Người lính biên phòng 17 năm gieo chữ cho trẻ em nghèo

Nguyễn Chung
Nguyễn Chung
03/03/2021 06:06 GMT+7

Những con chữ đã đến với trẻ em nghèo bằng cả tấm lòng của thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng (47 tuổi, công tác tại Đồn biên phòng Cầu Bóng, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa).

Đều đặn mỗi tối, từ thứ hai - thứ sáu hằng tuần, Nhà văn hóa tổ dân phố 19 Trường Phúc (P.Vĩnh Phước, TP.Nha Trang) lại sáng đèn. Đây là lớp học đặc biệt của hàng chục trẻ em nghèo. Suốt 17 năm qua, người dân nơi đây đã quá quen với hình ảnh chú bộ đội biên phòng chạy xe máy từ phía đường 2 Tháng 4, rẽ vào con hẻm nhỏ và dốc, đến với lớp học. Hôm nay, mấy đứa nhỏ đến sớm ngồi chờ thầy ở góc đường, mải ham chơi cũng vội đứng dậy: “Thầy kia rồi. Nhanh vào lớp!”.

Lớp học “5 trong 1”

Trong lớp, thiếu tá Tưởng chia bảng thành ba cột. Bên trái thầy dành cho khối lớp 4 - 5, ở giữa là chương trình lớp 2 - 3, còn bên phải là của các em học sinh lớp 1. Thầy thường dành thời gian đầu buổi học kiểm tra chữ viết, tập đọc cho các em nhỏ nhất lớp, rồi mới đến lượt giảng bài học cho khối lớp lớn. Sau đó thì cứ “xen kẽ, xoay vòng”. Lớp học “5 trong 1” nên việc dạy cũng thật gian nan. Có những em nét chữ còn nguệch ngoạc, thầy phải cầm tay nắn nót từng chữ. Lúc này, tiếng ồn ào lại vang lên ở góc nào đó của lớp học. Thầy nhìn qua, nhắc nhở: “Hôm nay thầy hơi mệt, nhưng vẫn đến lớp với các em. Các em có thương thầy không?”. Cả lớp “dạ có”, rồi lại trật tự.
Nói về sự xuất hiện của lớp học này, thiếu tá Tưởng cho biết năm 2004, anh được phân công về Đồn biên phòng Cầu Bóng. Những lần đi thực tế tại địa bàn, anh Tưởng nhìn thấy những đứa trẻ đi nhặt ve chai kiếm sống, bán hàng rong hoặc lang thang. Qua tìm hiểu, anh được biết các em đều có hoàn cảnh đặc biệt nên không được đến trường. Anh Tưởng đã trình bày ý định mở lớp dạy chữ miễn phí với đơn vị, chính quyền địa phương và được chấp thuận. Anh kể: “Mình đến vận động bố mẹ các em cho con đi học chữ. Những ngày đầu, lớp chỉ có vài em. Để tạo hứng thú cho các em đến lớp, mình chủ yếu kể chuyện vui, cho các em chơi đùa, rồi dần dần mới dạy kiến thức. Thời gian sau, khi biết có lớp học miễn phí, nhiều gia đình không chỉ ở P.Vĩnh Phước mà các phường lân cận cũng đến xin cho con vào học. Năm nay lớp có 45 em. Vì hoàn cảnh nên có những em 15 - 16 tuổi nhưng cũng mới tập đọc, tập viết”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng kiên trì dạy chữ cho các em nhỏ

ẢNH: NGUYỄN CHUNG

Thầy đi tìm trò

Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng nhớ lại, có những em nhỏ lớn lên trong cảnh bố mẹ bỏ nhau, bị tù tội. Các em ít được sự quan tâm của gia đình nên lêu lổng, dễ bị kẻ xấu lợi dụng và vướng vào cám dỗ. Việc vận động các em đến lớp đã khó, duy trì thói quen đi học cho các em còn gian nan hơn. Anh Tưởng nói: “Mới đầu có những em quen văng tục, ném vào nhau những ngôn từ xấu xí. Mình phải uốn nắn dần dần. Cũng có những em, mình nói là “con cứ đến lớp, ngồi chơi cũng được”. Thế rồi, khi thấy các bạn học bài rôm rả thì em cũng thấy thích. Mình mới hỏi: “Con học không? Thầy lấy vở cho con nhé”. Vậy là gật đầu, từ đó tối nào cũng đi học”.

Mình không có tiền bạc thì giúp các em, các cháu bằng tấm lòng. Điều mình mong muốn nhất là các em đều sẽ trở thành người tốt. Những buổi đến lớp của mình, chỉ mong như những giọt mưa, tưới tắm cho tâm hồn các em được xanh tươi hơn

Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng

Nhưng lớp học thì bao giờ cũng có học sinh cá biệt. Nhiều em ngày đầu đến lớp, nếu không ngáp lên ngáp xuống, thì cũng uể oải ngồi mệt mỏi. Rồi đi học được vài hôm thì bỏ học. Những trường hợp này, thầy dành sự quan tâm đặc biệt. Không chỉ đến tận nhà thăm hỏi, động viên, thầy Tưởng còn có những buổi đi tìm học trò trong các tiệm game, dọc bờ biển. “Chỉ có cách là phải kiên trì thôi!”, anh chia sẻ.
Chính vì hiểu được sự thiệt thòi của các em, hoàn cảnh và môi trường sống dễ đưa đẩy các em đến những cạm bẫy, nên thầy Tưởng khi lên lớp thường đan xen các câu chuyện về đạo đức, lối sống, hướng các em đến những việc làm ý nghĩa. Phan Thanh Tâm (11 tuổi) nói: “Ngày trước con không biết chữ. Mẹ con đến xin thầy cho con học. Giờ con biết đọc, biết viết, biết tính cộng trừ luôn rồi nên con rất vui”. Đứng chờ đón con bên ngoài, bà Lê Thị Thúy An (38 tuổi) kể rằng bà quê An Giang, vợ chồng trôi dạt nhiều nơi rồi đến Nha Trang mưu sinh. Cuộc sống khó khăn nên không đủ điều kiện cho con đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Bà An xúc động: “Cách đây một năm, nghe có người nói về lớp học của thầy Tưởng, tôi xin cho 2 đứa con đi học ngay. Thầy thương chúng nó lắm. Còn với con mình, được đi học, về nhà đứa nào cũng ngoan, thích học bài lắm”.

“Mong muốn các em là người tốt”

17 năm gắn bó với lớp học tình thương là một hành trình dài của người lính biên phòng trong công tác thiện nguyện. Thiếu tá Tưởng dí dỏm kể: “Hồi mới mở lớp, có những em 14 - 15 tuổi đến học chữ.
17 năm sau, có em từng là học sinh ở lớp này giờ lại dắt con đến xin học. Vậy là mình dạy cho cả hai mẹ con luôn”.
Chúng tôi hỏi: “Ban ngày bận lo công việc tại đơn vị, tối lại dành thời gian đến lớp học, vợ con anh có thấy thiệt thòi không?”. Anh Tưởng bộc bạch: “Người vợ nào cũng thế thôi, có buồn chứ, vì xa nhà nhiều hơn, thời gian bên gia đình ít hơn. Nhưng vợ chồng vẫn chia sẻ với nhau, thấy đó là việc ý nghĩa nên vui. Mình không có tiền bạc thì giúp các em, các cháu bằng tấm lòng. Điều mình mong muốn nhất là các em đều sẽ trở thành người tốt. Những buổi đến lớp của mình, chỉ mong như những giọt mưa, tưới tắm cho tâm hồn các em được xanh tươi hơn. Có nhiều em khi “ra trường”, đi làm rồi quay lại tìm thầy, nói “thầy ơi lớp có cần gì không, để con ủng hộ”. Mình vui vì các em biết đền đáp, nhưng hiểu các em vẫn khó khăn lắm nên chỉ nói thôi con về đỡ đần gia đình, còn sách vở, đồ dùng học tập ở lớp được các mạnh thường quân hỗ trợ rồi”.
Buổi tối hôm chúng tôi đến thăm lớp học tình thương, thiếu tá Tưởng bị cảm nhẹ, giọng nói ồm ồm. Chúng tôi hỏi: “Sao anh không ở nhà nghỉ cho khỏe rồi hôm sau đến lớp?”. Thiếu tá Tưởng cười: “Hôm nào ốm nặng, đi không nổi, thì cũng phải nghỉ thôi. Hôm nay chỉ hơi mệt, nhưng hình dung các em đang đợi mình, cũng nhớ!”.
Ông Ngũ Quốc Việt, Chủ tịch UBND P.Vĩnh Phước, cho biết: “Việc dạy học của thầy Tưởng, người dân ở địa phương ai cũng biết và nể phục. Địa phương luôn tạo mọi điều kiện để thầy Tưởng dạy học, bù đắp cho các cháu phần nào thiếu thốn trong cuộc sống; đồng thời cũng thường xuyên quan tâm, tặng quà cho các cháu để động viên các cháu đến lớp”.
Trung tá Nguyễn Văn Tân, Chính trị viên Đồn biên phòng Cầu Bóng, nói rằng: “Thiếu tá Tưởng là một tấm gương sống đẹp, sống có ích. Công việc thiện nguyện của anh góp phần lan tỏa sâu rộng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ mang quân hàm xanh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.