Người làm công ăn lương thực sự thu nhập cao?

14/08/2021 06:49 GMT+7

Vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân dù bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19, thế nhưng người làm công ăn lương lại được xem là có thu nhập cao nên không được đưa vào dự thảo giảm thuế của Bộ Tài chính .

Giảm cho doanh nghiệp, sao không giảm cho người làm công?

Ngày 12.8, Tổng cục Thuế đã thông tin nhằm làm rõ hơn về việc báo chí phản ánh “thu nhập giảm vẫn bị trừ thuế và không được đề xuất giảm thuế”. Trước đó, theo nội dung phản ánh của báo chí, trong dự thảo nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã “bỏ rơi” người làm công ăn lương do không có đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho đối tượng này. Tổng cục Thuế cho biết theo quy định của pháp luật, thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, khoản từ thiện, nhân đạo. Với quy định này, người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế TNCN, đối với mức thu nhập cao hơn thì sẽ tính các khoản giảm trừ theo quy định và áp dụng biểu thuế lũy tiến.
Khi đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công, Bộ Tài chính thấy rằng nếu áp dụng việc giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trong 6 tháng cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập cao không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bởi số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm 87% trong tổng số thu từ thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công. Do đó, để thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng, các bộ, ngành đã trình Chính phủ hàng loạt giải pháp tổng thể và toàn diện đối với cả người lao động và người sử dụng lao động, trong đó có tăng mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Quy định mới này đã điều chỉnh giảm thu nhập tính thuế khoảng 6 triệu người lao động, giảm thu ngân sách 10.800 tỉ đồng, trong đó có khoảng 1,2 triệu người lao động đang thuộc diện chịu thuế ở bậc 1 thì theo quy định mới thuộc diện không phải nộp thuế.
Ngay sau khi thông tin được đăng tải, nhiều bạn đọc đã phản hồi không đồng tình với giải thích của Bộ Tài chính. Độc giả Hong Ho viết: Ngành thuế không công bằng với người làm công ăn lương. Tại sao giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà không giảm thuế cho người lao động? Giảm thuế cho DN tức là chỉ ông chủ DN hay vài cổ đông hưởng lợi, còn lại người lao động, chất xám thì bị bỏ rơi. Hay bạn đọc Lê Yến Vy viết: Thu nhập cao nhưng chi phí cho cuộc sống thời dịch tăng phi mã, tăng không có điểm dừng. Ví dụ trứng gà từ 21.000 đồng/10 quả tăng lên 35.000 - 40.000 đồng/10 quả, mức tăng gấp đôi. Phí ship thông thường 15.000 - 20.000 đồng cho 3 km đầu tiên thì nay rẻ nhất là 35.000 đồng, có nơi đến 50.000 đồng. Chi phí sinh hoạt tăng ít nhất 35%. Thu nhập vừa chạm ngưỡng phải đóng thuế thì vừa bị thu thêm thuế, vừa gánh chi phí sinh hoạt. Ai hiểu nỗi khổ này cho dân?
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích: Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng từ giữa năm 2020 là thực hiện theo quy định khi lạm phát gia tăng thì tăng ngưỡng thuế, không liên quan đến việc hỗ trợ cá nhân nộp thuế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi các đối tượng nộp thuế khác như DN, hộ kinh doanh đều được xem xét giảm thuế thu nhập từ năm 2020 và năm 2021, nhưng riêng người làm công ăn lương là hoàn toàn chưa được xem xét giảm thuế TNCN. Đáng nói, hơn 2 tháng qua, hàng ngàn người lao động đều bị giảm thu nhập do dịch diễn biến phức tạp; ngược lại, chi tiêu tăng mạnh vì giá thực phẩm thiết yếu tăng cao, chưa kể chi phí giao nhận tăng gấp 3, 4 lần, trước đây người mua thường không trả phí này. Như vậy, thu nhập danh nghĩa của nhiều người có thể vẫn còn như trước, tuy nhiên thu nhập thực tế thì giảm mạnh nếu quy đổi ra sức mua hàng hóa thiết yếu.

Chính sách thuế chưa công bằng

Thạc sĩ Trần Minh Hiệp, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích thêm trong bối cảnh giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gia tăng, các chi phí phải chi trả cho bản thân và người phụ thuộc tăng lên rất cao. Rất nhiều gia đình có người lao động chính bị mất thu nhập (do chấm dứt hợp đồng lao động, giảm lương do tạm ngừng việc, bị cách ly y tế...), nhưng không đủ điều kiện trở thành người phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh khi xác định thu nhập tính thuế của người nộp thuế theo quy định tại điều 19 luật Thuế TNCN. Điều này dẫn đến nhu cầu chi tiêu của người có thu nhập đến mức phải nộp thuế tăng lên. Do đó, nếu căn cứ vào thu nhập của một người làm công hưởng lương sau khi giảm trừ gia cảnh rồi xác định là người đó có thu nhập cao, phải nộp thuế mà không được chia sẻ gánh nặng về thuế đối với những người còn lại trong gia đình là không công bằng, không phản ánh hết tình hình khó khăn của người nộp thuế.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty luật Việt Tín Nghĩa, phân tích mức giảm trừ gia cảnh của VN hiện nay chỉ tính trên đầu người, chưa tính theo hộ gia đình như các nước nên cũng chưa thể bao quát hết tất cả để nhận xét thu nhập của người làm công ăn lương là cao. Mỗi người mỗi cảnh khác nhau, người làm ra 20 triệu đồng nuôi vợ con thì khác với người độc thân. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nhiều người ở nhà thực hiện giãn cách xã hội nên chi phí sinh hoạt trong gia đình tăng cao hơn so với trước đây. Cùng là mức thu nhập, trong khi DN đang được xem xét giảm 30% thuế TNDN thì việc giảm thuế đối với cá nhân cũng là điều cần thiết, tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Ở đây, việc giảm thuế cho người có thu nhập từ tiền lương, tiền công nhằm chia sẻ thêm với họ những khó khăn trong cuộc sống, cũng là cách động viên người nộp thuế lúc khó khăn này. Chính vì vậy trong dự thảo nghị quyết về giảm thuế, phí lần này cần bổ sung thêm đối tượng giảm thuế TNCN là người làm công ăn lương.
“Thu nhập thực tế của mọi gia đình đều giảm mạnh trong đợt dịch bùng phát lần này. Cơ quan thuế nên xem xét giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương tương đương mức giảm như đối với thuế thu nhập của DN. Đó mới gọi là hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Luật sư Trần Xoa
Đồng quan điểm, TS Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định: Nếu như trước đây, người dân mua 1 tô phở chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng thì nay phải bỏ ra đến 50.000 đồng hay lên đến 60.000 đồng. Như vậy, khi quy đổi ra sức mua thì thu nhập giảm rất nhiều. Vì vậy, dù những người làm công ăn lương hiện vẫn còn thu nhập trên ngưỡng chịu thuế, nhưng đã không thể đảm bảo mức sống như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Do đó, cho đây là nhóm người có thu nhập cao là chưa hợp lý. Hơn nữa, nếu miễn giảm thuế TNCN cũng là một chính sách góp phần duy trì sức chi tiêu của người dân, giữ được tổng cầu cho thị trường. Từ đó, giúp nền kinh tế nói chung và các DN sản xuất nói riêng sớm hồi phục trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.