Người lính chống giặc thời bình: Nơi tuyến đầu nóng bỏng

Duy Tính
Duy Tính
19/12/2021 07:26 GMT+7

Những người chiến sĩ - bác sĩ quân y đã len lỏi khắp các ngõ hẻm ở TP.HCM trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 để giữ lấy hơi thở, sinh mạng cho bệnh nhân...

“Bác sĩ mang áo lính thì đâu cũng là nhà”

Khi dịch Covid-19 tại TP.HCM bắt đầu có dấu hiệu vượt dự báo, nguy cơ mất kiểm soát, vào thời khắc ấy, những chiến sĩ - bác sĩ mang áo lính đã thần tốc đến TP.HCM, rồi Bình Dương để chống dịch.

Thời điểm cam go đó là vào ngày 21 - 22.8, đoàn 1.000 y bác sĩ, học viên đầu tiên của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) từ Hà Nội đã đến TP.HCM và Bình Dương để chi viện chăm sóc F0 tại nhà, bệnh viện dã chiến.

Chỉ 1 ngày sau khi hội quân, các chiến sĩ - bác sĩ tham gia gần 400 trạm y tế lưu động trên toàn địa bàn TP.HCM để điều trị F0 tại nhà.

“Quân đội nhân dân Việt Nam với vai trò đi đầu, tham gia vào tất cả công tác phòng chống dịch, giúp cho TP.HCM với lực lượng cao nhất”, đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y, đã chia sẻ khi đón các chiến sĩ tại sân bay Tân Sơn Nhất: “Toàn bộ học viên, sinh viên sau đại học vào miền Nam hết. Chúng tôi đợt này vào là đi vào cộng đồng, ở cùng dân, “ở với F0”. Bất cứ lúc nào dân cần thì lực lượng này có mặt”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hỏi, động viên y bác sĩ Bệnh viện Quân dân y Miền Đông vào ngày 26.8.2021

ĐÌNH PHÚ

Những ngày ở trạm y tế lưu động, bác sĩ Đào Huy Hiếu (học viên sau đại học của Học viện Quân y) chia sẻ với PV Thanh Niên rằng các chiến sĩ đến TP.HCM không chỉ ngồi tại chỗ mà còn cơ động đến hỗ trợ người già không đi lại được. Khi đến nhà F0, bác sĩ Huy Hiếu cứ nhắc đi nhắc lại: “Có chúng tôi, có gì bà con cứ gọi”. Và thực tế, số di động của các bác sĩ trạm y tế lưu động được bà con F0 gọi đến “cháy máy” cả ngày lẫn đêm.

Bác sĩ Huy Hiếu tâm sự: “Đã xác định đi theo con đường “màu xanh áo lính” thì luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ và khi Tổ quốc gọi tên thì lập tức lên đường. Chuyện cá nhân, gia đình thì ai cũng có, nhưng trong lúc này Tổ quốc, người dân, vùng khó khăn cần hơn thì phải gác lại tất cả mọi chuyện riêng tư. Đối với bộ đội, đâu cũng là nhà, đi về với dân thì không lo lắng gì cả. Khi đặt chân đến TP.HCM và trải qua những ca khám bệnh đầu tiên, tôi thấy sự vất vả của mình không ăn nhằm gì so với sự lo lắng của bà con, nên xác định tinh thần là bà con cần gì thì mình sẵn sàng giúp ngay”.

PV Thanh Niên đã có những buổi rong ruổi cùng bác sĩ Huy Hiếu đi đến nhà thăm khám tư vấn, phát thuốc cho F0 trên địa bàn P.12, Q.Tân Bình. Và việc không mong muốn cũng xảy đến, bác sĩ Huy Hiếu cũng bị lây nhiễm. Dù trong thời gian cách ly, bác sĩ Huy Hiếu vẫn liên tục tư vấn qua điện thoại cho người dân. Niềm hạnh phúc của người chiến sĩ - bác sĩ áo lính là mang đến sức khỏe cho người dân. Có những lần, F0 khỏi bệnh mang tới tặng trái cây, chà bông, sữa… giúp các chiến sĩ tăng cường dinh dưỡng, cũng ấm lòng chiến sĩ khi xa nhà, tình quân - dân thêm gắn kết.

Sau hơn 2 tháng TP.HCM chuyển sang trạng thái bình thường mới, lực lượng quân y dần rút về, nhưng dấu ấn mãi in đậm trong trí nhớ của nhiều người.

TP.HCM “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, phát hiện hàng vạn người chưa tiêm vắc xin Covid-19

24 giờ chuyển đổi công năng để cứu bệnh nhân Covid-19

Khi TP.HCM bùng phát dịch đợt 4, ngoài chi viện chiến sĩ từ T.Ư thì tất cả lực lượng quân y đóng trên địa bàn TP.HCM đều là mắt xích quan trọng trong công cuộc chống dịch. Bệnh viện Quân dân y Miền Đông chuyển công năng thành Bệnh viện điều trị Covid-19.

Chia sẻ với Thanh Niên, đại tá Trương Hoàng Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, cho biết khi TP.HCM bước vào đỉnh dịch, sau khi nhận được lệnh từ Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM, ngày 9.7 bệnh viện chuyển đổi công năng. Chỉ 24 giờ sau (ngày 10.7), bệnh viện đã hoàn thành chuyển đổi công năng hoàn toàn để điều trị Covid-19 với 200 bệnh nhân đầu tiên. 350 chiến sĩ áo trắng quân y đã thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm rất cao, hết lòng vì người bệnh. Với lợi thế có đội ngũ công nghệ thông tin giỏi, bệnh viện đã thiết kế hệ thống phần mềm theo dõi bệnh nhân Covid-19 ngay từ lúc vào bệnh viện đến khi ra viện. Bên cạnh đó, bệnh viện còn triển khai khoa hồi sức tích cực, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân ngay từ đầu… Nhờ đó, số ca tử vong rất thấp, tỷ lệ 0,8% trên 3.000 ca.

Y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 lên đường đi hỗ trợ tại các trạm y tế lưu động tại TP.HCM

BVCC

Trong khi đó, khi TP.HCM chuyển sang trạng thái bình thường mới, Bệnh viện Quân dân y Miền Đông (TP.Thủ Đức) từ công năng bệnh viện điều trị Covid-19 chuyển thành bệnh viện chia đôi, tức vừa điều trị Covid-19 vừa điều trị các bệnh nhân khác. Nhưng số bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện cũng khoảng 450 - 550 ca điều trị mỗi ngày. Ngoài ra, hiện còn 6 tổ quân y lưu động của bệnh viện đang hỗ trợ H.Hóc Môn chăm sóc F0.

“Đặc điểm là bệnh viện quân sự, trong quá trình làm việc, các y bác sĩ nhận thức được mình là người lính của Cụ Hồ. Bất cứ giờ nào dân gọi thì cũng đi cấp cứu”, đại tá Hoàng Việt nói.

Hậu phương cho TP.HCM

Bệnh viện Quân y 175 được xem là thành trì cuối cùng nếu TP.HCM quá tải. Khi TP.HCM cũng đã rơi vào tình trạng quá tải thực sự, thì Bệnh viện Quân y 175 sẵn sàng thành lập khu dã chiến 200 giường chỉ trong vòng 24 giờ, sau đó nâng công suất lên 500 giường. Bên cạnh đó, là lập 200 giường hồi sức kỹ thuật cao, đã cứu hàng trăm bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có nhiều thai phụ nguy kịch. Bệnh viện Quân y 175 tham gia vào chiến dịch tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm, bệnh viện dã chiến và hiện nay còn tiếp nối phụ trách nhiều trạm y tế lưu động cho TP.HCM.

Nhìn lại trận chiến khốc liệt thời điểm ấy, PGS-TS, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, tâm sự rằng dấu chân người lính quân y đã đặt trên mọi miền quê hương đất nước trong công cuộc chiến đấu mang lại tự do độc lập. Dấu chân ấy in đậm từ đất liền đến biên giới, hải đảo và còn ra thế giới để gìn giữ hòa bình. “Tại trận dịch thứ 4 này, dấu chân người lính đã giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội. Dấu chân chăm lo đời sống cho người dân từ mớ rau, cân gạo, viên thuốc, bình ô xy. Và bất chợt chúng ta gặp lại hình ảnh chiếc xe thồ cổ điển từ cách đây 70 năm về trước lại xuất hiện trong các con hẻm, ngóc ngách giữa lòng thành phố, bất kể ngày đêm, mưa nắng”, tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Và trong cuộc chiến chống dịch này, theo tướng Nguyễn Hồng Sơn, dấu chân đặc biệt của những người lính âm thầm từng giây, từng phút đi quanh giường bệnh để giành giật mạng sống cho bệnh nhân. Những bước chân ấy lại đi vào từng con hẻm đưa người bệnh trở về bằng niềm vui, hạnh phúc của người ra viện lành lặn, khỏe mạnh; bước chân chia sẻ sự mất mát, đau thương với những gia đình không toàn vẹn với những hũ tro cốt trở về…

Giờ đây, những dấu chân người lính quân y 175 vẫn đang âm thầm, lặng lẽ phục vụ F0 ở các trạm y tế lưu động.

Khắc sâu những hình ảnh vì dân

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ rằng hình ảnh những người lính quân y làm việc, chăm sóc bệnh nhân cần mẫn đã làm cho người bệnh, kể cả nhân viên y tế rất xúc động. Ngành y tế TP.HCM có tình cảm rất đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã gắn bó trực tiếp từ đầu mùa dịch đến thời điểm này. Nhưng có lẽ xúc động nhất là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang chăm sóc thi hài. Ngành y tế TP.HCM mãi khắc ghi hình ảnh trọn vẹn nghĩa tình của lực lượng vũ trang TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.