đó tăng mức đóng góp cho ngân sách nhà nước. Trong quyền hạn của mình, Chính phủ gia hạn từng năm. Việc gia hạn thuế đã được thực hiện năm 2020 và 2021, nên trong lần gia hạn 2022 dự kiến sẽ nhanh gọn hơn, ban soạn thảo xin trình ban hành nghị định theo quy trình rút gọn để sớm áp dụng nhằm hỗ trợ người nộp thuế.
Cần triển khai ngay đầu tháng 4
Tại tọa đàm hôm qua do VCCI tổ chức, một số kiến nghị cho rằng cần tăng thời gian gia hạn các loại thuế nhiều hơn mức 3 - 6 tháng như nghị định đưa ra. Thậm chí có thể kéo dài sang năm 2023 khi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 vẫn tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cá nhân.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, việc gia hạn một số loại thuế cho DN, hộ kinh doanh sẽ hỗ trợ cho các DN, hộ gia đình có thêm nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đến hết năm. Vì vậy, quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện các chương trình hỗ trợ mà Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội phê duyệt. Ví dụ, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đối với khoản vay thương mại cho DN, hợp tác xã; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động hay cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với một số đối tượng như sinh viên, cá nhân mua, thuê nhà ở xã hội hay tái cấp vốn cho DN vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và cả nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho DN, người dân…
Hỗ trợ tối đa 1 triệu/tháng tiền nhà cho người lao động
Phó thủ tướng Lê Minh Khái hôm qua (28.3) đã ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ).
Cụ thể, NLĐ đang làm việc trong DN tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: ở thuê, ở trọ từ ngày 1.2.2022 đến ngày 30.6.2022; có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1.4.2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm DN lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của DN vào tháng liền kề trước thời điểm DN lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên thì được nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng và được chi trả hằng tháng.
Với NLĐ đang làm việc trong DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: ở thuê, ở trọ từ ngày 1.4.2022 đến ngày 30.6.2022; có HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1.4.2022 đến ngày 30.6.2022, trừ HĐLĐ giao kết tiếp nối của HĐLĐ đã giao kết và thực hiện trước đó; đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, NLĐ mới tuyển dụng và có giao kết HĐLĐ nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Mức hỗ trợ áp dụng cho đối tượng này là 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng và được chi trả hằng tháng.
* Cùng ngày 28.3, Hội đồng tiền lương quốc gia tổ chức cuộc họp có sự tham gia của đại diện NLĐ là Tổng LĐLĐ VN và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), Bộ LĐ-TB-XH và các chuyên gia độc lập. Trong đó, đại diện Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng lương từ ngày 1.7. Trong khi đó, đại diện của VCCI đề nghị tăng từ 1.1.2023 và cần phải tính toán kỹ trong bối cảnh DN vẫn cần phục hồi sau đại dịch.
Chí Hiếu - Thu Hằng
“Việc triển khai phải khẩn trương hơn, càng sớm càng tốt vì đã hết quý 1/2022. Song song đó, trong quá trình thực hiện phải tháo gỡ ngay những khó khăn vướng mắc để đảm bảo chính sách hỗ trợ cho DN, hộ kinh doanh đạt hiệu quả”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng gia hạn thuế trong thời gian khó khăn này mang ý nghĩa hỗ trợ DN, nên cần cắt bỏ hay giảm những quy định mang tính thủ tục như gửi giấy đề nghị gia hạn thuế. Khi vẫn duy trì thủ tục này, cơ quan thuế sẽ nhận được hàng trăm ngàn giấy đề nghị sẽ vừa mất thời gian vừa tốn kém. Làm sao dự thảo thiết kế một cách đơn giản nhất, ai cũng có thể đọc và hiểu để đi đến thực hiện mà không bị vi phạm hoặc lúng túng.
Còn theo ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, DN đang mong mỏi để có hỗ trợ sau đợt ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nghị định về gia hạn thuế cần ban hành sớm. Ông đề xuất nghị định gia hạn thuế phải được ban hành trong tuần đầu tiên của tháng 4.
Người làm công ăn lương “ngóng” hỗ trợ
Trong khi hàng loạt chính sách hỗ trợ DN, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh đã và đang được triển khai thì với cá nhân người làm công ăn lương lại chưa được nhắc đến. Nhất là trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, giá hầu hết sản phẩm, hàng hóa đã tăng cao khi xăng dầu liên tục lập đỉnh mới.
Trên thực tế, mức chiết trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người đã trở thành quá lạc hậu so với tốc độ tăng giá của hàng hóa từ đầu năm đến nay khiến nhiều hộ gia đình dù không đủ chi tiêu như trước mà vẫn thuộc diện nộp thuế thu nhập.
Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (KCN Nội Bài) |
Phạm Hùng |
Theo luật sư Trần Xoa, những tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không chỉ khiến DN gặp khó khăn mà người lao động cũng bị giảm thu nhập. Việc hỗ trợ cho DN để họ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh là cần thiết nhưng cũng cần xét đến việc tính đầu tiêu thụ. Người tiêu dùng, mà cụ thể là làm công ăn lương, cần có nguồn thu nhập mới có thể tăng chi tiêu lên được. Trong khi dịch Covid-19 bước sang năm thứ 3 mà người nộp thuế cá nhân chưa có sự hỗ trợ cụ thể nào. Việc gia hạn thuế TNCN đối với tiền công tiền lương khó có thể thực hiện khi cơ quan chi trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế để nộp vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, ông đề xuất, giải pháp tốt nhất trong thời điểm hiện nay đó là giảm thuế TNCN theo tỷ lệ 30% như thực hiện đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, bày tỏ thất vọng cho rằng kiến nghị về thuế TNCN đối với người làm công ăn lương gần như không có tác dụng gì trong 3 năm qua. Nếu theo quan điểm cho rằng “có thu nhập thì phải đóng thuế”, vậy tại sao DN, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh được gia hạn và giảm thuế mà cá nhân lại không được? Để kích cầu tiêu dùng nội địa, giải pháp giảm thuế TNCN 30% là dễ thực hiện nhất.
Bình luận (0)